Ông Robert E. Anderson Jr. (giữa), cựu quan chức cấp cao FBI phụ trách giám sát các cuộc điều tra máy tính. Ảnh: NYTimes |
Khi một tin tặc Nga mang tên Dmitry Ukrainsky bị bắt mùa hè năm ngoái tại một khu nghỉ dưỡng ở Thái Lan, giới chức Mỹ hy vọng có thể dẫn giải người này về New York để xét xử. Nhưng chính quyền Nga đã nhanh chóng thuyết phục Thái Lan không cho phép dẫn độ Ukrainsky, nhấn mạnh anh ta cần bị truy tố tại quê nhà. Các quan chức Mỹ cho rằng nếu trở về Nga, Ukrainsky nhiều khả năng chỉ phải nhận những hình phạt rất nhẹ nhàng và sẽ sớm trở lại công việc, theo New York Times.
"Nhà chức trách Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện hành động không thể chấp nhận được là 'săn lùng' người Nga trên khắp thế giới, bỏ qua các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế", Ngoại trưởng Nga lúc bấy giờ nói.
Vụ việc trên đến giờ vẫn trong tình trạng lấp lửng và những tranh cãi về Ukrainsky là bằng chứng rõ nét cho thấy khó khăn chồng chất mà Mỹ phải đối mặt trong cuộc chiến với các tin tặc Nga, bao gồm cả những kẻ bị cáo buộc tấn công mạng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) vào thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chuyên gia nhận định.
Lựa chọn ít ỏi
Mỹ hiện không có nhiều lựa chọn để phản ứng lại các cuộc tấn công như vậy. Các quan chức Mỹ thỉnh thoảng phối hợp với lực lượng cảnh sát địa phương bắt giữ các nghi phạm khi họ rời Nga, chẳng hạn như tới Maldives để du lịch. Song hầu hết mọi trường hợp, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ chỉ xem xét, đưa ra lời buộc tội và bằng chứng chống lại những người gần như chắc chắn không bao giờ bị xét xử.
"Bạn có thể kết tội 400 người nhưng họ không quan tâm", ông Robert E. Anderson Jr., cựu quan chức cấp cao FBI phụ trách giám sát các cuộc điều tra máy tính, cho hay.
Mỹ hiện chia các mối đe dọa trên không gian mạng thành hai khu vực: những cuộc tấn công do chính phủ bảo trợ hoặc chỉ thị và do tội phạm thực hiện. Nhưng theo các chuyên gia Mỹ, cách phân chia nói trên khó áp dụng với Nga bởi Moscow thường bí mật hỗ trợ các tin tặc và thỉnh thoảng thuê họ như những nhân viên làm việc tự do, thời vụ. Điều này gây trở ngại lớn cho công tác điều tra.
Ví dụ vào tháng 5/2009, Mật vụ Mỹ có cuộc gặp các đối tác thuộc Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) tại Moscow. Người Mỹ cho biết họ đang điều tra một tên tin tặc đã cài mã độc vào phần mềm mà một số doanh nghiệp Mỹ dùng để xử lý những giao dịch thẻ tín dụng. Nghi phạm đã ăn cắp hàng triệu mã thẻ tín dụng rồi bán lại trên một thị trường giao dịch ảo ngầm.
Mật vụ Mỹ cung cấp tên kẻ tình nghi là Roman Seleznev cũng như bí danh hắn sử dụng trên mạng. Mật vụ Mỹ đã theo dấu vết Seleznev lần tới Vladivostok và yêu cầu đối tác Nga trợ giúp.
Trong vài tuần, tất cả những bằng chứng về danh tính trên mạng của Seleznev biến mất hoàn toàn khỏi Internet. Thay vì thúc đẩy điều tra, phía Mỹ cho rằng nhà chức trách Nga đã làm chậm tiến độ.
Các công tố viên ghi lại một kết luận ngắn gọn trong các văn bản, tài liệu xét xử tại tòa như sau: "Phối hợp hơn nữa với chính phủ Nga sẽ gây ảnh hưởng tới nỗ lực khởi tố vụ án". Mỹ sau đó phải một mình theo đuổi cuộc điều tra Seleznev.
Trong một vụ án liên quan đến tội phạm máy tính khác, vào năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ đóng cửa hai mạng lưới máy tính toàn cầu được dùng cho mục đích ăn trộm hàng triệu USD. Chiến dịch mang mật danh Tovar có sự tham gia của hàng loạt cơ quan tình báo trên toàn cầu. Mục tiêu là người đàn ông 30 tuổi tên Evgeniy M. Bogachev, trú ẩn an toàn tại Nga. FBI treo thưởng ba triệu USD cho bất kỳ thông tin nào dẫn tới việc bắt giữ y.
Đối với vụ tấn công mạng DNC cũng như những cuộc tấn công khác xảy ra trong thời gian bầu cử, phía Mỹ đã xác nhận Nga đứng sau các vụ việc. Nhưng ngay cả như vậy, việc tìm ra chính xác tên tuổi kẻ xâm nhập thực sự cũng lắm chông gai, cây bút Adam Goldman và Matt Apuzzo từ NYTimes đánh giá. Một quan chức thực thi pháp luật ở Washington mới đây cho hay các nhà điều tra vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Nếu thành công, tiến trình xác định danh tính và truy tố những tên tin tặc sẽ tương tự một vụ việc vào năm 2014 khi Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội 5 thành viên trực thuộc quân đội Trung Quốc về hành vi tấn công mạng máy tính Mỹ. Cáo trạng liên kết 5 đối tượng tới các địa chỉ email và danh xưng cụ thể trên mạng song không tiết lộ nhà chức trách tìm ra mối liên hệ như thế nào.
"Cơ hội bắt được 5 người Trung Quốc này là vô cùng nhỏ bé", ông Anderson cho hay. "Nhưng nó sẽ cho họ thấy có một sự thay đổi đáng kể đang diễn ra. Ít nhất là về cách chúng ta nhìn nhận chính sách".
"Nó cũng hạn chế khả năng đi lại tự do của họ và ngăn họ sử dụng lợi nhuận bất hợp pháp", Leo Taddeo, trưởng ban an ninh tại công ty Cryptzone, cựu đặc vụ hàng đầu trực thuộc ban điều tra hoạt động máy tính FBI New York, nhận xét. "Bạn đang nhốt họ vào một nhà tù trải dài trên các múi giờ", ông nhấn mạnh.
Đối với vụ việc liên quan đến Seleznev. Sau khi tìm ra hóa đơn đặt mua hoa của Seleznev cũng như liên kết các đầu mối, nhà chức trách Mỹ lên kế hoạch bí mật bắt giữ y trong lúc Seleznev đi nghỉ ở Maldives. Các đặc vụ bắt Seleznev ngay tại sân bay vào năm 2014 rồi nhanh chóng đưa y lên máy bay tới Guam.
Sau phiên xét xử ở Seattle, hồi tháng 8, Seleznev bị kết án 38 tội danh liên quan đến tấn công mạng mà công tố viên cho biết gây thiệt hại tới hơn 169 triệu USD.
Tuy nhiên, chính phủ Nga tuyên bố vụ bắt giữ Seleznev là hành động "bắt cóc" bất hợp pháp. Moscow cũng phủ nhận mối liên quan tới cuộc tấn công mạng nhằm vào DNC, đồng thời chỉ trích Mỹ vì nỗ lực bắt giữ các công dân Nga ở nước ngoài.
Vũ HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn