Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/3 dành cho tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lễ đón tiếp rất trọng thị, khi ông Tillerson đến Bắc Kinh với mục tiêu kiến thiết mối quan hệ mang tính xây dựng, "hướng tới kết quả" với giới lãnh đạo Trung Quốc, theo Washington Post.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Ngoại trưởng Tillerson đã đi quá xa trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên sau khi nhậm chức, trao cho Bắc Kinh thứ mà truyền thông Trung Quốc gọi là một "thắng lợi ngoại giao".
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ bảy, ông Tillerson đã nhắc đến những khẩu hiệu mà Trung Quốc thường dùng để mô tả về quan hệ song phương, chẳng hạn như tránh xung đột và đối đầu, sự cần thiết phải tôn trọng lẫn nhau và phấn đấu vì hợp tác đôi bên cùng có lợi.
"Ngài đã nỗ lực rất nhiều để giúp quan hệ chúng ta chuyển tiếp suôn sẻ trong thời kỳ mới", Chủ tịch Tập nói với ông Tillerson tại Đại lễ đường Nhân dân. "Tôi rất cảm kích tuyên bố của ngài rằng quan hệ Trung – Mỹ chỉ có thể được định hình bằng hợp tác và hữu nghị".
Theo bình luận viên Simon Denyer, cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" là mấu chốt trong chuyến thăm này của ông Tillerson. Trong suy nghĩ của Bắc Kinh, điều đó đồng nghĩa với việc các bên cần phải tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của nhau.
Nói cách khác, Mỹ cần phải tránh xa những vấn đề mà Trung Quốc coi là "lợi ích cốt lõi", chẳng hạn như tranh chấp trên Biển Đông, vấn đề Đài Loan hay Hong Kong, cũng như tất cả những điều mà Bắc Kinh coi là liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia sống còn.
Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại Trung Quốc đã ca ngợi phát ngôn của ông Tillerson sau cuộc gặp là "rất tích cực", phù hợp với khái niệm "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" mà Bắc Kinh đề xướng gần đây nhằm đưa Trung Quốc lên vị thế ngang hàng với Mỹ.
Jin Canrong, học giả về quan hệ Trung – Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, tỏ ra ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đưa ra những lời lẽ đó. "Trung Quốc từ lâu đã cổ vũ cho mô hình này, nhưng Mỹ vẫn luôn do dự khi nhắc tới quan điểm tôn trọng lẫn nhau", Jin nói. "Tuyên bố của Tillerson rõ ràng sẽ rất được Trung Quốc chào đón nồng nhiệt".
Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng Mỹ nên sử dụng ngôn từ của riêng mình để mô tả quan hệ song phương chứ không phải sử dụng từ ngữ của Trung Quốc.
Quan trọng hơn, việc ông Tillerson sử dụng cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" thể hiện sự chấp nhận "trích dẫn những vấn đề mà Trung Quốc coi là không thể thỏa hiệp", bà Glaser nói. "Với việc chấp nhận điều này, Mỹ trên thực tế đang nói rằng họ thừa nhận Trung Quốc không bao giờ chịu nhượng bộ với những vấn đề đó".
Bà Glaser coi đây là một sai lầm của Mỹ, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ sự chấp nhận những điều mà Mỹ coi là "lợi ích cốt lõi", chẳng hạn như các quan hệ đồng minh ở châu Á.
Giữ thể diện
Ngoại trưởng Tillerson gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị
Khi Tillerson chuẩn bị lên đường tới Bắc Kinh, Tổng thống Trump lại đăng những dòng chỉ trích Trung Quốc trên Twitter vì đã không góp phần kìm hãm chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong các cuộc họp kín, Ngoại trưởng Tillerson có thể đã gây sức ép lớn với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, theo bình luận viên Denyer. Nhưng trong các cuộc họp báo công khai, giọng điệu của ông trở nên kiềm chế hơn rất nhiều, như một cách để giữ thể diện cho Trung Quốc và khiến nước này phải hợp tác với Mỹ.
Giới phân tích cho rằng Tillerson nhiều khả năng đã được Trung Quốc đảm bảo một số vấn đề, chẳng hạn như chương trình hạt nhân Triều Tiên hay thương mại song phương, khiến ông phải có một số động thái "đáp lễ". Cũng có thể cựu chủ tịch ExxonMobil này chỉ đơn giản là không quan tâm đến các lời lẽ ngoại giao mà chỉ chú trọng vào kết quả công việc.
"Lời lẽ của Tillerson rõ ràng là một nỗ lực để giữ thể diện cho ông Tập trước công chúng, nhưng tôi hy vọng cuộc đối thoại trong phòng kín sẽ thẳng thắn hơn", Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản, cho biết.
Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, tân Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện mức độ nhún nhường trước Trung Quốc theo cách mà chính quyền cựu tổng thống Obama luôn né tránh một cách khôn ngoan.
Ely Ratner, người từng là phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu phó tổng thống Joe Biden, đã gọi đây là một "sai lầm lớn và là cơ hội bị bỏ lỡ" của ông Tillerson vì đã lặp lại giọng điệu của chính phủ Trung Quốc.
"Việc Tillerson sử dụng những cụm từ này chỉ càng khuyến khích Trung Quốc quyết liệt hơn trong các vấn đề khu vực, làm gia tăng nghi ngờ về tương lai cam kết cũng như vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á", Ratner nhận định.
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn