Giá USD đã giảm 0,24% thấp hơn đáng kể so với biên độ biến động 2-3% của những năm trước.
Không sóng gió
Thời điểm này năm ngoái, tỷ giá VND/USD đang “sốc” bị kéo theo đằng sau cú sốc phá giá nhân dân tệ và sau các điều chỉnh chính sách trong nước. Còn từ đầu năm đến nay, giá USD cơ bản bình yên, thị trường không có sóng.
Ngày 20/10, trò chuyện qua điện thoại, chị Ánh Mai, chủ một cửa hàng vàng ở phố Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nói ngán khi mua bán ngoại tệ năm nay. “Vàng chỉ có sóng đợt tháng 7 được hơn tuần lễ khi có sự kiện Brexit đã đành; còn giá USD ngoại trừ cũng đợt đó ăn theo lên dăm chục đồng đạt mức cao nhất 22.380 đồng/USD; còn lại thì gần như đứng yên do đó tình hình mua bán ngày càng èo uột”, chị Ánh Mai nói. Khi khách trò chuyện hỏi có nên giữ USD nữa hay không? Chị Mai lập tức khẳng định: “Bán đi lấy tiền Việt mà gửi tiết kiệm, không nên giữ khi lãi suất USD gửi ngân hàng chỉ còn 0%”.
Trước việc tỷ giá tăng nhẹ trong hai tuần qua so với cuối tháng 9, tỷ giá VND/USD trung tâm đã tăng lên mức 22.011 (tăng 62 đồng). Tỷ giá giao dịch tại các NHTM ở mức 22.340 đồng/USD, tại Bản tin thị trường nợ vừa phát đi, nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán MBS nhấn mạnh: Đây là hiệu ứng của việc FED quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 22/9. Cũng theo nhóm này, với việc lạm phát cơ bản vẫn duy trì dưới 2% trong 9 tháng, sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát cả năm sẽ không lớn. Và điều này sẽ không ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá. Những yếu tố ngắn hạn có thể tác động đến tỷ giá VND/USD là kỳ vọng tăng lãi suất của FED và giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm mạnh.
Tỷ giá ổn định, DN ngoại tin tưởng đầu tư vào VN
Năm 2016 đúng là rất khác biệt khi NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới. Việc công bố tỷ giá trung tâm có lên, có xuống hàng ngày đã giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, chính vì vậy, áp lực tăng tỷ giá khi lãi suất VND ở mức thấp đã giảm đi rất nhiều. Hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN đánh dấu mốc đạt 10,7 tỷ USD, tính từ đầu năm tới hết 30/9. Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia cũng tăng kỷ lục, đạt trên 40 tỷ USD.
Tỷ giá bình yên được lợi gì? Trước hết, liên quan đến chi phí như trên, các khoản vay nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp bằng USD, cho đến thời điểm này, cơ bản đã tạm loại trừ rủi ro đội lên từ biến động tỷ giá lên. Bên cạnh đó, tâm lý đầu cơ ngoại tệ đã giảm hẳn khi tỷ giá không biến động mạnh.
Cũng theo tính toán của NHNN, trong năm nay, tỷ giá mới giảm khoảng 0,24%, thấp hơn đáng kể so với biên độ dao động 2-3% của các năm trước. “Sự ổn định này giúp các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam không phải lo lắng về rủi ro tỷ giá như trước kia. Nhờ vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cũng tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của Việt Nam”, một lãnh đạo NHNH phân tích.
Giám đốc Sở Giao dịch Vietcombank ông Nguyễn Mỹ Hào cho rằng, năm nay, cơ bản tỷ giá VND/USD bình yên. Điều nhìn thấy khi giá VND/USD ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, theo các chuyên gia đó là sẽ giúp cho nền kinh tế có đủ tiềm lực để phát triển. Điều này cũng giống như sức đề kháng tốt sẽ tránh được các cú sốc từ bên ngoài. Đối với một nước đang trong thời kỳ hội nhập sâu, quy mô dự trữ ngoại hối là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng để thực hiện các giao dịch vốn quốc tế.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói: “Cơ chế tỷ giá mới đã thực sự hiệu quả, giảm tâm lý găm giữ của dân và ngân hàng trong khi cung ngoại tệ lại tốt, đi kèm với điều hành lãi suất VND và thanh khoản ngoại tệ tốt. Đặc biệt, tỷ giá không bị ghìm giữ mà được điều hành có sự “thả lỏng” theo thị trường”.
Doanh nghiệp vay ngoại tệ vẫn cần thận trọng Một số DN được NH áp dụng lãi suất vay USD ở mức 3%/năm dự kiến vẫn sẽ vay ngoại tệ để phục vụ sản xuất kinh doanh. “Trong bối cảnh kinh doanh có rủi ro giá cả và rủi ro tỷ giá biến động, các DN phải tự tính toán và cần thận trọng”, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia lưu ý. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn