Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc ngày họp thứ nhất tại thủ đô Brussels của Bỉ hôm 21/10 trong chia rẽ và bất đồng xung quanh giải pháp trừng phạt Nga.
Mặc dù đều lên án hành động quân sự của Nga tại Syria, song lãnh đạo các nước thành viên EU vẫn không thể đưa ra được một tuyên bố chung nhằm gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk không ngừng chỉ trích Nga khi cho rằng, chiến lược của Nga đang làm suy yếu Liên minh châu Âu, đồng thời kêu gọi thống nhất quan điểm trong khối.
Ông Tusk nói: “Rõ ràng là chiến lược của Nga đang làm suy yếu EU. Gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga không phải là mục tiêu của chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản là đang phản ứng trước các bước đi của Nga. EU sẵn sàng cam kết đối thoại song chúng ta không bao giờ thỏa hiệp các giá trị và nguyên tắc chung. Đó là lý do tại sao chúng ta phải duy trì lập trường và sự thống nhất”.
Song, bất chấp tuyên bố được cho là định hướng quan điểm, các nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn không thể thống nhất về việc có trừng phạt Nga nữa hay không.
Trong đó, Italy và Slovakia, hai nước Chủ tịch luân phiên tháng này của EU đều bày tỏ miễn cưỡng ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga.
Anh, Pháp, Đức muốn có sức ép tối đa để Nga ngừng tấn công vào phiến quân ở đông Aleppo. Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Matteo Renzi nói rằng lệnh trừng phạt kinh tế không nên là một phần trong chiến lược đó, bởi chúng không thể buộc Nga đàm phán giải pháp hòa bình.
Phát biểu sau hội nghị, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho biết, Italy đã yêu cầu không đề cập đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga trong tuyên bố chung sau ngày họp đầu tiên.
Ông Renzi nêu rõ, Italy nhất trí phê chuẩn văn kiện kêu gọi các bên nhanh chóng đưa ra một thỏa thuận nhằm tiến tới tiến trình ngừng bắn thật sự và tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria. Tuy nhiên, Italy cho rằng không có lý do gì phải tham chiếu vấn đề trừng phạt Nga trong tuyên bố chung.
Đức và Pháp dù ủng hộ trừng phạt Nga song cũng nói rằng, các giải pháp trừng phạt Nga vẫn đang trong quá trình được thảo luận.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh: “Liệu Nga có tiếp tục các cuộc không kích hay không, chúng tôi cũng chưa biết rõ. Chúng tôi vẫn chưa đưa ra được quyết định trừng phạt sau hội nghị. Phía Nga đã quyết định mở rộng lệnh ngừng bắn tại Syria. Do đó chúng tôi vẫn đang cân nhắc các lựa chọn”.
Trong lúc đó một hạm đội tàu chiến Nga chở máy bay ném bom đã lên đường dọc theo bờ biển phía tây Châu Âu tới Syria. NATO cho rằng hoạt động này có thể nhằm tăng cường cuộc tấn công vào Aleppo và Tổng thư ký NATO đã bày tỏ lo ngại về điều đó.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng việc trừng phạt vẫn còn để ngỏ. "Nếu Nga tăng cường ném bom như chúng ta đã thấy những ngày gần đây, lúc đó sẽ có lý do để chúng ta nghĩ sẽ làm gì tiếp theo".
Tuyên bố này của các nhà lãnh đạo EU càng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa 28 nước thành viên châu Âu trong việc trừng phạt Nga. Một trong những lý do cơ bản khiến EU chia rẽ trong nội khối về giải pháp trừng phạt Nga chính là vấn đề kinh tế.
Rào cản kinh tế áp chế các quyết định trừng phạt
Khó phủ nhận rằng, EU phụ thuộc rất nhiều vào Nga chứ không độc lập như Mỹ. Trong đó có lĩnh vực năng lượng, kinh tế. Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong khi chính EU cũng chịu nhiều tổn thất.
Chỉ tính riêng Hungary, do các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga và các biện pháp trả đũa của Nga đối với EU, hoạt động thương mại giữa Hungary với Nga đã giảm gần như một nửa trong năm 2015.
Trước đó, ba nước lớn nhất EU gồm Anh, Pháp và Đức muốn cảnh báo Nga rằng những cá nhân và tổ chức liên quan đến chiến dịch không kích của Nga tại Aleppo có thể đối mặt với việc bị đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào EU nếu chiến dịch này vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận kết thúc vào khoảng nửa đêm 20/10, nội dung này đã bị loại bỏ, thay vào đó là một tuyên bố: “EU đang cân nhắc tất cả các khả năng có thể nếu chiến dịch không kích của Nga ở Aleppo vẫn tiếp tục”.
Hồi tháng 7/2014, EU cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga liên quan cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Theo Đông Phong
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn