Hàng chục tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt hành chính vì vi phạm Luật Thống kê
Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2015 và quý I năm 2016, ngành Thống kê đã thực hiện 1.103 cuộc thanh tra, kiểm tra chấp hành Luật Thống kê 2003; xử phạt vi phạm hành chính 42 đơn vị, cá nhân vi phạm; trong đó phạt cảnh cáo 23 đơn vị, cá nhân và phạt tiền 19 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền là 183 triệu đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, các hành vi vi phạm bị xử phạt phổ biến là: Nộp chậm và không nộp báo cáo thống kê (chiếm 80% số đơn vị bị xử phạt); tính và áp dụng sai phương pháp thống kê (chiếm 15% số đơn vị bị xử phạt), số còn lại là vi phạm về việc sử dụng biểu mẫu thống kê, cung cấp không kịp thời thông tin thống kê, báo cáo sai sự thật...
"Kết quả từ công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành Luật thống kê cho thấy, việc chấp hành pháp luật về thống kê của các đối tượng chưa nghiêm, ngay cả khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê", nguồn tin từ Tổng cục Thống kê cho biết.
Mặc dù mức độ xử phạt chưa lớn, nhưng theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc tăng cường thanh tra, xử phạt này cũng đã khiến cho việc điều tra, công bố thông tin thống kê hiện nay đang dần đi vào nề nếp.
"Ngành thống kê sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, phạt các hành vi sai phạm trong công tác thống kê trong thời gian tới", ông Lâm nói.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về thống kê, bảo đảm thu thập, tổng hợp được những thông tin thống kê phản ánh sát thực, kịp thời phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác thì công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về thống kê cần tiếp tục được tăng cường.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, theo Luật Thống kê năm 2015, các tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê phải thực hiện nghĩa vụ: cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng hạn theo yêu cầu của người thực hiện điều tra thống kê; không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê.
"Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thống kê đang được Tổng cục Thống kê tập trung thực hiện. Tuy nhiên, để có được thông tin thống kê khách quan, đầy đủ thì ý thức cộng tác nhiệt tình, đầy đủ cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân phải được đặt lên hàng đầu.
Được biết, ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê (thay thế Nghị định số 79/2013/NĐ-CP). Theo đó, Nghị định 95 quy định các hành vi vi phạm gồm: Vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê, sử dụng mẫu biểu báo cáo thống kê, quy định về thời hạn báo cáo thống kê, báo cáo tài chính, vi phạm quy định về yêu cầu đầy đủ của báo cáo thống kê, về phương pháp thống kê, về yêu cầu chính xác của báo cáo thống kê hay vi phạm các quy định về sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính, cơ sở dữ liệu thống kê, về phổ biến thông tin thống kê, sử dụng thông tin thống kê, về bảo quản, lưu trữ tài liệu thống kê, về bảo mật thông tin thống kê.
Đã có không ít tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thống kê và tình trạng này đang dần được chấn chỉnh
Mức phạt tiền áp dụng cho các hành vi vi phạm từ 300 nghìn đến 30 triệu đồng. Đối với các hành vi vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê, mức phạt tiền áp dụng từ 300 nghìn đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đồng đối với các hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê, khai man hoặc ép buộc người khác khai man thông tin trong điều tra thống kê…
Các hành vi vi phạm quy định về thời hạn báo cáo thống kê, báo cáo tài chính gửi cơ quan thống kê nhà nước theo quy định của pháp luật sẽ áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo thống kê, báo cáo tài chính. Đối với hành vi lập báo cáo thống kê không đầy đủ nguồn số liệu trong chế độ báo cáo do cơ quan có thẩm quyền ban hành bị phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng. Khai man số liệu, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác khai man số liệu trong báo cáo thống kê bị phạt từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định phạt từ 7 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê của các chỉ tiêu thống kê, thông tin thống kê chưa được công bố. Việc trích dẫn không ghi rõ, không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiên thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm cũng bị xử phạt ở mức từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính không vì mục đích thống kê, cung cấp dữ liệu cho bên thứ ba khi không được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Đặc biệt, phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật; tiết lộ thông tin thống kê trong phiếu, biểu điều tra thống kê, báo cáo thống kê và dữ liệu hành chính, dữ liệu thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng cá nhân, tổ chức khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó.
Điều 11, Luật thống kê 2015 đã quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thống kê thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Anh Thư
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn