Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội chiều nay, 20-10.
Bộ trưởng Dũng cho hay: Các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công sẽ được tái cơ cấu theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Phải buộc các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công hoạt động theo cơ chế thị trường", ảnh: CHÂN LUẬN
“Trao quyền tự chủ đẩy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công và buộc họ hoạt động theo cơ chế thị trường, đồng thời tự do hóa, thị trường hóa dịch vụ công, mở cửa cho tư nhân tham gia ngày càng nhiều hơn”, Bộ trưởng Dũng trình bày.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng được đề án coi là nòng cốt trong tái cơ cấu, phát triển các ngành ưu tiên, giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu. Chi tiêu ngân sách cũng được đề nghị thực hiện nghiêm đối với từng đơn vị, địa phương, bộ, ngành và Chính phủ. Đề án cũng đặt mục tiêu giảm “xin-cho” trong đầu tư công.
Đặc biệt, Bộ trưởng Dũng cho hay, sẽ kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính , đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.
Các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một các cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt.
“Tái cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn đầu tư thu được đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước”, Bộ trưởng Dũng trình bày.
Theo Bộ trưởng Dũng, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tốn khoảng hơn 10 triệu tỉ đồng theo giá thực tế.
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để, làm giảm hiệu quả cung cấp vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế; thị trường tài chính chưa được cơ cấu hợp lý để nâng cao vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.
Ông Thanh trình bày trước Quốc hội: khâu thực hiện thường là yếu nhất, vì vậy, Quốc hội cần ra nghị quyết về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao tính pháp lý cho đề án. Quốc hội cần lập nhóm giám sát, theo dõi việc thực hiện, UB Thường vụ Quốc hội tăng cường chất vấn và Chính phủ cần báo cáo hàng năm.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn