Tại cuộc họp về hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại TPHCM diễn ra chiều nay 24/10, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, TPHCM cố gắng đến năm 2020 thành lập 100 đơn vị trung gian (theo Thông tư 16 của Bộ Khoa học và Công nghệ) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thành hồ sơ.
Thành phố (TP) đặt mục tiêu đến năm 2020 TPHCM sẽ hỗ trợ cho 2.000 dự án khởi nghiệp. Tính đến nay, TPHCM đã nhận được 200 dự án khởi nghiệp đăng ký hồ sơ xin hỗ trợ. Theo đó, TP sẽ tập trung hỗ trợ cho việc hoàn thiện các ý tưởng, mô hình kinh doanh, dịch vụ, sản xuất sản phẩm thử nghiệm…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, khởi nghiệp là phải gắn liền với đổi mới sáng tạo, không nên lẫn lộn giữa lập nghiệp và khởi nghiệp. Vấn đề hiện nay là xét chọn dự án và mức hỗ trợ phù hợp, đồng thời phải tạo ra khung pháp lý để hoạt động khởi nghiệp được suôn sẻ.
“Dự kiến cuối tháng 11 này sẽ công bố quy trình hỗ trợ các dự án khởi nghiệp để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp 1.000 tỉ đồng”, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết.
Theo Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM Lê Hải Trà, khởi nghiệp sáng tạo (start-up) là tập hợp các nguồn lực để tìm kiếm mô hình kinh doanh độc đáo, sáng tạo, có khả năng mở rộng, đột phá về khách hàng để đạt mức tăng trưởng thần tốc. Tuy ý tưởng có nhiều tính đột phá nhưng cũng chứa đầy rủi ro. Theo kết quả thống kê, có đến 90% dự án khởi nghiệp bị thất bại, trong đó nguyên nhân thất bại lớn nhất vẫn là do không tạo được sản phẩm thị trường cần.
Thừa nhận sự rủi ro đối với các dự án khởi nghiệp, ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, trong 10 năm qua, “vườn ươm” của đơn vị có đến 30 công ty nhưng thành công thì chỉ có 1,2 dự án khởi nghiệp thành công.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay TP có rất nhiều “vườn ươm” hệ sinh thái khởi nghiệp theo kiểu “trăm hoa đua nở” nên rất khó triển khai. Do vậy, sắp tới TP sẽ hình thành một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm đầu mối kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các quỹ đầu tư, tham mưu cho UBND thành phố ban hành các chính sách, khung pháp lý thúc đẩy khởi nghiệp.
“Phải có chỉ đạo thống nhất đầu mối chứ tản mạn như hiện nay thì rất khó. Mình phải kết nối hệ sinh thái, vườn ươm khởi nghiệp. TP phải có cơ chế, khung pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhà nước không thể bỏ tiền ra làm quỹ mà Nhà nước chỉ hỗ trợ khung pháp lý”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho biết, TP và các đơn vị liên quan cũng sẽ lắng nghe các doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ cần được hỗ trợ gì cho khởi nghiệp để nắm bắt và có hướng hỗ trợ phù hợp. “Thành phố nói khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp thì phải có tư duy đổi mới sáng tạo. Cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi cho dự án khởi nghiệp”, ông Phong nói.
Vào ngày 11/10, UBND TP đã ban hành quy chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, kinh phí hỗ trợ tối đa cho 1 dự án khởi nghiệp là 2 tỷ đồng với điều kiện là dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất – nhựa – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm), công nghiệp hỗ trợ và các nhóm ngành dịch vụ (tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, thương mại, du lịch, vận tải, cảng và kho bãi, bưu chính - viễn thông - truyền thông, kinh doanh tài sản bất động sản, tư vấn, khoa học công nghệ, y tế - giáo dục - đào tạo).
Quốc Anh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn