Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: ABC News |
Trong tháng 10, tổng cộng có 322 cuộc thăm dò dư luận dự đoán ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên kết quả bỏ phiếu cuối cùng ngày 8/11 lại hoàn toàn trái ngược, với chiến thắng áp đảo thuộc về Donald Trump.
Thực tế này một lần nữa củng cố nhận định cho rằng thăm dò dư luận hoàn toàn có thể đưa ra những đánh giá mơ hồ, phản ánh sai lệch tương quan giữa hai ứng viên, do một số nguyên nhân sau.
Các cử tri ủng hộ bà Clinton chủ quan không đi bỏ phiếu
Cliff Zukin, giáo sư chính trị thuộc Đại học Rutgers, New Jersey nhận định rằng nguyên nhân trước tiên nhiều khả năng do cử tri ủng hộ cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã quá tự tin vào kết quả thăm dò lư luận và không đi bỏ phiếu.
Điều này dẫn đến việc ứng viên đảng Dân chủ đánh mất lợi thế rất lớn trước đối thủ. Trong khi đó, những người ủng hộ ông Trump, với tâm trạng lo lắng, càng có nhiều động lực đi bầu, nhằm tăng thêm cơ hội chiến thắng cho ông.
Và trong ngày bầu cử năm nay tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump đi bỏ phiếu nhiều hơn so với những người ủng hộ bà Clinton.
Người tham gia thăm dò nói dối
Bình luận viên Philippe Gélie của Figaro cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thăm dò dư luận có kết quả sai lệch là bởi những người tham gia khảo sát không trung thực khi đưa ra ý kiến.
Trong trường hợp này, nhiều khả năng các cử tri ủng hộ ông Trump đã nói dối nhằm gây nhiễu loạn thông tin trước thềm cuộc bỏ phiếu.
"Có thể những người ủng hộ ông Trump chờ đợi đến thời điểm chỉ có mình họ với lá phiếu bầu để bộc lộ lập trường chính trị của mình", ông Gélie cho biết.
Truyền thông Mỹ không phản ánh đúng tâm lý cử tri
Theo các nhà phân tích, ngay từ đầu chiến dịch chạy đua, truyền thông Mỹ đã tỏ rõ thái độ phân biệt và trịch thượng đối với ông Trump. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hoạt động của nền truyền thông nổi tiếng tự do nhất thế giới. Điều này khiến cho dư luận Mỹ phần nào nhận thức sai lệch về hình ảnh cũng như những phẩm chất đạo đức của ông.
Và trên thực tế những cuộc thăm dò lớn, được dư luận quan tâm, đều được tiến hành bởi các cơ quan truyền thông, thay vì những cơ quan nghiên cứu độc lập, điển hình như cuộc khảo sát CNN/ORC.
Những số liệu mới nhất cho thấy đa phần những người tham gia cuộc khảo sát này đều ủng hộ đảng Dân chủ, kết quả mà cơ quan này đưa ra tất yếu sẽ nghiêng về bà Clinton.
Các loại hình thăm dò không đảm bảo tính khoa học
Theo ông Cliff Zukin, các cuộc thăm dò dư luận tiền bầu cử 2016, các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành chủ yếu qua điện thoại di động và trực tuyến, là hai loại hình thăm dò mang ít tính khoa học và thường có sai số đáng kể.
Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính, việc khảo sát qua điện thoại di động tốn kém hơn qua điện thoại cố định từ 30-50%. Điều này khiến cho nhiều cuộc thăm dò bị thu hẹp quy mô hơn trước rất nhiều và có thể dẫn đến những sai số lớn.
Ngoài ra, nhiều người được khảo sát qua điện thoại thường có xu hướng từ chối đưa ra ý kiến. Một cơ quan thăm dò dư luận mới đây cho biết chỉ kết nối được với khoảng 10% số người mà họ cố gắng liên lạc, thấp hơn nhiều con số 80% so với một vài thập kỷ trước.
Đối với những cuộc thăm dò trực tuyến như Reuters/Ipsos, các hãng thăm dò có thể tiếp cận được với nhiều người hơn, với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, đa số người tham gia loại hình thăm dò này đều là tự nguyện, do đó không thể đảm bảo tính ngẫu nhiên bắt buộc.
"Chiến thắng của ông Trump khiến các nhà thăm dò một lần nữa phải suy nghĩ lại về tính thực tế và kết nối hiệu quả của các cuộc khảo sát với công chúng Mỹ", bình luận viên Gélie nhấn mạnh.
Xem thêm: Donald Trump càn quét các bang chiến trường như thế nào?
Nguyễn HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn