Bài toán cảm giác thi đấu và nỗi ám ảnh vắng mặt ở Grand Slam
Như đã biết, vừa qua, Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) ở Lausanne (Thụy Sĩ) đã ra phán quyết giảm án cấm thi đấu cho Maria Sharapova từ 2 năm xuống còn 15 tháng do trường hợp của “Búp bê Nga” không phải cố ý lạm dụng chất cấm Meldonium vào mục đích tăng khả năng thi đấu trái phép.
Sharapova: "Tôi sinh ra đã là một chiến binh"
Điều đó có nghĩa là tay vợt xứ sở bạch dương từng 5 lần vô địch Grand Slam sẽ có thể quay trở lại thi đấu từ ngày 26/4/2017. Sharapova đã rất vui sướng khi nhận tin này và chia sẻ đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất đời cô. “Búp bê Nga” trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất cũng khẳng định đầy mạnh mẽ: “Tôi sinh ra đã là một chiến binh”.
Nhưng dù được giảm án treo vợt, Masha vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn ngày cô tái xuất làng banh nỉ thế giới. Richard Gasquet – đồng nghiệp nam của Sharapova chắc hẳn hiểu hơn ai hết cảm giác mà cô đã, đang và có lẽ sẽ gặp phải.
Tay vợt nam người Pháp đang xếp hạng 17 thế giới cũng đã từng bị cấm thi đấu 12 tháng do dương tính với chất cấm cocaine tại giải Miami Open 2009. Nhưng sau đó, Gasquet đã gửi đơn khiếu nại lên CAS và đã thành công khi chứng minh được rằng mình chỉ vô tình để loại chất cấm đó lọt vào cơ thể sau khi... hôn một cô gái ở quán bar và chỉ bị treo vợt 2 tháng rưỡi.
Chia sẻ về trường hợp của Sharapova, Gasquet nói: “Tất nhiên, sẽ không bao giờ là dễ dàng khi trở lại. Tôi nghĩ rằng với cô ấy, nghỉ thi đấu 15 tháng vẫn là khá dài. Cô ấy sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn cả về mặt tinh thần và thể chất khi trở lại. Sharapova cần thi đấu đầy đủ và chứng tỏ mình nhiều trong tương lai. Chúng ta sẽ cùng chờ xem… Mỗi trường hợp đều có sự khác nhau.”
Gasquet chính là một tấm gương mà Sharapova cần học tập. Sau khi trở lại thi đấu từ án phạt, tay vợt người Pháp này đã chơi ổn định và đều lọt vào top 10 thế giới 3 lần trong 4 năm qua và năm nay anh từng lọt vào đến tứ kết Roland Garros.
Dĩ nhiên, điều mà Gasquet cảnh báo Sharapova sẽ không thừa. 15 tháng nghỉ thi đấu, cơ thể “Búp bê Nga” sẽ nảy sinh sức ì lớn và cảm giác thi đấu chuyên nghiệp thường xuyên cũng mất đi.
Đặc biệt, khi mãn hạn treo vợt vào cuối tháng 4 năm 2017, Sharapova có nguy cơ vắng mặt ở 3 Grand Slam còn lại trong năm, bắt đầu từ Roland Garros. Nguyên nhân là bởi, để được góp mặt ở vòng đấu chính thức của các giải đấu tầm cỡ này, các tay vợt phải nằm trong top 104 thế giới trong ít nhất 6 tuần trước khi giải khởi tranh.
Sẽ không dễ dàng để Sharapova tìm lại vinh quang xưa ngày cô trở lại
Việc xếp hạng các tay vợt sẽ thông qua điểm số mà họ tích lũy được trong 12 tháng trước đó. Sharapova bị cấm thi đấu 15 tháng sẽ ảnh hưởng lớn đến thứ hạng của cô (hiện tại đang xếp thứ 95 thế giới và có thể còn tụt sâu trong thời gian tới). Khi trở lại, cô cũng đã hơn 30 tuổi và việc có được phong độ cao ngay lập tức để tích lũy nhiều điểm số nhằm cải thiện thứ hạng sẽ là chuyện không hề đơn giản.
Thậm chí, Sharapova có thể sẽ chỉ được dự 3 giải Grand Slam Roland Garros, Wimbledon và US Open theo suất đặc cách – một sự "thương hại" nhưng cũng là một nỗi đau lớn với một người giàu lòng tự trọng như cô.
Sự ghẻ lạnh của không ít đồng nghiệp
Trước đây, khi biết tin Sharapova dương tính với chất cấm meldonium và có nguy cơ bị cấm thi đấu 2 năm, không ít đồng nghiệp đã rất dửng dưng, thậm chí cho rằng tay vợt người Nga xứng đáng với kết cục đó và phải tự chịu trách nhiệm với hành vi sai trái của mình.
Vào cuối tháng 4 năm tới, gần như chắc chắn, không phải tất cả các tay vợt đều vui mừng khi Sharapova trở lại.
Không chỉ vì họ lo sợ sẽ phải đối mặt với một trong những tay vợt xuất sắc của làng banh nỉ nữ thế giới mà còn vì “gai mắt” với án phạt có phần nương nhẹ của cô từ CAS khi nó có thể trở thành tiền lệ xấu với không ít trường hợp dương tính với doping khác trong tương lai.
Luật sư của Sharapova vẫn muốn khởi kiện ITF Mặc dù thân chủ của mình rất vui vì phán quyết cuối cùng của CAS, nhưng đối với ông John Haggerty, luật sư của Masha, ông rất không hài lòng với quyết định đó. Theo ông, quyết định của CAS là một sự “thoái thác” của ITF. Trong khi chưa có kết luận chính thức về vụ việc của Masha, nhưng ITF gây ra một phán đoán gây ảnh hưởng lớn tới danh tiếng và tên tuổi của tay vợt người Nga. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng, tại Nga, chất Meldonium (chất cấm mà Masha sử dụng) được sử dụng rộng rãi giống như Aspirin tại Mỹ. Ông John Haggerty - Luật sư của Sharapova ITF cảnh báo: Sẽ không có sự nương tay nào khác sau vụ Sharapova Theo phán quyết của CAS, Sharapova được giảm án vì cô không được thông báo về sự thay đổi danh mục chất cấm. Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) không hài lòng với lập luận đó của CAS. ITF không muốn có thêm bất kỳ trường hợp nào viện cớ không được thông báo về chất cấm tương tự trường hợp Sharapova trong tương lai. "Những bước thông báo thích hợp sẽ được thực hiện để công bố rộng rãi về mọi thay đổi trong tương lai", người phát ngôn của ITF nói. Trong một thông báo chính thức, tổ chức này viết: "ITF đã xem lại và sẽ tiếp tục rà soát những quy trình của chúng tôi để thông báo về mọi thay đổi trong danh sách cấm với các tay vợt. Mục tiêu là để đảm bảo rằng trong tương lai, sẽ không có tay vợt nào khăng khăng rằng họ không được thông báo đầy đủ". |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn