Chiều 5/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban dân nguyện, cho hay, đối với 277 kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp trước còn tồn đọng, mặc dù các bộ, ngành đã có văn bản trả lời là đang tiếp thu giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn còn 142 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm.
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH. |
Bên cạnh đó, có những văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh hoặc các thông tư hướng dẫn nghị định không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung mặc dù cử tri liên tục kiến nghị ở nhiều kỳ họp. Tính đến thời điểm này còn 75 văn bản chưa được ban hành liên quan đến Luật Giá; Luật Hợp tác xã năm 2012; Luật Khoáng sản...
Theo bà Hải, việc phân loại kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành chưa thực sự rõ ràng, còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri. Lẽ ra các cơ quan chức năng phải tiếp thu ý kiến cử tri để xử lý hoặc sửa đổi chính sách pháp luật có liên quan, thì lại phân loại giải quyết ở dạng nội dung thông tin giải trình.
Dẫn chứng cho ý kiến trên, người đứng đầu Ban dân nguyện cho hay, cử tri TP HCM hỏi về cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ trí thức nhưng văn bản trả lời Bộ Nội vụ chỉ nêu hiện đang xây dưng chiến lược phát triển thanh niên và luật thanh niên.
Cũng theo bà Hải, việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành. Tuy nhiên, còn hiện tượng một số bộ trưởng, trưởng ngành không trực tiếp trả lời kiến nghị cử tri mà giao cho cấp phó là chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với cử tri và nhân dân cả nước như: Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc...
Kết quả giám sát giải quyết kiến nghị cử tri sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 dự kiến khai mạc ngày 20/10.
Võ Hải
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn