Trên trang cá nhân của Tân Hoa Xã đã đăng lên một dòng chữ khiến ai nấy cũng phải xót xa: “Không có vàng cho thể dục dụng cụ, Trung Quốc đã thất bại toàn diện tại Olympic Rio”.
Lời tựa đó đã tượng trưng cho một loạt những "nỗi đau" của đoàn thể thao Trung Quốc tại kỳ thế vận hội lần này. Đối với những tham vọng cúa nền thể thao được ví như là "con rồng Châu Á" thì đây rõ ràng là một sự tổn thương quá lớn.
Olympic 2016 đang sắp khép lại, có thể Trung Quốc vẫn đứng trong Top 3 đoàn nhiều Huy chương nhất. Thế nhưng ngay lúc này, ai cũng có thể nhận ra họ là những kẻ thất bại, đó chính là vết nứt lớn của một nền thể thao nổi tiếng hà khắc ở hậu trường.
Những thất bại đồng loạt
Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt với màn trình diễn nghèo nàn nhất tại Olympic trong 2 thập kỷ qua khi các bộ môn thế mạnh như cầu lông, bơi và thể dục dụng cụ liên tục gây thất vọng.
Nỗi thất vọng Sun Yang khởi đầu cho chuỗi thất bại liên tiếp của Trung Quốc
Còn nhớ, niềm kỳ vọng trong nội dung bơi 400m tự do, Sun Yang đã mở hàng cho Trung Quốc trong những ngày đầu Olympic bằng một tấm… HCB và kèm theo đó là những cách hành xử vô cùng đáng xấu hổ với đối thủ người Australia. Đó chính là dấu hiệu khiến cho Trung Quốc bị ghét ngay từ đầu giải và nó khiến tất cả các đoàn khác tăng thêm động lực muốn đánh bại đoàn thể thao này.
Đặc biệt là ở môn Thể dục dụng cụ (TDDC), Trung Quốc đón nhận kết quả tồi tệ. Họ chỉ giành được 2 tấm HCĐ ở nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ. Lần đầu tiên kể từ Olympic 1984, TDDC Trung Quốc rời sân chơi Olympic mà không có lấy một tấm HCV.
Thất bại này thực sự là cú sốc của Trung Quốc, nếu so sánh với những huy hoàng của TDDC 8 năm qua. Năm 2008, khi Olympic diễn ra trên sân nhà, TDDC Trung Quốc thống trị nhiều nội dung, họ giành được 11 HCV. Tại Olympic London 2012, Trung Quốc cũng dẫn đầu bộ môn TDDC với 5 HCV, 4 HCB và 3 HCĐ.
Trong khi đó, ở nội dung bắn súng, nhà cựu vô địch Olympic Du Li mất HCV vào tay VĐV người Mỹ Ginny Thrasher. Ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, VĐV Pang Wei của Trung Quốc chỉ mang về được tấm HCĐ, trong khi VĐV Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam đã xuất sắc giành HCV. Còn ở nội dung 50m súng ngắn nam, Pang Wei không giành được HC nào do đứng hạng 8, trong khi Hoàng Xuân Vinh giành HCB.
Ở những nội dung khác, các VĐV của Trung Quốc cũng liên tiếp gây thất vọng ở các môn điền kinh, vật và ngay cả cầu lông Trung Quốc gây sốc khi dừng bước ngay từ vòng loại ở nội dung đồng đội.
Cú đấm vào tham vọng
Trước sức ép quá lớn từ các đoàn thể thao khác đã khiến Trung Quốc rơi vàng liên tục và chính các dự đoán của các chuyên gia đã cho thấy không phải lúc nào đất nước đông dân nhất thế giới cũng có thể ổn định phong độ tại các kỳ Olympic.
Twitter của thể thao Trung Quốc nói về sự thất bại cay đắng ở môn TDDC
Đối với những VĐV Trung Quốc vẫn còn nội dung thi đấu, có thể đây sẽ là một áp lực lớn đi theo họ trong những ngày còn lại bởi ảnh hưởng của một tập thể mang sự tự tôn lớn như Trung Quốc thì có thể sẽ mang tới những hiệu ứng tiêu cực lan truyền.
Trên lý thuyết, đoàn Trung Quốc còn cơ hội cạnh tranh vàng ở khá nhiều môn được đánh giá cao như cử tạ, nhảy cầu, bóng bàn, cầu lông đơn nam mà ở đó Lin Dan đang là ĐKVĐ Olympic 2008 và 2012… Thế nhưng liệu các VĐV này có thể gánh được sức nặng về chỉ tiêu mà đoàn Trung Quốc ở những ngày thi đấu cuối cùng là những dấu hỏi lớn.
So với 416 VĐV được gửi tới Olympic Rio lần này, đây là một đòn đau giáng vào những tham vọng to lớn đối với một cường quốc như Trung Quốc.
Với nhiều quốc gia, vị trí thứ 3 có lẽ là rất đáng mơ ước, nhưng với Trung Quốc, vốn có nền thể thao đầy huy hoàng trong quá khứ, đó là một thất bại. Kể từ năm 2004, Trung Quốc thường xuyên chiếm vị trí á quân trên bảng tổng sắp huy chương ở các kỳ Olympic. Tại Bắc Kinh 2008, Trung Quốc thậm chí còn về nhất với thành tích 51 HCV. Nhưng bây giờ, họ đang khốn khổ ở Olympic Rio 2016 tại Brazil.
Tính đến hết ngày 17/8, đoàn thể thao Trung Quốc đã giành được tổng số 52 HC (17 HCV, 15 HCB, 20 HCĐ) ở Olympic và đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp, sau Mỹ và Vương quốc Anh.
Thứ hạng của Trung Quốc trên bảng tổng sắp ở các kì Olympic gần đây: Olympic 2000: đứng thứ 3 (28 HCV, 16 HCB, 14 HCĐ) Olympic 2004: đứng thứ 2 (32 HCV, 17 HCB, 14 HCĐ) Olympic 2008 (chủ nhà): đứng thứ 1 (51 HCV, 21 HCB, 28 HCĐ) Olympic 2012: đứng thứ 2 (38 HCV, 29 HCB, 21 HCĐ) Olympic 2016: đang đứng thứ 3 (17 HCV, 15 HCB, 20 HCĐ) |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn