Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hôm 18/8. (Ảnh: SCMP)
Quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar đã có bước chuyển tích cực trong tháng này sau chuyến công du kéo dài 5 ngày của Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, tới Bắc Kinh. Theo đánh giá, uy tín quốc gia và an ninh năng lượng là những mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc trong chuyến thăm vừa kết thúc của bà Suu Kyi.
Tại các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và bà Suu Kyi, hai bên đã tập trung trao đổi quan điểm về mối quan hệ song phương cũng như các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó, các nội dung trọng tâm được thảo luận tại các cuộc gặp này gồm tiến trình hòa bình của Myanmar, dự án đập thủy điện Myitsone có đầu tư của Trung Quốc đã bị đình chỉ từ năm 2011, cũng như việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết cả Trung Quốc và Myanmar vẫn chưa giải quyết được bất đồng về dự án đập thủy điện Myitsone, vốn đã làm căng thẳng quan hệ song phương từ cách đây 5 năm khi chính phủ Myanmar bất ngờ tuyên bố đình chỉ dự án. Theo những nguồn tin này, bất đồng trong vấn đề dự án đập thủy diện Myitsone đang tạo ra những lo ngại về khả năng quan hệ song phương trở lại suôn sẻ. Vậy tại sao một dự án được Trung Quốc ủng hộ lại có thể cản trở quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng như vậy? Dưới đây là những nhận định của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Thách thức về an ninh năng lượng
Đầu tiên, phải nói tới những kỳ vọng mà giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã đặt vào dự án từng được coi là "cầu nối" ra nước ngoài của Bắc Kinh, cũng như thước đo "uy tín" của nước này. Năm 2011, quyết định đình chỉ dự án xây dựng đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD, một trong những dự án lớn nhất của Trung Quốc ở Myanmar, đã đẩy quan hệ song phương rơi vào tình trạng "đóng băng". Tệ hơn nữa, quyết định dừng dự án này của cựu Tổng thống Thein Sein đúng vào ngày Quốc khánh của Trung Quốc được xem là một "cú giáng" đối với Bắc Kinh. Truyền thông Trung Quốc miêu tả quyết định dừng dự án xây dựng đập thủy điện đã "làm tổn hại tới cảm xúc của nhân dân Trung Quốc". Tại sao quốc gia Đông Bắc Á lại phản ứng như vậy? Có thể lý giải rằng giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, từng đặt ra nhiều kỳ vọng vào dự án này.
Là một phần trong dự án quy mô xây dựng 7 đập thủy điện lớn trên con sống lớn nhất của Myanmar - sông Irrawaddy, đập Myitsone lần đầu tiên được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Than Shwe, người sau này trở thành Thống tướng, giới thiệu vào năm 2005. Kế hoạch xây dựng dự án này đã được "bật đèn xanh" vào đầu năm 2009 trong chuyến thăm Myanmar của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Trường Xuân. Sau đó, ông Tập Cận Bình cũng giành nhiều thời gian và sức lực để thúc đẩy dự án xây dựng đập thủy điện ở nước ngoài này của Trung Quốc. Tuy nhiên, số phận của đập Myitsone cũng có những điểm tương tự như những con đập từng được lên kế hoạch xây dựng ở đầu nguồn sông Salween ở Trung Quốc, hay còn gọi là sông Nu. Do vấp phải sự phản đối của dư luận và những quan ngại về tác động tới môi trường, Bắc Kinh đã ngưng kê hoạch xây đập trên sông Nu.
Thứ hai, dự án xây dựng đập Myitsone đang đặt ra những thách thức mới với vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc. Quốc gia giàu tài nguyên như Myanmar từ lâu đã được coi là giải pháp "thay thế" để Trung Quốc giải quyết vấn đề mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng gọi là "mối rắc rối Malacca" hồi năm 2003.
Trong khi Trung Quốc phụ thuộc vào các hoạt động nhập khẩu dầu từ Trung Đông và châu Phi cho hơn 60% mức tiêu thụ năng lượng của các hoạt động sản xuất thì gần 80% số lượng dầu nhập khẩu này đi qua Eo biển Malacca. Chính vì sự phụ thuộc này đã dẫn tới những lo ngại về "điểm yếu" của Trung Quốc nếu phương Tây tìm cách kiểm soát hoặc ngăn chặn các hoạt động vận tải đi qua Eo biển Malacca và Biển Đông. Điều này lý giải tại sao Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều ở Myanmar để giúp nước này nâng cấp hệ thống cấu đường, hải cảng và các con đập, qua đó có thể tiếp cận dễ dàng hơn những mỏ dầu và khí đốt ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Du Jifeng, chuyên gia tới từ Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định: "Không như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Myanmar có nhiều nguồn năng lượng thiên nhiên như khoáng sản quý, dầu và trữ lượng khí đốt. Đây là những nguồn năng lượng mà Trung Quốc rất cần cho quá trình phát triển kinh tế. Không những vậy, Myanmar có vị trí địa lý chiến lược, giúp Trung Quốc tiếp cận được với Ấn Độ Dương, điều giúp cho họ trở nên quan trọng hơn trong chiến lược ngoại giao năng lượng của Bắc Kinh".
Nhờ mối quan hệ đặc biệt với Myanmar trong quá khứ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn nhất và đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, kể từ khi quá trình chuyển giao dân chủ bắt đầu ở Myanmar cách đây 5 năm, mọi thứ đã thay đổi với Trung Quốc. Các lợi ích kinh tế của họ ở Myanmar gặp trở ngại, trong khi các dự án năng lượng và xây đập thuỷ điện bị đình chỉ. Ông Du nói thêm: "Trung Quốc có nhiều dự án chưa được hoàn thành ở Myanmar. Dù tuần "trăng mật" trong mối quan hệ song phương đã kết thúc song Trung Quốc đơn giản không thể từ bỏ Myanmar vì những vấn đề chiến lược quan trọng ở nước này".
Giới phân tích cũng cho rằng thất bại trong một dự án mang tính biểu tượng như đập thuỷ điện Myitsone có thể "phủ bóng" lên những tham vọng của Trung Quốc trong quá trình phát triển ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế trong khu vực.
Cạnh tranh về địa chính trị
Nguyên nhân thứ 3 được các nhà phân tích đánh giá chính là vị trí địa lý của Myanmar. Quốc gia Đông Nam Á này được coi là "chiến trường" cạnh tranh về địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và các cường quốc châu Á khác như Ấn Độ và Nhật Bản. Myanmar, quốc gia có đường biên giới dài 2.200km với Trung Quốc, được coi là vùng đệm chiến lược giữa Trung Quốc với Ấn Độ kể từ những năm 1950. Trong khi Myanmar được coi là cánh cửa để Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương thì Ấn Độ coi đồng minh truyền thống Myanmar là cầu nối cho chính sách "Hướng Đông" của nước này.
Thời gian qua, truyền thông Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Ngoại trưởng Suu Kyi khi chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên ngoài ASEAN, đồng thời cảnh báo quan hệ được cải thiện giữa Trung Quốc và Myanmar sẽ có tác động tới những lợi ích an ninh của Ấn Độ. Trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia từng ủng hộ các lệnh trừng phạt và giảm viện trợ cho Myanmar dưới sức ép của Mỹ nhằm vào chính quyền quân sự ở Myanmar trước đây, đã rất nhanh nhạy trong các vấn đề liên quan tới kinh tế và ngoại giao kể từ khi chính phủ dân sự được bầu trở lại ở quốc gia Đông Nam Á này.
Đầu năm nay, tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng chính sách ngoại giao có định hướng của Nhật Bản đã giúp nước này tạo được dấu ấn ở Myanmar kể từ năm 2011. Viện trợ và đầu tư của Nhật Bản cho Myanmar đã tăng mạnh trong những năm qua, trong khi số lượng các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước này cũng tăng gần gấp sáu lên 300 công ty trong năm năm qua. Dù Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar, với mức đầu tư trực tiếp trong 126 dự án kinh doanh lên tới hơn 15 tỷ USD trong tháng Hai vừa qua, song mức tổng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc ở quốc gia Đông Nam Á này đã giảm từ mức hơn 80% khi còn chính quyền quân sự xuống còn 50% trong năm nay.
Với việc các lệnh trừng phạt kinh tế và quân sự của Mỹ với Myanmar vẫn được duy trì, Singapore - quốc gia được coi là cầu nối cho các hoạt động đầu tư nước ngoài, gồm cả của Mỹ, là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Myanmar, với hơn 12 tỷ USD trong 122 dự án kinh doanh. Dường như các "đối thủ" của Trung Quốc đang triển khai tối đa các hoạt động ở Myanmar kể từ khi chính phủ của bà Suu Kyi lên nắm quyền. Có những thông tin cho rằng Nhật Bản và Ấn Độ, hai quốc gia gần đây đã tăng cường hợp tác an ninh và ngoại giao do cùng chia sẻ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, đang cân nhắc theo đuổi những lợi ích chiến lược chung tại Myanmar. Có thể dự án hợp tác chung giữa hai nước tại Myanmar sẽ không nhằm vào lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở mà hướng sang các lĩnh vực phục vụ "quyền lực mềm", như xây dựng tổ chức hay phát triển các tài sản văn hoá.
Trung Quốc hứng chịu những thiệt hại không nhỏ
Cuối cùng, dự án xây dựng đập thuỷ điện Myitsone gây tranh cãi đã "điểm yếu" trong đặc quyền đặc lợi của việc các công ty năng lượng và xây dựng của Trung Quốc, cũng như phản chiếu "rắc rối" của họ trong quá trình triển khai các dự án ở nước ngoài. Các nguồn thạo tin với dự án Myitsone cho biết, trong năm qua, các tập đoàn vốn nhà nước của Trung Quốc đã tìm cách để vận động cả chính phủ nước này và Myanmar để thúc đẩy dự án xây dựng những đập thuỷ điện tại quốc gia Đông Nam Á. Rõ ràng, những tập đoàn này đứng đằng sau chiến dịch mạng mẽ của Trung Quốc nhằm "hồi sinh" dự án đang bị đình chỉ này.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, dự án Myitsone bị đình chỉ đã gây ra thiệt hại tài chính không nhỏ. Đầu năm 2014, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 700 triệu Nhân dân tệ cho dự án vào thời điểm nó bị đình chỉ. Trong khi đó, tờ The Mirror của Myanmar dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại nước này, ông Hong Liang nói rằng Nay Pyi Daw có thể sẽ phải đền bù 800 triệu USD nếu dự án bị huỷ bỏ và sẽ cần trả 50 triệu USD tiền lãi mỗi năm trước khi hoạt động xây dựng đập Myitsone được nối lại. Tuy nhiên, Đại sứ Hong cũng lưu ý rằng chính phủ Myanmar có thể thu về 500 triệu USD tiền lợi nhuận hàng năm một khi đập thuỷ điện Myitsone đi vào hoạt động.
Thế nhưng, các nhà quan sát cho rằng với tâm lý chủ nghĩa dân tộc đang lên ở Myanmar, sẽ rất khó để cho dự án xây dựng đập thuỷ điện Myitsone được "hồi sinh". Họ cho rằng các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Myanmar trong thời gian bà Suu Kyi ở thăm Bắc Kinh sẽ khiến cho vị Ngoại trưởng này khó có thể đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.
Dự án xây dựng đập Myitsone chỉ là một trong hàng chục dự án xây dựng đập thuỷ điện bị đình chỉ ở Myanmar từ năm 2011. Những công ty Trung Quốc thường quá tập trung vào việc củng cố quan hệ với các chính phủ, trong khi lờ đi những tác động của các dự án với môi trường và xã hội, cũng như tham khảo ý kiến của dư luận. Việc bỏ qua những quan ngại về tác động tới môi trường và mong muốn của người dân nước sở tại, cũng như thiếu minh bạch trong các dự án xây dựng đập thuỷ điện trên con sông chảy qua biên giới hai nước và trong các điểm nóng chính trị khác, các công ty Trung Quốc đang mang tới cảm giác có thể đe doạ tới cơ hội kinh doanh của người dân nước sở tại, qua đó khiến Bắc Kinh trở thành tiêu điểm của nhiều cuộc tranh cãi mà họ không mong muốn trong những năm qua.
Ngọc Anh
Theo SCMP
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn