Trump bị chê rót rượu cũ vào bình mới với sắc lệnh cấm nhập cảnh mới

Thứ năm - 09/03/2017 11:16

Trump bị chê rót rượu cũ vào bình mới với sắc lệnh cấm nhập cảnh mới

Sắc lệnh cấm nhập cảnh mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành dù đã được sửa đổi song có thể vẫn phải đối diện với các thách thức pháp lý.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thông báo về lệnh cấm nhập cảnh mới

Trong một động thái nhằm thể hiện tinh thần đoán kết, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng An ninh Nội địa và Ngoại trưởng Mỹ hôm qua cùng xuất hiện để thông báo về sắc lệnh cấm nhập cảnh mới từ Tổng thống Donald Trump, theo CNN.

Sắc lệnh tạm thời dừng cấp thị thực cho công dân đến từ 6 nước Hồi giáo gồm Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan. 6 quốc gia trên bị đưa vào danh sách bởi năng lực thông tin và rà soát của họ không đạt tiêu chuẩn an ninh Mỹ.

Sắc lệnh mới không áp dụng với những người đã có thị thực vào Mỹ, cư dân thường trú tại Mỹ và giảm từ cấm nhập cư vô thời hạn đối với người tị nạn Syria xuống còn 120 ngày.

Nhà Trắng cho rằng sắc lệnh sửa đổi sẽ vượt qua các thách thức từ tòa án. Song giới quan sát hoài nghi liệu nó có đủ sức thuyết phục các thẩm phán liên bang hay không?

Những thành phần phản đối, chẳng hạn các nhóm đấu tranh vì quyền lợi người nhập cư hay Dự án Quyền cho Người nhập cư thuộc Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), nhanh chóng phản ứng. Theo họ, sắc lệnh sửa đổi không khác gì so với sắc lệnh bị tòa án chặn đứng mà Tổng thống Trump ký hôm 27/1.

"Chính quyền Trump đã thừa nhận không thể biện hộ cho sắc lệnh hạn chế người Hồi giáo ban đầu", Omar Jadwat, giám đốc Dự án Quyền cho Người nhập cư, bình luận. "Thật không may, họ lại thay thế nó bằng một phiên bản mới thậm chí còn tệ hơn và cùng mang các lỗ hổng chết người tương tự".

Jadwat cùng những người phản đối khác khẳng định "cách duy nhất để sửa chữa sắc lệnh hạn chế người Hồi giáo là không ban hành sắc lệnh".

Họ tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực dựa trên các cơ sở nêu ra trước đây, ví dụ như vấn đề kỳ thị tôn giáo hay tính cấp bách của sắc lệnh, đồng thời yêu cầu chính quyền đưa ra bằng chứng cho thấy an ninh quốc gia thực sự đang lâm nguy.

Tổng chưởng lý Washington Bob Ferguson, người từng đâm đơn kiện sắc lệnh hành pháp đầu tiên của Tổng thống Trump, hôm qua cho biết sắc lệnh mới đã "thu hẹp rất nhiều" và "còn quá sớm để nói chúng ta sẽ làm gì".

Bộ Tư pháp vừa ban hành thông báo về sắc lệnh cấm nhập cảnh mới tới các thẩm phán liên bang và nhấn mạnh chính quyền tin tưởng nó "nằm ngoài phạm vi" lệnh đóng băng từ tòa án đối với sắc lệnh ban đầu, ví dụ như việc sắc lệnh không áp dụng với những người nhập cư đã có thị thực vào Mỹ hay cư dân thường trú tại Mỹ.

Tuy nhiên, tòa án còn không ít vấn đề cần xem xét, cây bút Ariane de Vogue từ CNN nhận định.

Quyền tố tụng đúng luật

Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 tháng trước bày tỏ lo lắng về các rắc rối pháp lý liên quan đến tác động của sắc lệnh cấm nhập cảnh ký ngày 27/1, đặc biệt đối với những người nắm giữ thẻ xanh.

"Chính phủ đã thất bại khi khiến những cư dân thường trú hợp pháp không được hưởng quyền tố tụng đúng luật trong lúc tìm cách tái nhập cảnh vào Mỹ", các thẩm phán viết.

Tuy nhiên, sắc lệnh mới đã làm rõ người nắm thẻ xanh sẽ không bị ảnh hưởng. Chính quyền bên cạnh đó khẳng định người có visa còn hạn từng bị cấm nhập cảnh tại các sân bay Mỹ trong lần ra sắc lệnh đầu tiên cũng không chịu tác động.

Nhưng Tổng chưởng lý Ferguson cho hay ông vẫn cân nhắc một số điều kiện hạn chế nhất định. "Mục đích phía sau sắc lệnh đầu tiên khiến chúng tôi quan ngại sâu sắc", Ferguson nói và cho biết thêm ông chưa từ bỏ ý định "kiện Tổng thống Mỹ".

Tính cấp bách

 Biểu tình ngoài Nhà Trắng sau sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump

Theo CNN, nhóm người thách thức chắc chắn sẽ tung ra đòn công kích nhắm vào việc chính quyền Trump lập luận rằng họ phải ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh vì những lý do cấp bách.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh mới có hiệu lực từ ngày 16/3. Trong cuộc họp báo hôm 6/3, một quan chức chính phủ cho hay khoảng thời gian chờ này được đặt ra một phần nhằm giải quyết những rắc rối pháp lý từ các thẩm phán liên bang muốn "thay đổi" phán quyết về sắc lệnh.

Song Nhà Trắng thực tế định ra sắc lệnh cấm nhập cảnh mới từ tuần trước nhưng trì hoãn thông báo sau khi bài phát biểu với quốc hội của Tổng thống Trump nhận được nhiều ý kiến tích cực.

Phân biệt tôn giáo

Các quan chức chính quyền nhấn mạnh sắc lệnh mới hoàn toàn không nhắm đến người Hồi giáo. Tuy nhiên, những người chỉ trích có thể vẫn vin vào cái cớ phân biệt tôn giáo để phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi từ Tổng thống Trump, chuyên gia đánh giá.

"Dù sắc lệnh mới dường như đã thu hẹp đáng kể, nó vẫn truyền đi một thông điệp tồi tệ đến thế giới, tới những người Hồi giáo Mỹ cũng như các cộng đồng thiểu số trên cả nước mà không đem lại bất kỳ lợi ích an ninh quốc gia nào", Tổng chưởng lý Virginia Mark Herring nhận xét.

Phe Dân chủ còn gọi sắc lệnh mới là phiên bản lặp lại của sắc lệnh cấm nhập cảnh trước đó.

"Lại nữa rồi... Lệnh cấm người Hồi giáo 2.0", Hạ nghị sĩ Andre Carson, bang Indiana, một trong hai người Hồi giáo đang làm việc tại Hạ viện, viết trên Twitter cá nhân.

An ninh quốc gia

Trong lúc thông báo về sắc lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đồng thời tiết lộ một số thông tin an ninh quốc gia mới.

"Hơn 300 người đến Mỹ dưới danh nghĩa tị nạn đang bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) giám sát vì tình nghi liên quan đến các hoạt động khủng bố tiềm tàng", ông Sessions nói.

Tuyên bố trên có lẽ nhằm trả lời cho một ý kiến từ Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 chỉ trích chính quyền không cung cấp các thông tin an ninh quốc gia để chứng minh cho lệnh cấm.

"Tòa án thường xuyên tiếp nhận những thông tin tuyệt mật bị niêm phong và vẫn phải duy trì nó trong tình trạng bí mật", các thẩm phán cho biết.

Theo Stephen Yale-Loehr, giáo sư tại Trường Luật Cornell, sắc lệnh cấm nhập cảnh mới nhiều khả năng vẫn phải đối mặt với các thách thức.

"Nhìn chung, sắc lệnh hành pháp sửa đổi chỉ là 'bình mới rượu cũ'", ông Yale-Loehr nói. "Phân tích từ đơn vị tình báo tại Bộ An ninh Nội địa phát hiện khá ít bằng chứng cho thấy công dân từ 7 nước trong sắc lệnh cấm nhập cảnh ban đầu tạo ra những mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ".

Nhưng theo ông Jeffrey Toobin, chuyên gia phân tích pháp luật, rất có thể tòa án sẽ thông qua sắc lệnh cấm nhập cảnh mới bởi nó đã loại bỏ hàng loạt vấn đề pháp lý dẫn đến việc sắc lệnh đầu tiên bị chặn đứng.

Theo ông, việc chính quyền không đề cập đến lý do tôn giáo cũng góp phần dọn đường để sắc lệnh được chấp thuận.

Hiện tại, thời điểm áp dụng sắc lệnh sửa đổi chưa tới, các luật sư đang cân nhắc lựa chọn của họ. Nhưng cả hai phe đều hiểu cuộc chiến chưa chấm dứt, bình luận viên Vogue từ CNN đánh giá.

Mô hình tam quyền phân lập trong chính quyền liên bang Mỹ. Đồ họa: Tiến Thành (Click vào ảnh để xem đồ họa chi tiết)

Vũ Hoàng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây