Bên cạnh đó, Ahrar al-Sham - nhóm phiến quân có tầm ảnh hưởng lớn tại Syria - đã tuyên bố bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn trên.
Chỉ vài giờ sau khi Mỹ và Nga công bố một kế hoạch ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ 0h ngày 12-9 (giờ địa phương), đúng ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha (hay còn gọi là Lễ Hiến sinh) của người Hồi giáo và sẽ kéo dài 48 giờ, các cuộc không kích đã xảy ra tại thành phố Idlib do phe nổi dậy kiểm soát khiến ít nhất 58 người thiệt mạng.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, các máy bay chiến đấu đã tấn công một khu chợ ở thành phố Idlib thuộc tỉnh cùng tên ở Tây Bắc Syria. Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, khu chợ có đông người mua sắm chuẩn bị cho lễ hội Eid al-Adha của người Hồi giáo diễn ra vào hôm 12-9. Hầu hết nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, bên cạnh tuyên bố bác bỏ thỏa thuận lệnh ngừng bắn do Nga – Mỹ làm trung gian, nhóm phiến quân Ahrar al-Sham còn kêu gọi lực lượng nổi dậy trên toàn Syria đứng lên chống lại thỏa thuận ngừng bắn này.
Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng Youtube vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn trên bắt đầu có hiệu lực, Ali al-Omar, thủ lĩnh số 2 của Ahrar al-Sham, cho rằng, thỏa thuận này “chỉ nhằm củng cố chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad”.
Ali al-Omar nói: “Chúng tôi đã nghe nói về một Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ để giải quyết vấn đề tại Syria. Một quốc gia đã phải chịu đựng 6 năm xung đột, chết chóc thì không thể chấp nhận một giải pháp chính trị nửa vời. Thỏa thuận này chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, không có bất kỳ ảnh hưởng về mặt chính trị nào”.
Ahrar al-Sham cũng bác bỏ nội dung trong thỏa thuận, theo đó Washington giả định thuyết phục được các tay súng đối lập chính cắt đứt liên hệ với Fateh al-Sham (tên cũ là "Mặt trận al-Nusra"). Nhóm Fateh al-Sham cũng bác bỏ thỏa thuận này.
Hiện trường một vụ không kích tại thành phố Idlib hôm 10-9. Ảnh: CNN
Ngoài ra, một số lãnh đạo phe đối lập tại Syria cho biết họ chưa nhận được chi tiết thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 12-9 cũng như khu vực nào sẽ đình chiến.
Trước đó, lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự (FSA) cho biết sẽ “hợp tác tích cực” với thỏa thuận ngừng bắn trên, song bày tỏ lo ngại thỏa thuận này sẽ có lợi cho chính phủ vì thiếu cơ chế thực thi cũng như các điều khoản áp dụng cho các khu vực bị bao vây.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Nga và Mỹ làm trung gian đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước.
Trong một tuyên bố ngày 11-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Bahram Ghasemi nói rằng, Tehran hoan nghênh bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào tại Syria, qua đó tạo điều kiện để các hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể tiếp cận người dân ở những vùng khó khăn của Syria.
Ông Ghasemi nêu rõ Iran kêu gọi tất cả các bên tuân thủ một thỏa thuận ngừng bắn bền vững và thúc đẩy một hệ thống giám sát toàn diện nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố lợi dụng để vận chuyển vũ khí và lực lượng.
Theo quan chức Bộ Ngoại giao Iran, tính liên tục và lâu dài của thỏa thuận ngừng bắn phụ thuộc vào cơ chế giám sát toàn diện, đặc biệt là việc kiểm soát những khu vực biên giới để ngăn chặn hoạt động của các nhóm khủng bố, nhất là hoạt động vận chuyển vũ khí và tài chính.
Cùng Iran, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận Nga-Mỹ về một lệnh ngừng bắn ở Syria. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ việc ngừng giao tranh và cho phép viện trợ nhân đạo trong dịp lễ Hồi giáo Eid al-Adha, bắt đầu từ ngày 12-9 tới, là cần thiết.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev nhận định rằng, có thể coi thỏa thuận ngừng bắn mới tại Syria là cơ hội lớn nhất từ trước tới nay, cho phép các bên xung đột tại Syria có thể ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết xung đột và vãn hồi hòa bình bằng con đường ngoại giao.
Chủ tịch Kosachev cũng đồng thời cảnh báo thỏa thuận này có được tuân thủ hay không và văn kiện vừa được ký kết tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa Nga và Mỹ có thể trở thành tài liệu mang ý nghĩa lịch sử hay không còn phụ thuộc vào thái độ của chính quyền Syria và các phe phái đối lập có vũ trang ở quốc gia Trung Đông này.
Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào thái độ của một bên thứ ba - đó là các tổ chức khủng bố đang chi phối tình hình Syria. Vị thượng nghị sĩ Nga cho rằng “từ nay, chúng ta không cần đàm phán với những kẻ khủng bố và điều này là hết sức quan trọng”.
Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế Thượng viện Nga khẳng định: “Con đường tốt nhất đó chính là đàm phán ngoại giao. Ngoại giao cần phải chặn đứng chiến tranh. Thời khắc ngày 10-9 tại Geneva cần đi vào lịch sử Syria như một thời điểm chấm dứt tiếng súng, chấm dứt chiến tranh. Giống như người ta sẽ còn hy vọng các thỏa thuận Minsk sẽ đem lại hòa bình cho Ukraine”.
Cùng quan điểm, ông Mazen Bilah, nhà phân tích chính trị của Syria nhận định: “Có vấn đề lớn đối với việc các bên thực hiện lệnh ngừng bắn tại Syria bởi một số nhóm phiến quân đối lập vẫn từ chối tham gia vào lệnh ngừng bắn này. Chính vì thế tôi nghĩ rằng, tại một số khu vực, xung đột vẫn tiếp diễn, và người dân không thể được hưởng một lệnh ngừng bắn đúng nghĩa”.
Theo các nhà phân tích chính trị, ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực thì với tình trạng bạo lực tràn lan như hiện nay, tình hình tại Syria vẫn rất khó kiểm soát. Chính vì thế mà những nỗ lực của Nga, Mỹ và quốc tế trong việc kiến tạo ra một lệnh ngừng bắn chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được.
Theo Khổng Hà (tổng hợp)
Công an nhân dân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn