Vụ cháy tháp chung cư Grenfell ở thủ đô London hôm qua khiến ít nhất 12 người chết không chỉ là nỗi kinh hoàng đối với các nạn nhân, mà còn là tiếng chuông cảnh báo cho việc quản lý và vận hành các tòa chung cư nhà ở xã hội tại nước Anh, theo Atlantic.
Các nhà quan sát cho rằng đây là một thảm kịch đã được báo trước. Từ năm 2013, Nhóm Hành động Grenfell đại diện cho khoảng 120 hộ dân sống trong tòa nhà, đã đăng một loạt bài viết trên mạng xã hội thể hiện nỗi bất bình đối với Tổ chức Quản lý nhà cho thuê Kensington và Chelsea (KCTMO), công ty tư nhân thay mặt chính quyền khu hoàng gia Kensington và Chelsea vận hành tháp Grenfell.
Trong một bài viết "KCTMO đang đùa với lửa" đăng tháng 11/2016, nhóm này tuyên bố "chỉ có một thảm họa mới phơi bày sự yếu kém và thiển cận của đơn vị quản lý nhà", đồng thời phản ánh về hệ thống phòng cháy chữa cháy kém hiệu quả của tòa nhà.
Lời cảnh báo này đã thành sự thật, khi ngọn lửa bùng lên vào rạng sáng ngày 14/6, lan rất nhanh qua lớp ốp cách nhiệt phủ bên ngoài và bao trùm toàn bộ tòa nhà. Nhiều cư dân sống tại các tầng cho biết họ không hề nghe thấy tiếng chuông cứu hỏa, hệ thống chữa cháy tự động cũng không hoạt động.
Khi ngọn lửa được dập tắt nhiều giờ sau đó, mọi sự chú ý bắt đầu hướng về chính quyền khu tự quản Kensington và Chelsea, cơ quan nhà nước sở hữu tòa nhà. Giáo sư Heather Brooke tại Đại học Thành phố London, cho biết tháp Grenfell là một trong những khu nhà ở xã hội hiếm hoi tại Kensington và Chelsea, nơi giàu có bậc nhất ở thủ đô Anh. Tháp tọa lạc tại khu Bắc Kensington, nơi tập trung chủ yếu người nghèo và thu nhập thấp.
Tòa tháp 24 tầng này được xây dựng vào thập niên 1970 theo dự án tái định cư Lancaster West, thuộc chương trình nhà ở xã hội của Anh. Cư dân ban đầu của tòa chung cư là những người đáp ứng các tiêu chí về đối tượng được thuê nhà ở xã hội, trong khi chính quyền khu Kensington và Chelsea sở hữu tòa nhà.
Chính quyền khu Kensington và Chelsea năm ngoái giao cho KCTMO, một công ty tư nhân hoạt động vì lợi nhuận, cải tạo và bảo trì tòa nhà, nhằm tăng số căn hộ để phục vụ mục đích bán hoặc cho thuê.
Kết quả là tháp Grenfell sau khi cải tạo chỉ còn một cầu thang bộ kiêm lối thoát hiểm duy nhất, trong khi nhiều căn hộ mới và một trường mẫu giáo được xây thêm. Những lo ngại về an toàn của cư dân nhanh chóng bị chìm xuồng.
Tháp chung cư Grenfell trước (trái) và sau khi cải tạo. Ảnh: Guardian. |
Theo NYTimes, xu hướng chia quyền quản lý chung cư nhà ở xã hội giữa cơ quan nhà nước và công ty tư nhân được bắt đầu từ thời Thủ tướng Tony Blair và ngày càng trở nên phổ biến ở nước Anh. Ở thủ đô London, đây được coi là xu hướng tất yếu nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng trong khi dân số tăng nhanh.
Về lý thuyết, KCTMO sau khi ký hợp đồng với chính quyền sẽ phải phục vụ lợi ích của cư dân trong tòa nhà mà họ vận hành. Tuy nhiên, chỉ có một thành viên trong ban quản lý 8 người của tòa nhà là cư dân, 7 người còn lại là đại diện của KCTMO và chính quyền. Giáo sư Brooke cho biết chính quyền khu vực có quan hệ gần gũi với KCTMO, trong khi những khiếu nại của cư dân thường bị phớt lờ.
Sau khi Nhóm Hành động Grenfell đăng các bài viết chỉ trích KCTMO lên mạng xã hội, luật sư của chính quyền đã gửi thư yêu cầu họ gỡ bỏ bài viết. Một số cư dân còn nói rằng họ bị nhà thầu đe dọa khi nêu ra quan ngại của mình, theo BBC.
Đánh đổi an toàn vì lợi nhuận
Việc để các công ty tư nhân tham gia vào quá trình quản lý chung cư nhà ở xã hội như Grenfell đã làm dấy lên những lo ngại về việc các tiêu chuẩn an toàn bị đánh đổi bằng lợi nhuận và quyền lợi của cư dân.
Một báo cáo do Hiệp hội Cứu hỏa và Viện Nhà ở Anh công bố năm 2011 cho thấy 3/4 khu nhà ở xã hội ở Anh bị coi là không an toàn trước nguy cơ hỏa hoạn. Tình hình này càng nghiêm trọng hơn khi nhiều nhà ở xã hội vốn thuộc sở hữu của nhà nước được chuyển nhượng cho khu vực tư nhân theo chương trình Right to Buy.
Chương trình này cho phép người thuê nhà ở xã hội dài hạn được mua căn hộ với giá ưu đãi, nhiều người sau đó bán lại nhà theo giá thị trường. Hậu quả là phần lớn khu nhà ở xã hội ở Anh rơi vào tình cảnh sở hữu nửa tư nhân, nửa nhà nước.
Chính quyền các khu vực nội đô gần đây rất háo hức với các dự án xây mới, cải tạo khu nhà ở xã hội, vốn được coi là nguồn thu quan trọng để bù đắp cho ngân sách địa phương. Những dự án cải tạo này có thể cung cấp thêm nhiều căn hộ có giá rẻ hơn mức bình quân thị trường mà vẫn đem lại lợi nhuận cho họ.
Trong quá trình cải tạo, công ty quản lý thường tìm cách đẩy những người thuê nhà theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội ra ngoài, bằng cách đưa cho họ một khoản "phí dọn nhà". Nhiều người nhận khoản tiền này mà không hề biết rằng nó kèm theo điều khoản khiến họ không thể quay lại. Những căn hộ đó sẽ được hoán đổi thành nhà để bán cho các khách hàng tư nhân tiềm năng.
Trong trường hợp tháp Grenfell, KCTMO được cho là đã tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tận dụng mọi không gian trống để xây thêm căn hộ. Điều này có thể ảnh hưởng đến an toàn của tòa nhà, khi các cấu trúc phòng cháy chữa cháy, ngăn lửa lan theo các tầng ban đầu bị phá vỡ.
Bên trong một căn hộ được rao cho thuê tại tháp Grenfell. Ảnh: ES |
Lớp ốp bên ngoài cũng được cho là cách KCTMO "làm đẹp" cho tòa nhà nhằm thu hút người thuê mua tư nhân, dù nó ẩn chứa nguy cơ hỏa hoạn rất lớn bởi loại vật liệu dễ cháy trong lõi của tấm ốp. Theo cây bút Feargus O’Sullivan của Atlantic, nếu tháp Grenfell không bị cải tạo để xây thêm căn hộ và ốp lại mặt ngoài để trông mới hơn, vụ cháy nghiêm trọng như vậy có thể đã không xảy ra.
"An toàn cháy nổ ở các tòa chung cư nhà ở xã hội tại London giống như thùng thuốc súng âm ỉ nhiều năm qua, khi đã có nhiều lời cảnh báo về một thảm họa sẽ xảy ra không sớm thì muộn. Lời cảnh báo không được lắng nghe và thảm họa đã đến theo cách tồi tệ nhất", O’Sullivan nhấn mạnh.
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn