Champions League quy tụ những CLB hàng đầu thế giới, những đội bóng có cả trăm triệu fan nhưng giá trị thương mại mà nó tạo ra lại chưa tương xứng. Dưới cái nhìn của các ông lớn như Bayern Munich hay Barcelona, điều đó là không thể chấp nhận được.
Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước, Champions League đang đối mặt với hai vấn đề lớn khiến nó trở nên thiếu sức hút. Thứ nhất, có quá nhiều đội bóng trình độ yếu kém, được cho là không xứng đáng “chung mâm” với các ông lớn, chẳng hạn mùa này có Club Brugge (Bỉ), Legia Warszawa (Ba Lan), Ludogorets Razgrad (Bulgaria), Copenhaghen (Đan Mạch) và Rostov (Nga)...
Ngay lượt mở màn vòng bảng mùa này chứng kiến những trận đấu tẻ nhạt mà rất ít người thực sự muốn xem, điển hình là trận Basel - Ludogorets, trận Benfica - Besiktas hay Lyon - Dinamo Zagreb...
UEFA Champions League có nhiều trận đấu nhàm chán. |
Vấn đề thứ hai là có quá ít trận đấu giữa các đội bóng lớn và nó còn hệ trọng hơn cả vấn đề thứ nhất. Người hâm mộ luôn chờ đợi những cuộc đọ sức kinh thiên động địa kiểu Real Madrid - Bayern Munich hay Barcelona - Man United... nhưng lại có quá ít cơ hội để thưởng lãm. UEFA đang chịu nhiều sức ép phải thay đổi.
Sự thay đổi ấy sẽ diễn ra như thế nào? Hoặc là các CLB mạnh cùng tẩy chay Champions League để thành lập một giải đấu riêng (gọi là Super League). Hoặc là thay đổi format của Champions League.
Các chuyên gia chỉ ra rằng mô hình Super League tuy hấp dẫn nhưng không bền vững. Bởi thế, lựa chọn hợp lý nhất là cải tổ format của Champions League.
Một công ty tư vấn về thể thao có tên gọi Oliver & Ohlbaum (gọi tắt là O&O) đã tiến hành khảo sát tỉ mỉ để phân tích và đề xuất một thể thức mới cho Champions League. Format mới này sẽ phải gia tăng sức mạnh cho các đại diện của 5 giải đấu hàng đầu châu lục (Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga, Ligue 1) - những giải không chỉ đóng góp một nửa số cầu thủ tham dự World Cup 2014 mà còn chiếm tới 86% thương quyền truyền hình của bóng đá châu Âu.
O&O đã tiến hành khảo sát trực tuyến trên 7 thị trường lớn là Anh, Đức, TBN, Ý, Hà Lan, Mỹ và Singapore. Kết quả cho thấy có tới 50% khán giả muốn được xem nhiều trận đấu hơn ở Champions League, 36% khán giả TBN cho rằng vòng bảng có quá nhiều đội tạp nham, 70% khán giả Đức muốn giảm số đội tham dự…
Champions League được phủ sóng toàn cầu nhưng giải đấu này không thể cạnh tranh nổi với các môn thể thao Mỹ về thương mại. Theo dự báo của O&O, bản quyền truyền hình mùa giải 2016-17 của giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (NFL) sẽ lên đến 5,5 tỷ euro, giải bóng chày (MLB) có giá trị 2,3 tỷ euro, trong khi bóng rổ (NBA) là 2,2 tỷ.
UEFA Champions League chỉ dừng ở mức 1,4 tỷ euro, ngang bằng La Liga và thua xa Premier League (3 tỷ).
UEFA chưa tìm ra hướng đi mới cho Champions League. |
Kể từ khi ra đời, Champions League đã vài lần thay đổi thể thức nhằm gia tăng sức hút nhưng giá trị thương mại của nó mới chỉ bằng 26% tổng giá trị thương mại của 5 giải VĐQG lớn nhất. Nghiên cứu chỉ ra rằng Champions League chỉ mang lại bình quân 5-20% thu nhập cho mỗi CLB tham dự. Tỷ lệ này ở các CLB Anh chỉ là 7% và nó giải thích tại sao Manchester United không tham gia vẫn sống khỏe.
Kết quả nghiên cứu của O&O chỉ ra rằng trong giai đoạn 2000 đến 2015, bản quyền Champions League mỗi năm chỉ tăng khoảng 5,4%, trong khi Premier League tăng… 16%!
Các chuyên gia của UEFA đã thường xuyên đến Mỹ để học kinh nghiệm nhưng vẫn bế tắc. Vấn đề mấu chốt nằm ở tư duy “bóng đá thuộc về tất cả mọi người” của họ. Mùa giải 2015-16 có tới 18 quốc gia có đại diện góp mặt ở Champions League và họ cho rằng đó là thành công.
Trên thực tế, các đại diện từ những nền bóng đá kém phát triển chỉ thu hút được khán giả ở nước mình. Đó là lý do chỉ có 30% lợi nhuận truyền hình của Champions League đến từ bên ngoài châu Âu, so với tỷ lệ 37% của Premier League.
O&O đã phân tích và đề ra một giải pháp giúp Champions League đạt mức tăng trưởng 15-20% mỗi năm giống như Premier League.
Vấn đề mấu chốt là phải có thật nhiều những trận đấu giữa các ông lớn. Nghiên cứu chỉ ra rằng trận đấu giữa hai CLB lớn thu hút khán giả nhiều hơn 20-30% trận đấu giữa một đội lớn và một đội nhỏ. Một vấn đề quan trọng không kém là lịch thi đấu phải tạo ra nhiều suất chiếu hơn nữa.
O&O đã đề xuất phương án thu hẹp Champions League xuống còn 24 đội, trong đó 20 thuộc Top 5 giải VĐQG. Tiêu chí lựa chọn sẽ không phải là vị trí của CLB tại giải VĐQG nữa mà phụ thuộc vào 6 yếu tố, gồm:
1. Phong độ (thành tích ở Champions League 6 mùa gần nhất)
2. Bề dày lịch sử (đã tham gia bao nhiêu mùa Cúp C1/Champions League)
3. Giá trị thương mại (khả năng giúp giải đấu kiếm tiền)
4. Mức độ hâm mộ (lượng fan)
5. Hệ số UEFA (UEFA coefficient)
6. Mức độ giàu có
24 đội sẽ chia thành 3 bảng, mỗi bảng 8 đội, đá vòng tròn 2 lượt chọn ra 8 đội vào tứ kết. Như vậy, vòng bảng sẽ có 168 trận đấu, thay vì 96 trận như hiện nay, và do có 14 lượt đấu nên tạo ra nhiều suất chiếu hơn. Đặc biệt sẽ có 36% số trận vòng bảng diễn ra giữa 2 CLB lớn, so với chỉ 8% như hiện nay; số trận đấu giữa 2 CLB nhỏ sẽ giảm từ 42% hiện nay xuống chỉ còn 10%.
Tính chất cạnh tranh của vòng bảng cũng cải thiện rõ rệt do mỗi bảng chỉ có 2-3 trong 8 đại diện giành được vé đi tiếp.
Theo tính toán của O&O, với format mới này thì giá trị thương mại của Champions League sẽ đạt 3,2 tỷ euro/năm vào năm 2021.
Có 2 vấn đề nảy sinh từ format mới này. Thứ nhất, các CLB sẽ phải đá nhiều trận hơn. Tuy nhiên do không có vòng 1/8 nên thực tế mỗi đội vào sâu chỉ đá nhiều hơn 6 trận so với phiên bản cũ. Champions League phiên bản mới sẽ diễn ra suốt 9 tháng mà không có quãng nghỉ như hiện nay.
Vấn đề thứ hai là sự phản kháng từ các nền bóng đá yếu. Để giải quyết, UEFA có thể chia sẻ một phần lợi nhuận cho các LĐBĐ không có đại diện tham dự.
Champions League đang ở mùa thứ hai của gói bản quyền truyền hình (2015-2018). Chiến dịch bán bản quyền truyền hình mới (2018-2021) đang khởi động và sẽ hoàn tất vào cuối năm 2017. UEFA chỉ còn khoảng 16 tháng nữa, họ phải nhanh tay hơn và quyết đoán hơn để khai thác hết giá trị của giải đấu đầy tiềm năng này.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn