Tại sao lại thế? Vardy và Mahrez là những trụ cột của Leicester, là 2 trong số 3 ngôi sao quan trọng nhất mùa giải trước (người còn lại, N'Golo Kante đã chuyển sang Chelsea với giá 32 triệu bảng).
Thông thường thì giữ được ngôi sao trụ cột trước sự chèo kéo của các đối thủ luôn là một chiến thắng, chẳng hạn Manchester United mùa Hè 2008 đã kiên quyết giữ Cristiano Ronaldo - người sau đó sắm vai thủ lĩnh trong chiến tích vô địch Premier League và Á quân Champions League mùa giải 2008-09. Nhưng với Leicester lại là câu chuyện khác.
Họ là ĐKVĐ nước Anh nhưng khó có thể lặp lại kỳ tích ấy thêm lần nữa. Trong tình huống này, việc cố gắng giữ chân các ngôi sao có thể sẽ phản tác dụng nếu nhìn từ kinh nghiệm của Olympique Lyon, một đội bóng rất giống Leicester.
Lyon cũng tương tự Leicester. Họ không thuộc về một thành phố bóng đá giống như Marseille, St.Etienne ở Pháp hay Newcastle, London ở Anh. Họ có những bước tiến thần tốc, từ thế ngụp lặn tại các giải hạng thấp vươn đến đỉnh cao chỉ sau thời gian ngắn. Leicester chỉ sau 2 năm thăng hạng đã vô địch Premier League. Lyon năm 1987 vẫn chơi ở hạng 2 Pháp với ngân sách 3 triệu USD/năm trước khi trở thành bá chủ Ligue 1 trong thập niên 2000.
Mahrez và Vardy, những ngôi sao vụt sáng trong màu áo Leicester City mùa trước. Ảnh: Getty Images. |
Họ đều chuyển mình nhờ những nguồn tài trợ. Với Leicester là tỷ phú người Thái Vichai Srivaddhanaprabha. Với Lyon là doanh nhân Jean-Michel Aulas. Nhưng tiền tài trợ không phải bí kíp thành công của họ, bí kíp ấy nằm ở một chính sách nhân sự hết sức khôn ngoan.
Chính sách ấy được Aulas tổng kết như sau: "Nếu mua được những cầu thủ tốt với giá rẻ hơn giá trị thực, bạn sẽ có cơ hội giành nhiều chiến thắng. Khi ấy bạn sẽ có tiền để mua thêm những cầu thủ giỏi vẫn với giá rẻ hơn giá trị thực của họ. Những cầu thủ ấy sẽ giúp bạn thắng nhiều hơn, đông fan hơn và kiếm thêm nhiều tiền hơn".
Aulas đã mua về cho Lyon những cầu thủ hoàn toàn vô danh và biến họ thành ngôi sao: Michael Essien, Florent Malouda, Mahamadou Diarra… Họ không chỉ có giá chuyển nhượng thấp mà còn không đòi hỏi lương cao, trong khi giá trị chuyên môn đem lại cực lớn.
Bài học thành công ấy đã được Leicester copy. Bầy cáo đem về những cầu thủ bị đánh giá thấp hơn so với tài năng thực (gọi là "underrate"). Jamie Vardy được mua về từ giải bán chuyên, trong khi Riyad Mahrez và N'Golo Kante đều xuất thân từ giải hạng 2 Pháp với những cái giá rẻ mạt. Các trụ cột khác Kasper Schmeichel, Wes Morgan, Robert Huth... đều thuộc nhóm bị "underrate" cho tới khi bước lên đỉnh cao cùng Leicester.
Leicester và HLV Ranieri đã sao chép hoàn hảo một nửa bí kíp thành công của Lyon. Nhưng vẫn còn một nửa bí kíp nữa - thứ đã biến Lyon không chỉ thành hiện tượng một mùa mà còn duy trì thành công dài lâu với serie 7 chức vô địch Pháp liên tiếp giai đoạn 2002-2008.
Một nửa bí kíp ấy được tổng kết lại như sau: hãy bán các cầu thủ nếu có ai đó trả giá cao hơn giá trị thực của cầu thủ đó. Cáo già Aulas từng nói: "Mua và bán cầu thủ không phải là để gia tăng sức mạnh đội bóng, đó là một hoạt động thương mại. Nếu bạn nhận được cái giá hời cho một cầu thủ thì không cần giữ anh ta làm gì".
Aulas luôn nói rằng các cầu thủ của ông không phải để bán. Nhưng sự thật là ở Lyon không ai là không thể bán cả. Một ví dụ tiêu biểu cho triết lý bóng đá của ông trùm ngành phần mềm này là quyết định bán Michael Essien cho Chelsea với giá 43 triệu USD và thay thế bằng Tiago Mendes có giá bằng một phần tư. Lyon không hề yếu đi sau sự xáo trộn ấy.
Quay lại với Leicester. Rõ ràng Bầy cáo không phải đơn giản mà giữ chân được Vardy và Mahrez trong thời buổi đồng tiền nhảy múa và lòng trung thành ngày càng xa xỉ. Họ không còn là những cầu thủ vô danh tới từ các giải hạng thấp như khi gia nhập Leicester. Họ đã là những cầu thủ hay nhất giải Ngoại hạng và người Thái phải đãi ngộ xứng đáng để giữ anh ta ở lại.
Leicester City đã sai lầm khi không bán Vardy, Mahrez khi được giá? Ảnh: Getty Images. |
Nếu trước đây Vardy và Mahrez hưởng 30.000 đến 40.000 bảng mỗi tuần thì nay mức lương đã lên đến 3 con số. Nó sẽ gây ra một hiệu ứng dây chuyền và rồi tới đây Leicester sẽ phải tăng lương cho Schmeichel, Huth hay Danny Drinkwater…
Bằng giải pháp "phản-Lyon", Leicester tự phá vỡ quỹ lương và bỏ qua cơ hội bán Vardy và Mahrez với giá 20 và 35 triệu bảng. Lẽ ra họ đã có thể bán và dùng tiền để tái đầu tư cho những cầu thủ trẻ hơn, giàu khao khát hơn.
Nhìn từ nửa sau bí kíp thành công của Lyon có thể tìm thấy trong đó một tư duy sâu sắc, đó là cách ngăn chặn hiệu ứng cầu-thủ-một-mùa. Khi bị đánh giá thấp, cầu thủ sẽ cố gắng chứng tỏ mình. Họ sẽ nỗ lực để bước ra ánh sáng và giành được sự ghi nhận. Rồi sau đó là hiệu ứng ngược, họ lại bị đánh giá cao hơn giá trị thực (gọi là "overrate"), họ bắt đầu đòi lương cao, chểnh mảng tập và nghe ngóng những lời mời gọi khác. Đó là lý do Lyon thay máu liên tục và ngày càng thành công cả về chuyên môn lẫn thương mại.
Có thể thấy là cả Vardy và Mahrez đều đã phát triển hết cỡ, không thể tiến xa thêm nữa. Vardy đã sắp 30 tuổi và khó có thể bán được với giá 20 triệu bảng sau một năm nữa. Mahrez có thể cũng sẽ giảm giá nếu không duy trì được phong độ mùa này.
Giữ Vardy và Mahrez sẽ khiến quỹ lương của Leicester phình to và hơn nữa khiến họ bỏ phí một cơ hội trẻ hóa đội hình. Quả là nước đi sai lầm!
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn