Theo dự thảo của Bộ GTVT, việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là điều kiện bắt buộc, Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe phải có bản chính Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Thông tư 20 đã hết hiệu lực và gặp sự chỉ trích nặng nề của dư luận nhưng Bộ Công Thương vẫn ra sức bảo vệ.
Cụ thể, tại Điều 5, mục f, Bộ GTVT quy định: Thành phần hồ sơ đăng ký kiểm tra xe cơ giới nhập khẩu trước khi được lưu hành gồm bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
Theo nhiều DN kinh doanh xe thì quy định trên của Bộ GTVT không khác gì quy định có giấy phép ủy quyền của Thông tư 20 tại Bộ Công Thương, bởi thực tế các xe nhập khẩu thông thường của các đại lý chính hãng hiện nay vẫn làm thao tác này bởi họ được làm việc trực tiếp với các hãng, nhà phân phối chính thức. Còn các DN nhập khẩu nhỏ, không qua chính hãng thì không thể lấy được bản chính Giấy chứng nhận chất lượng.
Về cơ chế nhập khẩu trước đến nay, nhiều DN làm kinh doanh, nhập khẩu xe cho hay, khi nhập xe ô tô nguyên chiếc về nước, các cơ sở nhập khẩu chỉ cần kê khai mẫu của cơ quan đăng kiểm (Bộ GTVT) và cung cấp bản sao thông số kỹ thuật của xe là các thủ tục đã hoàn thành. Tuy nhiên, dự thảo thông tư mới của Bộ GTVT yêu cầu bản chính Giấy chứng nhận mới được nhập khẩu điều này khiến các DN nhập xe không phải từ nhà phân phối của hãng gặp khó.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc, đại diện cho nhiều DN nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ: "Phải chăng thông tư của Bộ GTVT chịu áp lực từ bên nào không? Khi mà trong quy định cũ, các DN nhập khẩu xe theo hai phương thức, trong đó không có quy định Giấy xuất xưởng chính hãng. Yêu cầu các cơ sở này cung cấp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp là điều rất khó khăn đối với các cơ sở nhập khẩu không có giấy ủy quyền chính hãng bởi đa số các doanh nghiệp thường đặt xe qua các đại lý chứ không làm việc với hãng".
"Nếu yêu cầu các xe phải có bản chính Giấy chứng nhận xuất xưởng từ nhà sản xuất, thì đa số DN nhỏ và vừa kinh doanh và nhập khẩu xe không DN nào có được. Chỉ các DN lớn là có được", ông Tuấn cho hay.
Cũng theo lãnh đạo một DN nhập khẩu lượng lớn xe "không chính hãng" trên thị trường (đề nghị dấu tên): "Thực tế việc có bản chính Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (như dự thảo Thông tư của Bộ GTVT) và việc vẫn sử dụng bản sao giấy tờ trên như đang làm không ảnh hưởng đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành cũng như chất lượng các loại xe ô tô nhập về tại Việt Nam thời gian qua".
Vị này cho rằng, việc bắt các DN cung cấp hai loại giấy tờ trên "khó" không khác gì so với quy định bắt buộc DN phải có giấy ủy quyền DN nhập khẩu, đại lý phân phối chính hãng và Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn, được chứng nhận của Cục Đăng kiểm và được chấp thuận của hãng trong Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương.
Theo đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc yêu cầu DN nhập khẩu, kinh doanh xe ô tô phải trình bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như trong dự thảo thông tư của Bộ GTVT là hình thức cản trở thương mại trá hình, bởi "trước kia không áp dụng, không có thì không sao nay lại bắt các DN phải có bản chính", vị đại diện Vụ Pháp chế cho hay.
Hiện, Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho dự thảo trên, quá trình tiếp thu hoàn thành, dự kiến Thông tư mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017, thay thế cho các quy định hiện hành tại Thông tư số 55/2014 và Thông tư 31/2011.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn