Việc ông Lê Thụy Hải rút lui đến nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn ở hậu trường. Nó giống hồi ông Hải rút lui khỏi B. Bình Dương với bề ngoài êm ấm, nhưng thực chất bên trọng là một cuộc thương lượng để đôi bên cùng có lợi và không ảnh hưởng đến “thương hiệu” của cả hai.
HLV Lê Thụy Hải
Đằng sau việc ông Lê Thụy Hải ra đi
Lãnh đạo đội B. Bình Dương hồi đấy đã chia sẻ: “Chúng tôi ngồi lại với ông Hải và đề nghị ông làm đơn từ chức. Nếu không chúng tôi sẽ sa thải, do đã có đủ điều kiện để sa thải ông ấy mà không phải đền bù, đồng thời cái duyên giữa hai bên đến đó là hết. Và ông Hải đã chấp nhận phương án ôn hòa mà B. Bình Dương đưa ra”.
Với Thanh Hóa cũng thế. Lãnh đạo đội bóng này không ngần ngại trả lương cho ông Hải cao hơn rất nhiều lương của cả ban huấn luyện cộng lại chỉ vì muốn ông Hải đưa Thanh Hóa lên ngôi quán quân, như cái cách ông đã mang về cho B. Bình Dương 3 chức vô địch.
Tất nhiên Thanh Hóa với B. Bình Dương có cùng “chiến lược” đổ tiền để chiêu mộ cầu thủ giỏi, nhưng khác xa nhau cách làm, cách xây dựng lộ trình. Thậm chí, ba lần vô địch của B. Bình Dương thời ông Hải lèo lái, đằng sau ông Hải là những Giám đốc điều hành giỏi cả về quản lý lẫn kiếm tiền và tiêu tiền như Trần Văn Đường, như Cao Văn Chóng… Trong khi với Thanh Hóa lại vận dụng kiểu doanh nghiệp thuê một Tổng giám đốc giỏi là sẽ có đầu ra như ý.
Ở Thanh Hóa nói ông Hải có toàn quyền về chuyên môn thì không hẳn, bởi là Giám đốc kỹ thuật nhưng ông Hải gần như chỉ tập trung vào đội hình một của xứ Thanh, chứ không phải người nắm xuyên suốt tất cả. Thanh Hóa mạnh hơn mùa trước, nhưng để đi đến ngôi vô địch họ còn nhiều điều phải bổ sung. Cứ xem những trận họ mất điểm lãng xẹt trước các đối thủ đầu tư thấp hơn mình rất nhiều và thái độ ông Hải bực bội ngồi ở khu kỹ thuật thì sẽ hiểu họ còn nhiều việc phải làm.
Và việc ông Hải ra đi không hẳn vì hết duyên mà còn vì ĐƯỢC và KHÔNG trong mục tiêu rất rõ ràng của Thanh Hóa khi đưa ông Hải về.
Chỉ còn là cuộc đua Hải Phòng và “anh em” nhà bầu Hiển
Hà Nội T&T đang xếp thứ tư (38 điểm), còn cơ hội nhưng thực chất giới chuyên môn chỉ nhìn vào ba đội dẫn đầu là Hải Phòng (41 điểm), SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh (cùng 40 điểm).
Nếu ở cực dưới coi như đã ngã ngũ thì cực trên sẽ hấp dẫn đến phút cuối bởi sự so kè của các đội có khi phải tính bằng chỉ số phụ. Hải Phòng sau trận hòa kịch tính trên sân Lạch Tray đã bị SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh phả hơi nóng ngay sau gáy.
Bốn vòng đấu cuối sẽ là những cuộc so kè thú vị. Hải Phòng nếu muốn hiện thực hóa giấc mơ vô địch thì không được phép sẩy chân nữa. Họ không còn gặp những đối thủ trực tiếp đua vô địch, nhưng sẽ còn gặp một trong những đội bóng đá vì ngôi vô địch cho “đại gia đình” bầu Hiển là QNK Quảng Nam ở lượt 24 tại Lạch Tray. Còn lại Long An, Cần Thơ, SL Nghệ An ít động lực, nhưng có thể sẽ làm khó theo kiểu phá bĩnh.
SHB Đà Nẵng chỉ chờ Hải Phòng sẩy chân. Họ đang có lợi thế hơn Hải Phòng lẫn Than Quảng Ninh về chỉ số phụ, nhưng sẽ có trận làm khách ở vòng 23 trên sân Nha Trang. Sanna Khánh Hòa nổi tiếng là đội đàn em có lối chơi khó chịu và sẵn sàng ăn thua đủ với những đội bóng lớn nên đây sẽ là cửa ải khó nhất của SHB Đà Nẵng trong 4 vòng cuối. Còn lại những đội bóng khác như “đàn em” Sài Gòn, hay HAGL, Đồng Tháp đều không phải là đối thủ khó của SHB Đà Nẵng.
Than Quảng Ninh đang vào phom dưới thời HLV Phan Thanh Hùng. Họ là một đội bóng ít có biến động và là một tập thể gắn kết, dù 4 vòng cuối lần lượt gặp HAGL, Thanh Hóa, Hà Nội T&T và Sanna Khánh Hòa.
So với hai đối thủ trên đường đến đích của Than Quảng Ninh gian nan nhất bởi hai trận làm khách ở Thanh Hóa và tiếp Hà Nội T&T đều là những trận rất xương. Vừa phải vượt qua những nút chặn khó khăn, lại vừa chờ các đối thủ sẩy chân, Than Quảng Ninh sẽ rất khó để chen chân cùng Hải Phòng và SHB Đà Nẵng.
Một V-League ồn ào nhiều biến cố, nhưng chặng cuối với nước rút của ba đội bóng được dự báo sẽ rất “nóng bỏng”.
Video phóng sự về HLV Lê Thụy Hải (Bản quyền thuộc VTV):
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn