Sáng 18/10, 4 thuyền viên trêu tàu hàng chở clinker bị chìm, trôi dạt trên biển 40 tiếng vẫn không tin vào sự sống sót của mình. Hiện 3 người sức khỏe ổn định đã xuất viện, tạm lưu lại một nhà nghỉ gần khu vực cảng Gianh (Bố Trạch, Quảng Bình), trong khi người còn lại nằm viện điều trị.
Thuyền viên Ngô Văn Duy gọi điện thông báo tình hình sức khỏe cho người thân ở quê. Ảnh: Hoàng Táo |
Thoáng rùng mình khi nhớ lại sự việc, thuyền trưởng Lê Bá Hoạt (35 tuổi) kể, nhận tin cảnh báo lũ, 5 tàu chở clinker vào neo đậu ở cảng Gianh từ ngày 12/10. Khoảng 3h sáng 14/10, nước lũ về nhanh khiến tàu hàng chở 4 thuyền viên đứt neo, trôi nhanh ra cửa biển. Anh Hoạt liên lạc với nhà chức trách ở cảng Gianh cầu cứu, trong khi con tàu chao nghiêng và có nguy cơ chìm.
Mọi người được lệnh về buồng lái, mặc áo phao, thả phao bè, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. “Khi phao bè vừa chạm mặt biển, tàu xoay nghiêng rất mạnh. Tôi chỉ kịp hô to mọi người nhảy xuống biển rồi tàu chìm hẳn”, anh Hoạt kể. Chỉ chậm chân một phút là mọi người chìm theo tàu.
Thuyền trưởng Hoạt, máy trưởng Nguyễn Ngọc Thành (27 tuổi), hai thuyền viên Vũ Như Thắng (52 tuổi) và Ngô Văn Duy (26 tuổi) cùng bám vào phao bè rộng chưa bằng tấm nệm trải giường và bị lũ cuốn phăng ra biển. Đêm tối mịt mùng, mưa to gió lớn, họ không biết bị trôi đi đâu.
Chiếc phao bè mỏng manh, liên tục bị lật khiến cả 4 người chìm nghỉm. Sau đó 2 người ngâm mình dưới nước giữ phao khỏi lật, 2 người ngồi trên cầm sức và cứ thế đổi nhau. Dòng hải lưu cùng gió biển, nước lũ đẩy phao bè ra đến cảng Hòn La (Quảng Trạch) ở phía bắc, rồi trôi dạt trở lại cảng Gianh.
Cả 4 nhớ lại sau một ngày lênh đênh trên biển, chiếc phao đưa họ vào đến gần bờ biển TP Đồng Hới, gần đến mức thấy rõ từng ánh đèn đường và khách sạn, nhưng dòng lũ khiến họ không cách nào đưa bè vào bờ. Không thức ăn, không nước uống, cả 4 ngửa mặt uống nước mưa cầm cự. “Đói, mệt, lạnh, chúng tôi ứa nước mắt nghĩ đến cái kết xấu nhất, nhưng bác Thắng động viên, trấn an cả nhóm giữ tinh thần”, anh Duy nhớ lại.
Anh Hoạt cho hay việc thoát chết trở về đúng là một sự "thần kỳ". Ảnh: Hoàng Táo |
Sang ngày 16/10, nhóm thuyền viên vớt được 2 thanh sào dài trôi trên biển. “Bác Thắng hô lớn sống rồi mà cả nhóm ngỡ ngàng”, thuyền trưởng Hoạt nói.
30 năm kinh nghiệm sóng gió biển cả, từng một lần trôi dạt trên biển, thuyền viên Thắng liền cởi áo phao, dùng dây trên áo phao và phao bè kết vào sào, dựng thành buồm đón gió.
3 người còn lại hiểu ra, cùng cởi áo phao và phụ giúp ông Thắng. Họ lựa sức gió, hướng tấm phao bè trôi dần vào đất liền. Đến chiều tối 16/10, chiếc phao tiến gần bờ nhất, 4 người lấy hết sức nhảy xuống biển, bám phao bơi vào bờ.
“Bước vào bờ mà chân thấp chân cao, không tin mình đang dẫm trên cát. Chúng tôi không biết đang ở đâu, chỉ thấy hồ tôm của người dân rồi đi tiếp cho đến khi được người dân phát hiện”, anh Duy nhớ lại.
Thuyền trưởng Hoạt bảo việc trở về “đúng là một phép màu". Những ngày trôi dạt trên biển, dù anh em vẫn động viên nhau cố gắng bám trụ, nhưng không ai nghĩ mình có thể sống sót giữa mưa giông và nước lũ.
Trong thời gian mất tích, người nhà và chính quyền đều cho rằng 4 thuyền viên không còn sống và lường trước chuyện xấu nhất. Thời gian trôi trên biển là 40 tiếng và quãng đường lên đến 140 km, từ cảng Gianh trôi ra phía bắc đến cảng Hòn La, rồi lại ngược trở vào đến xã Ngư Thủy Bắc.
4 người được đưa vào Bệnh viện Việt Nam Cuba - Đồng Hới để chăm sóc sức khỏe. Sau một đêm, 3 người ổn định nên xin xuất viện, trong khi máy trưởng Nguyễn Ngọc Thành vẫn đang được điều trị do suy kiệt khi ngâm nước biển lâu ngày. Bệnh viện đang nỗ lực chăm sóc thuyền viên này.
Trong thời gian các thuyền viên mất tích, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình đưa tàu đi ứng cứu khẩn cấp. Các lực lượng quần đảo khắp vùng biển cửa Gianh, nhưng sau 2 ngày không tìm thấy.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 13/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tâm mưa là Quảng Bình, trong 24 giờ, tổng lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới lên tới 747 mm - cao nhất trong lịch sử quan trắc ở tỉnh này. Mưa lớn kết hợp với nhiều thủy điện xả lũ khiến mực nước sông suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Từ chiều 15/10, mưa giảm dần, nước lũ bắt đầu rút. Thống kê đến chiều 17/10, có 35 người chết, 4 người mất tích do mưa lũ. |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn