Trận tập kích nhà máy hạt nhân Iraq của tiêm kích Israel

Thứ ba - 13/12/2016 09:27

Trận tập kích nhà máy hạt nhân Iraq của tiêm kích Israel

Cuộc tập kích của phi đội F-16 Israel nhằm vào lò phản ứng hạt nhân của Iraq năm 1981 được đánh giá là táo bạo, góp phần thay đổi lịch sử Trung Đông.

Tiêm kích F-16 ném bom nhà máy Orsirak. Hình minh họa: David Icke.

Cuối thập niên 1970, chính phủ Iraq ký hợp đồng với Pháp để xây dựng lò phản ứng hạt nhân Orsirak ở Al Tuwaitha, cách thủ đô Baghdad hơn 19 km về phía đông nam. Israel tin rằng Iraq có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân đe dọa nước này. Sau khi không thể thuyết phục các cường quốc châu Âu ngừng cung cấp vật liệu hạt nhân cho lò phản ứng, quân đội Israel lên kế hoạch cho chiến dịch tấn công phủ đầu mang tên "Opera" nhằm phá hủy lò phản ứng trên, theo Listverse.

Theo kế hoạch, không quân Israel (IAF) sẽ sử dụng các tiêm kích F-15 và F-16 để tấn công. Các kỹ sư lắp đặt cho 8 tiêm kích F-16 lượng vũ khí tối đa cho nhiệm vụ đối đất, trong khi máy bay F-15 đóng vai trò yểm trợ trên không. Cuộc tập kích này đòi hỏi các tiêm kích Israel bay trên chặng đường dài 1.000 km ở độ cao chỉ 46 m so với mặt đất, qua không phận của 3 quốc gia thù địch.

Không quân Israel nhận thấy các tiêm kích sẽ phải di chuyển quãng đường hơn 3.218 km, vượt quá tầm hoạt động của F-16. Họ phải tìm mọi cách để tăng tầm bay, do IAF không thể dựa vào các máy bay tiếp liệu Mỹ và chưa có khả năng tự tiếp nhiên liệu trên không.

Trong tháng 8 và tháng 9/1980, IAF đã hai lần diễn tập tấn công ở Negev, nơi họ xây dựng mô hình lò phản ứng hạt nhân. Sau khi kết thúc diễn tập, 4 thời điểm tấn công được đưa ra nhưng đều bị hủy bỏ vì Israel lo ngại các chuyên gia Pháp vẫn còn ở lại nhà máy.

Cuối cùng, vào ngày 7/6/1981, chiến dịch Opera được tiến hành. 8 tiêm kích F-16 thuộc Phi đội số 110 và 117 cất cánh từ Etzion, căn cứ lý tưởng nhất để phát động tấn công. Hộ tống chúng là 6 tiêm kích F-15, trong khi một máy bay E-2C Hawkeye làm nhiệm vụ kiểm soát và cảnh báo sớm đường không. Một số trực thăng CH-53 được triển khai gần biên giới Iraq để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, hai tiêm kích F-16 khác đóng vai trò là lực lượng dự bị. 

Biên đội F-16 được trang bị hai bom Mk. 84 có trọng lượng 907 kg mỗi quả, hai tên lửa AIM-9J Sidewinder, hai thùng nhiên liệu 1.400 lít và một thùng 1.335 lít để di chuyển đường dài. Hành trình đến Iraq không chỉ bị đe dọa bởi radar phòng không mà còn có các sân bay quân sự của Arab Saudi và Iraq, buộc biên đội tiêm kích phải bay ở độ cao 45-90 m.

Đường bay đi (đỏ) và về (xanh) của biên đội tiêm kích Israel. Ảnh: Wikipedia.

Chiều 7/6, lợi dụng thời điểm chạng vạng tối, tiêm kích F-16 Israel cơ động tiếp cận mục tiêu. Khi cách nhà máy hạt nhân khoảng 20 km, các máy bay bật chế độ tăng lực, leo lên độ cao 2,4 km, bổ nhào với vận tốc hơn 1.100km/h, sau đó thả bom ở độ cao hơn 1 km.

Dù biên đội tiêm kích Israel bay sát mặt đất, không một ai nhận ra cho đến khi họ tới Iraq. Vào ngày diễn ra vụ tấn công, Vua Hussein của Jordan đang thăm Iraq đã nhìn thấy các máy bay phản lực tầm thấp và nhanh chóng đưa ra cảnh báo cho quân đội Iraq, nhưng thông báo đến được các đơn vị trực chiến quá muộn.

Biên đội F-16 thực hiện hai đợt tấn công, mỗi đợt gồm 4 tiêm kích đồng loạt ném bom để bảo đảm xóa sổ lò phản ứng và các công trình lân cận. Một vài quả bom sử dụng ngòi nổ chậm với thời gian rất dài để ngăn nỗ lực sửa chữa hay xây dựng lại lò phản ứng.

Các tiêm kích Israel chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt của một pháo phòng không và một số tên lửa đất đối không, tất cả đều bắn trượt. Trên đường trở về căn cứ, một số tiêm kích F-16 bay lên độ cao 12 km để tiết kiệm nhiên liệu và tránh Jordan, một trong các nước thù địch. Tất cả máy bay trong biên đội hạ cánh xuống Etzion sau ba giờ làm nhiệm vụ, không có chiếc nào bị hư hại.

Chính phủ Israel ra tuyên bố giải thích vụ tấn công là do lò phản ứng của Iraq đủ khả năng sản xuất urani làm giàu hoặc plutoni để chế tạo bom nguyên tử. Do đó, họ phải hành động vì tin rằng lò phản ứng trên sẽ hoàn thiện trong thời gian ngắn, ước tính là đầu tháng 7 hoặc tháng 9/1981.

Chiến dịch Opera chỉ mất 80 giây để loại bỏ tham vọng hạt nhân của Tổng thống Saddam Hussein, cùng nỗ lực được các chuyên gia Iraq dày công thực hiện trong vòng 6 năm. Việc phá hủy lò phản ứng Osirak được coi là một trong những vụ tấn công phủ đầu thành công nhất trong lịch sử hiện đại.

Sự kiện cũng đánh dấu một cột mốc khiến chính quyền Saddam sụp đổ sau cuộc xâm lược của Mỹ và đồng minh năm 2003. "Lịch sử Trung Đông đã thay đổi trong khi Israel không mất một chiếc máy bay nào", David Blair, cây bút của Telegraph, nhấn mạnh.

Quá trình tiếp cận và ném bom của tiêm kích Israel

Xem thêm: Một chuyến xuất kích của chiến đấu cơ Su-30SM Nga

Duy Sơn

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây