Ngày 11/8, kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khoá 9 "nóng" vì vấn đề thực phẩm bẩn. Tháng 4/2016, Thành uỷ Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương "thành phố 4 an", trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng thời gian qua lực lượng chức năng Đà Nẵng đã phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở sử dụng chất cấm vàng ô để nhuộm măng tươi, dưa cải muối; sử dụng nhựa thông để làm sạch lông gia cầm; cho chất phụ gia không nguồn gốc xuất xứ vào thực phẩm...
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thắng Lợi yêu cầu ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng, cho biết về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm. "Người dân có thể tin tưởng vào thực phẩm ở Đà Nẵng hay không, và nên tin bao nhiêu phần trăm", ông Lợi đặt câu hỏi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng báo cáo, thành phố hiện có khoảng 300 ha rau sạch và chỉ đáp ứng được 1/8 nhu cầu của người dân thành phố, hầu hết thực phẩm phải nhập về dẫn đến không kiểm soát được chất lượng. Ông Ban cũng thừa nhận thời gian qua đã tăng cường kiểm tra thực phẩm ở các chợ và phát hiện nhiều mẫu thực phẩm có chứa chất vàng ô gây ung thư.
Đa số thực phẩm ở Đà Nẵng phải nhập từ các địa phương khác nên khó giám sát về chất lượng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, ngoài việc thực phẩm phải nhập quá nhiều từ các địa phương khác, thì việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Đơn giản như một bó rau cũng có đến 3 đơn vị cùng giám sát. Chất lượng ở vườn thì do Sở Nông nghiệp, nhưng khi vận chuyển trên đường thì của Quản lý thị trường và lên bàn ăn thì trách nhiệm lại thuộc về y tế.
Theo ông Dũng, thành phố đã lập Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp cũng xây dựng đề án giám sát an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn. Sở Công thương chịu trách nhiệm kiểm soát thực phẩm tại cửa hàng. Còn ngành y tế chủ trì kiểm tra bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp.
"Các chương trình về vệ sinh an toàn thực phẩm phải thực hiện lâu dài nên chưa thể nói người dân nên tin bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, đến cuối năm sẽ đảm bảo được nguồn thực phẩm an toàn cung cấp cho người dân", ông Dũng cam kết.
Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho hay, vấn đề an toàn thực phẩm rất nóng, tương đương với ô nhiễm môi trường. "Không chỉ cử tri mà mỗi chúng ta và cá nhân tôi cũng quan tâm đến vấn đề thực phẩm. Tôi mong muốn làm sao mà tự tin mỗi khi mình ăn mình uống", Bí thư Đà Nẵng lo lắng.
Theo ông Xuân Anh, thực phẩm bẩn đáng báo động đến nỗi người dân không dám ăn uống gì cả. Rượu dán tem cũng không dám uống. "Tôi mới đi nước ngoài về, rất thích việc ăn uống của họ vì rất yên tâm. Nước chảy trực tiếp từ vòi vẫn uống được mà không đau bụng. Đói là ăn không phải suy nghĩ gì cả. Họ có niềm tin về thực phẩm. Ở mình không có niềm tin đó. Đưa vô mồm cái chi cũng sợ cả".
Bí thư Đà Nẵng cho biết, nhiều người phải tự trồng rau để ăn, những nhà có điều kiện còn nhập rau, củ, quả, trái cây từ nước ngoài về sử dụng. Do đó, chính quyền phải có trách nhiệm làm sao để tạo niềm tin cho người dân yên tâm ăn, không mong được 100% nhưng cũng phải để cho người dân biết thực phẩm mình ăn đảm bảo.
"Ở Đà Nẵng tôi mong là tất cả chúng ta, kể cả tôi ăn cái gì đó mà không phải e ngại. Ăn uống có tự tin mới ngon. Bỏ vào mồm mà còn lo lắng thì ăn cái gì", ông Xuân Anh nói.
Thách thức với tội phạm
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trong phần tiếp thu và giải trình ý kiến của các đại biểu HĐND đã nêu quan điểm: "Làm sao để chúng ta thách thức tội phạm, chứ không để tội phạm thách thức chúng ta".
Vụ án tài xế taxi bị đâm chết ở Đà Nẵng xảy ra hôm 19/7, đến nay công an vẫn đang truy tìm hung thủ. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Kể ra một số vụ trọng án thời gian gần đây, ông Thơ đánh giá công an đã làm tốt khi sớm tìm ra hung thủ. "Tuy nhiên, công an vẫn còn nợ vụ giết tài xế taxi. Phải tìm cho ra thủ phạm, để cho tội phạm thấy rằng có gan chơi phải có gan chịu. Phải tìm tới cùng", ông Thơ nói.
Theo ông Thơ, về cốt lõi, lực lượng công an và chính quyền phải giữ cho được trong sạch. "Chúng ta không dính dáng gì đến tội phạm. Từ anh công an phường, từ anh tổ dân phố, từ anh chủ tịch xã, bí thư phường… Chúng ta phải đấu tranh chứ không phải ngồi chơi bời với họ. Giữ cho mình sạch rồi, mình chiến đấu, trấn áp", ông chỉ đạo.
Ông Thơ cũng đề nghị Giám đốc Công an thành phố phát động lắp camera phòng chống tội phạm trên toàn thành phố. "Tôi kêu gọi toàn dân, để đảm bảo cuộc sống của mình, từ cá nhân, tổ chức cho đến các doanh nghiệp hãy đóng góp vào chương trình phủ sóng camera giám sát tội phạm", ông Thơ nói trong chương trình đang được tường thuật trực tiếp trên sóng địa phương.
Nguyễn ĐôngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn