Trung - Triều vẫn tấp nập giao thương sau vụ thử hạt nhân lần 5

Thứ tư - 14/09/2016 14:52

Trung - Triều vẫn tấp nập giao thương sau vụ thử hạt nhân lần 5

Cửa khẩu chính giữa Trung - Triều hôm 12/9 ken đặc xe tải chở đủ thứ hàng hóa, ba ngày sau khi mọi giao dịch bị gián đoạn bởi vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng.

Xe tải đỗ trong sân trụ sở văn phòng hải quan ở thành phố Đan Đông khi các tài xế làm thủ tục thông quan qua cầu Hữu nghị. Ảnh: Reuters

Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất đối với Triều Tiên, cũng lên án vụ thử hạt nhân mà quốc gia láng giềng thực hiện nhưng lại tỏ ra lúng túng trước lựa chọn liệu có ủng hộ các biện pháp trừng phạt tăng cường áp đặt lên Bình Nhưỡng hay không, theo Reuters.

Thành phố Đan Đông, Trung Quốc là nơi diễn ra 75% khối lượng giao thương Trung - Triều. Một số tài xế ở đây cho biết các cuộc kiểm tra hàng hóa đã được tăng cường kể từ thời điểm Triều Tiên thử hạt nhân hôm 9/9. Tuy vậy, nhiều tài xế khác cho hay phần lớn giao dịch vẫn được tiến hành như thường lệ.

"Tôi đưa sang Triều Tiên đủ thứ sản phẩm. Công việc kinh doanh không tệ, chúng tôi khá bận rộn", một tài xế xe tải họ Wang nói.

Wang là một trong những lái xe đang chờ làm thủ tục hải quan băng qua chiếc cầu Hữu nghị Trung - Triều bắc ngang sông Áp Lục để đi vào Triều Tiên sau khi tuyến đường này được cho lưu thông trở lại.

Dòng xe tải chở đầy đồ gỗ, vật liệu xây dựng, sắt, nhôm, cao su, máy móc, gạch và thậm chí cả những xe ủi cỡ nhỏ vẫn nối đuôi nhau xếp hàng ở cửa khẩu biên giới có một làn đường duy nhất ở Đan Đông.

Trung Quốc tán thành các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều tiên nhằm ngăn chặn nước này phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, theo bình luận viên Sue-Lin Wong, Bắc Kinh lâu nay vẫn tỏ ra thận trọng trước việc cắt đứt giao thương hoàn toàn vì không muốn dồn nước láng giềng đến bờ vực sụp đổ.

Theo lời tài xế Ying Ren, 54 tuổi, mọi thứ đi qua biên giới Đan Đông đều bị kiểm tra kỹ lưỡng.

"Người ta thậm chí còn biết chúng tôi mang theo hai chai bia trên xe", Ying Ren nói. "Họ chỉ cấm vận chuyển các loại hàng kiểu như hóa chất sang biên giới vì lo ngại chúng có khả năng được dùng để chế tạo bom hạt nhân".

Hiện nay, các biện pháp trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chủ yếu nhắm vào những hàng hóa xa xỉ hay các loại vật liệu có thể phục vụ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Chúng cũng nhằm hạn chế khả năng Triều Tiên tiếp cận với nguồn ngoại tệ mạnh giúp trang trải chi phí cho các cuộc thử nghiệm.

Cầu Hữu nghị bắc qua sông Áp Lục nối biên giới Trung Quốc - Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Một tài xế khác, cũng họ Wang, cho biết các cuộc kiểm tra ở biên giới dường như diễn ra lâu hơn sau vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên.

"Những cuộc kiểm tra thực sự nhiều lên kể từ thời điểm các biện pháp trừng phạt được áp dụng vào đầu năm nay", Wang nói, đề cập đến gói trừng phạt bổ sung do Liên Hợp Quốc thông qua sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên hồi tháng một.

"Giờ đây, họ kiểm tra khi chúng tôi chất hàng lên xe tải và kiểm tra lại lần nữa lúc chúng tôi làm thủ tục hải quan đi qua cửa khẩu. Họ đưa cho tôi một danh sách để tôi biết rằng họ nắm rõ tất cả mọi thứ tôi đang chở trên xe. Nhưng hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa phục vụ người dân Triều Tiên sẽ tiếp tục vô thời hạn. Làm sao ngừng việc giao thương này được? Chúng tôi không muốn người tị nạn Triều Tiên tràn sang Trung Quốc", Wang quả quyết.

Buôn lậu vẫn phổ biến

Phần lớn các bước phát triển kinh tế giúp nâng cao đời sống của người dân Triều Tiên những năm gần đây đến từ hoạt động buôn bán hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc ở các thị trường không rõ ràng về mặt pháp lý, theo Reuters.

Các nước phương Tây thậm chí cũng không muốn áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những hoạt động giao thương thường ngày kiểu này, giới phân tích đánh giá. Họ hy vọng sự xuất hiện của tầng lớp tiêu dùng ngày càng lớn mạnh ở Triều Tiên sẽ làm suy yếu chính quyền Kim Jong-un.

Tài xế Liang Hengshun cho hay anh thật sự không thích nán lại lâu ở Triều Tiên.

"Họ có một xã hội đóng kín. Chúng tôi không được phép sử dụng điện thoại hay nghe đài phát thanh. Họ sẽ tịch thu bất cứ thứ gì không in bằng tiếng Triều Tiên, ví dụ như báo chí Trung Quốc, trên xe tải của chúng tôi", Hengshun giải thích.

Buôn lậu vẫn diễn ra phổ biến, chủ yếu là bởi nguồn lợi nhuận quá cao chứ không phải nhằm luồn lách những biện pháp trừng phạt, Hengshun kể.

"Các xe buýt đưa đón khách du lịch thường chở lậu những bộ tóc giả, lông mi giả vì những thứ vụn vặt như vậy sẽ không bị bắt. Nếu bạn muốn mua một bộ tóc giả qua các kênh chính thống, giá của nó khoảng 1.000 nhân dân tệ (150 USD) nhưng nếu bạn mua nó từ một trong những kênh chợ đen, giá chỉ dao động từ 200 đến 300 nhân dân tệ và bản thân tài xế xe buýt cũng vui vì có thể kiếm chút ít tiền",  Hengshun nói. "Chúng tôi thường không buôn lậu những mặt hàng này trên xe tải lớn mà để dành chúng cho các xe buýt du lịch".

Binh sĩ Triều Tiên đi tuần tra bằng canô trên sông Áp Lục. Ảnh: Reuters

Xem thêm: Vì sao Trung Quốc không ngăn được Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân

Hồng Vân

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây