9 xe thiết giáp Terrex đang bị giữ tại Hong Kong. Ảnh: Fox News. |
Chính phủ Singapore đang tìm cách thu hồi 9 xe thiết giáp chở quân (APC) Terrex đang bị giữ tại Hong Kong, sau khi chúng trở về từ cuộc tập trận tại Đài Loan cách đây một tuần.
SCMP cho hay chính Trung Quốc đã báo tin cho các nhân viên hải quan ở đặc khu hành chính Hong Kong kiểm tra và thu giữ số xe thiết giáp được chở bằng đường biển này vào hôm 23/11.
Cây bút Katie Hunt của CNN cho rằng hành động này của Trung Quốc là sự "khiển trách công khai bất thường" đối với Singapore.
"Trung Quốc phản đối bất cứ quốc gia có thiết lập quan hệ ngoại giao nào thực hiện các hoạt động trao đổi và hợp tác chính thức, kể cả về mặt quân sự, với Đài Loan. Chúng tôi hối thúc chính phủ Singapore giữ lời hứa về nguyên tắc Một Trung Quốc", Geng Shuang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố hôm thứ hai.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết 9 xe thiết giáp Terrex trên được dùng trong hoạt động huấn luyện quân sự thường kỳ tại đảo Đài Loan, sau đó được đưa về nước bằng tàu vận tải thương mại và không chở theo đạn dược. Ông cũng nói thêm rằng Singapore đã đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Singapore tỏ ý hy vọng Trung Quốc sẽ làm rõ nguyên nhân giữ các xe APC trong cuộc họp giữa quan chức Hong Kong và hãng vận tải APL.
Tuy nhiên, đến ngày 29/11, truyền thông Trung Quốc đề xuất tịch thu và nung chảy toàn bộ 9 xe Terrex của Singapore. Người đứng đầu lực lượng vũ trang Đài Loan từ chối bình luận về vụ việc với lý do các xe thiết giáp này không thuộc về họ.
Terrex là xe thiết giáp hiện đại nhất của quân đội Singapore. Ảnh: Wikipedia. |
Đòn trừng phạt
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc Singapore tổ chức diễn tập trên đảo Đài Loan không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến Trung Quốc tức giận và giữ số xe thiết giáp của họ ở Hong Kong.
Zhang Baohui, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Lingnan, Hong Kong, cho rằng Singapore có nhiều thỏa thuận quân sự công khai với Đài Loan. Quân đội Singapore cũng đã nhiều lần tổ chức diễn tập trên đảo Đài Loan do thiếu đất làm thao trường trong nước.
"Tôi không nghĩ Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo với Singapore vì lý do này. Vấn đề thực sự là Trung Quốc cho rằng Singapore đã trở thành một đồng minh tiềm năng của Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ xấu đi, đó có thể là chiến thuật để Trung Quốc dạy cho Singapore một bài học, đồng thời thể hiện sự không hài lòng của họ", ông Zang nói.
Singapore gần đây đã tăng cường liên kết quân sự với Mỹ, cũng như thể hiện quan điểm cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết do Tòa Trọng tài đưa ra bác bỏ "đường lưỡi bò" phi lý mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên vùng biển này.
Singapore cũng là thành viên ủng hộ tích cực Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ và 11 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc. Bắc Kinh coi TPP là một nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế ảnh hưởng của nước này trong khu vực.
Yvonne Chiu, giảng viên tại Đại học Hong Kong, cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc với Singapore đang xấu đi, cũng giống như với nhiều nước láng giềng trong khu vực. Vai trò của Singapore trên trường quốc tế đang làm ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc, cũng như các hoạt động trong tầm ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh.
Đây cũng có thể là lời cảnh báo được Trung Quốc phát đi cho người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn. Hòn đảo này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, cũng như phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia Đông Nam Á theo chính sách "nam tiến". Singapore là đối tác duy nhất ở Đông Nam Á có thỏa thuận thương mại với Đài Loan.
"Có vẻ như Bắc Kinh cảm thấy phải mạnh tay hơn và chặn đứng những quan hệ như vậy ngay từ trứng nước", bà Chiu nhấn mạnh.
Xem thêm: Trung Quốc trao công hàm phản đối Singapore sau vụ giữ xe bọc thép
Tử QuỳnhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn