Trung Quốc lớn tiếng “chỉnh đốn” New Zealand về vấn đề Biển Đông

Thứ ba - 11/10/2016 21:43

Trung Quốc lớn tiếng “chỉnh đốn” New Zealand về vấn đề Biển Đông

Trong lễ khai mạc Diễn đàn quốc phòng khu vực Xiangshan lần thứ 7, tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh hôm nay 11/10, nước chủ nhà Trung Quốc đã lớn tiếng chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand liên quan đến lập trường của nước này về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Diễn đàn quốc phòng khu vực Xiangshan lần thứ 7 được tổ chức tại khách sạn Xiangshan Yihe, Bắc Kinh. (Ảnh: SCMP)

“Chúng tôi hy vọng rằng các nước không liên quan tới tranh chấp (Biển Đông) hãy tôn trọng những nước có tranh chấp để họ tự làm việc với nhau”, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc Fu Ying lớn tiếng tuyên bố tại Diễn đàn quốc phòng Xiangshan hôm nay 11/10.

Với vai trò là chủ trì của một phiên thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn, bà Fu, vốn là thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, còn nói: “Tôi nghĩ rằng những diễn biến vừa qua đã cho thấy sự can thiệp từ bên ngoài chỉ càng làm phức tạp thêm những khác biệt vốn có và đôi khi làm gia tăng căng thẳng”.

Những bình luận trên của bà Fu được đưa ra nhằm đáp trả những phát biểu trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee về những lo ngại của nước này trong vấn đề Biển Đông.

“Chúng tôi phản đối các hành động phá hoại hòa bình và làm xói mòn lòng tin. Chúng tôi muốn được thấy tất cả các bên có bước đi tích cực nhằm giảm thiểu căng thẳng”, Bộ trưởng Gerry nói.

“Là một quốc gia nhỏ bé có hoạt động giao thương hàng hải, luật quốc tế nói chung và Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) nói riêng, rất quan trọng đối với New Zealand. Chúng tôi ủng hộ các tiến trình phân xử thông qua biện pháp trọng tài, đồng thời tin rằng tất cả các nước có quyền tìm kiếm giải pháp quốc tế”, ông Gerry nói thêm.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Quốc phòng New Zealand cũng phê phán các hành động bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng đường băng mới vốn gây nhiều tranh cãi trong khu vực. “Một nguyên nhân cụ thể dẫn tới tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang là hoạt động cải tạo, xây dựng các căn cứ quân sự tại khu vực tranh chấp”, ông Gerry nhấn mạnh.

Khi được hỏi về phát biểu của bà Fu Ying tại diễn đàn, ông Gerry nói với Reuters rằng việc New Zealand bày tỏ mối quan ngại của mình, cũng là đại diện cho các quốc gia nhỏ hơn, là hoàn toàn hợp lý vì tất cả các bên đều có quyền góp tiếng nói về vấn đề Biển Đông.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc bất đồng với New Zealand liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước trên Biển Đông. Hồi tháng 2, New Zealand đã hối thúc Trung Quốc kiềm chế sau khi Bắc Kinh triển khai một hệ thống tên lửa tối tân trên Biển Đông, trong khi Bắc Kinh lớn tiếng “phản pháo” rằng đề nghị từ phía New Zealand là “thiếu tính xây dựng”.

Trung Quốc ngầm chỉ trích Mỹ vì can thiệp vào một số điểm nóng ở châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Ảnh: EPA)

Cũng tại Diễn đàn quốc phòng khu vực Xiangshan lần thứ 7, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng đã lên tiếng chỉ trích Mỹ vì can thiệp vào một số điểm nóng ở khu vực châu Á.

“Một số nước muốn theo đuổi sự thống trị tuyệt đối về mặt quân sự, không ngừng củng cố liên minh quân sự của họ và muốn đảm bảo an ninh tuyệt đối của riêng họ bằng cách đánh đổi an ninh của các nước khác”, Bộ trưởng Thường Vạn Toàn phát biểu, với ngụ ý nhằm vào Washington.

Trung Quốc ngang nhiên đòi hỏi chủ quyền với yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do nước này tự ý vẽ ra trên Biển Đông với mưu đồ hòng chiếm trọn 80% diện tích vùng biển này. Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) hồi tháng 7 đã ra phán quyết bác yêu sách của Trung Quốc trong một vụ kiện do Philippines khởi xướng, song Bắc Kinh lớn tiếng không công nhận phán quyết này.

Trong khi đó, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Mỹ vẫn điều tàu chiến và máy bay tới thực hiện các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, thậm chí còn di chuyển sát tới các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông nhằm phát đi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc.

Ngoài vấn đề Biển Đông, tại diễn đàn quốc phòng khu vực, Trung Quốc còn nêu lo ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ dự định triển khai ở Hàn Quốc để phòng ngừa mối đe dọa từ Triều Tiên. Trung Quốc, đồng minh khu vực và là đối tác thương mại chính của Triều Tiên, phản đối động thái này của Washington và Seoul, cho rằng việc triển khai THAAD sẽ càng làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây