An ninh Trung Quốc to tiếng với thành viên phái đoàn tháp tùng Tổng thống Obama
Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hàng Châu, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Phát biểu với báo giới trước thềm lễ khai mạc Hội nghị G20 chiều ngày 4/9, ông Obama nói rằng mọi người không nên thổi phồng những tranh cãi giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc khi chiếc máy bay Không lực Một hạ cánh đưa ông tới sân bay Hàng Châu hôm 3/9.
“Nói một cách công bằng, khi các phái đoàn đến Mỹ, đôi khi có những thủ tục an ninh và nghi thức ngoại giao của chúng tôi khiến họ không hài lòng, song không phải lúc nào báo chí cũng đưa tin về vấn đề này”, ông Obama cho biết.
Ông Obama cho biết đây không phải là lần đầu tiên những việc như vậy xảy ra. Những sự cố tương tự đã từng xảy ra khi phái đoàn Mỹ tới thăm các nước đồng minh thân cận.
“Một phần vì phái đoàn của chúng tôi đông hơn các nước khác và chúng tôi đề nghị được hạ cánh ngay. Chúng tôi có nhiều máy bay, trực thăng, xe ô tô và đoàn tùy tùng. Và với tư cách là nước chủ nhà, đôi khi bạn có thể cảm thấy như vậy là quá nhiều”, ông Obama nói.
Ông Obama nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện nay là báo chí có quyền tiếp cận và thông tin về những việc các nhà lãnh đạo đang và sẽ làm tại Hội nghị G20 lần này.
Mặc dù ông Obama cho biết mình không quan trọng hóa vấn đề này này, song ông cũng bảo vệ các chuẩn mực truyền thông tại Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Ông khẳng định Mỹ sẽ không xin lỗi về việc đưa các phóng viên tiếp cận hoạt động của phái đoàn Mỹ tại Hàng Châu.
Tranh cãi xảy ra khi Trung Quốc không cung cấp cầu thang lớn trải thảm đỏ khi ông Obama bước xuống từ Không lực Một, khiến ông phải xuống máy bay bằng một cầu thang ở phía sau. Tổng thống Mỹ là nhà lãnh đạo duy nhất không được tiếp đón bằng thảm đỏ khi tới Trung Quốc tham dự G20.
Lý giải về điều này, một quan chức ngoại giao Trung Quốc giấu tên cho biết chính phía Mỹ đã từ chối đề nghị đón tiếp Tổng thống bằng thảm đỏ.
“Trung Quốc cung cấp thang cuốn lớn cho tất cả nguyên thủ quốc gia tới thăm nhưng phía Mỹ phàn nàn rằng người tài xế điều khiển thang không biết nói tiếng Anh và không hiểu được các hướng dẫn an ninh của Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc đề nghị sắp xếp một phiên dịch viên ngồi bên cạnh tài xế nhưng phía Mỹ từ chối và khẳng định họ không cần cầu thang mà sân bay cung cấp”, người này cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao lại cho rằng Trung Quốc cố ý gây ra sự số ngoại giao này. Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, ông Jorge Guajardo, cho hay Trung Quốc là “chuyên gia của các nghi thức” và nước này đã tổ chức rất nhiều sự kiện lớn mà không để xảy ra những việc như vậy.
“Trung Quốc biết cách phải đón tiếp các nhà lãnh đạo tại sân bay như thế nào cho đúng. Họ sẽ không làm sai trừ khi họ muốn như vậy, giống như ngày hôm nay”, ông Guajardo cho biết.
Cũng theo ôngGuajardo, sự cố này là một “thông điệp mà chính phủ Trung Quốc gửi tới người dân rằng họ có thể phớt lờ Tổng thống Mỹ”.
Nhật Minh
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn