Trước Rio 2016, Đông Nam Á chỉ có 6 quốc gia giành được huy chương Olympic, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam. Các VĐV của khu vực đoạt tổng cộng 72 huy chương (13 HCV, 25 HCB và 34 HCĐ). Nhưng trong số đó, không có tấm huy chương nào của môn bắn súng.
Hoàng Xuân Vinh đã tạo nên một cột mốc đáng nhớ, không chỉ giành một mà đến hai huy chương (1 HCV, 1 HCB). Bắn súng là một trong những môn lâu đời nhất của Olympic, được đưa vào chương trình thi đấu ở kỳ đầu tiên năm 1896 cho đến nay (chỉ trừ năm 1904 và 1928).
Tính đến hết ngày 10/8, cả thế giới chỉ có 63 quốc gia vinh dự đứng trên bục nhận huy chương của môn này. Hoàng Xuân Vinh giúp Việt Nam trở thành một trong 44 nước chinh phục được tấm HCV. Những hãng tin lớn như AFP, Reuters, Xinhua cho rằngxạ thủ sinh năm 1974 đã mở ra một chương mới cho Thể thao Việt Nam. Còn BBC nhấn mạnh Hoàng Xuân Vinh xứng đáng là huyền thoại, giúp Việt Nam có tên trên bảng vàng Olympic.
Trước đó, thành tích cao nhất của các VĐV Việt Nam ở sân chơi này là 2 tấm HCB của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân (năm 2000) và đô cử Hoàng Anh Tuấn (2008).
Thống kê về thành tích của các quốc gia Đông Nam Á tại Olympic trước khi sự kiện diễn ra ở Brazil. Với 2 tấm huy chương của Xuân Vinh, thể thao Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 3 ở khu vực đoạt HCV bên cạnh Thái Lan và Indonesia. Ảnh: Straistimes |
Chiến tích tại Rio của Xuân Vinh giúp Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia ở khu vực (tính đến hết ngày 10/8) giành HCV Olympic, bên cạnh Thái Lan và Indonesia. Nếu biết rằng Malaysia treo thưởng cho tấm HCV số tiền hơn 330.000 USD (gần 7 tỷ đồng) cùng khoản trợ cấp suốt đời lên đến 5.000 ringgit/tháng (hơn 25 triệu đồng) mới thấy 2 tấm huy chương của anh lớn đến nhường nào.
Hay như Singapore, họ đoạt huy chương Olympic đầu tiên từ năm 1960 nhưng đến nay vẫn mòn mỏi chờ 1 VĐV đứng trên bục cao nhất. Sự hỗ trợ quốc gia này dành cho VĐV ở mức rất cao. Theo Straistimes, nước này đã chi 40 triệu đô la Singapore (hơn 640 tỷ đồng) từ năm 2013 đến 2017 cho nhóm VĐV “Elite” (tinh hoa) với trọng tâm là Olympic, tham vọng giành HCV. Đến giờ, họ vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đề ra.
Xạ thủ Việt Nam đoạt huy chương Olympic trong bối cảnh sự cạnh tranh ở môn này rất quyết liệt. Hoàng Xuân Vinh phải tranh tài với những đối thủ mạnh nhất thế giới. Nhiều người vẫn tiếc tấm HCB nội dung 50 m súng ngắn bắn chậm khi anh đã dẫn đầu cho đến 2 phát đạn cuối. Tuy nhiên, đối thủ đánh bại anh là Jin Jong-oh, xạ thủ đầu tiên đoạt HCV cùng một nội dung tại 3 kỳ Olympic liên tiếp.
Bên cạnh đó, dù là xạ thủ tầm thế giới từ lâu nhưng sự hỗ trợ dành cho anh vẫn khiêm tốn. Tờ Straitstimes phản ánh việc anh phải tập ở trường bắn cũ kỹ, bia giấy (trong khi thi đấu bia điện tử). Mỗi ngày, Hoàng Xuân Vinh nhận 50 viên đạn để tập nhưng không thường xuyên, trong khi các đối thủ hàng đầu thế giới tập bắn ít nhất 300 viên/ngày.
Đó là lý do tại sao anh thường xuyên sang Hàn Quốc tập huấn, nơi có trang thiết bị hiện đại. Vượt khó khăn để lên đỉnh vinh quang càng tô đậm thêm phẩm chất tuyệt vời của xạ thủ, đồng thời là vị Đại tá quân đội này.
Bảng tổng sắp Olympic 2016 tính đến sáng 11/8 giờ Việt Nam. Việt Nam xếp thứ 17 cùng chủ nhà Brazil. |
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn