Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Ảnh: AFP |
Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej chiều 13/10 băng hà ở tuổi 88. Nhà vua có thời gian trị vì lâu nhất thế giới này (70 năm) được xem là có quyền uy mang lại sự ổn định tại đất nước đã chứng kiến nhiều vụ đảo chính quân sự, 19 hiến pháp và nhiều đời thủ tướng, theo BBC.
Mặc dù là quốc vương theo chế độ quân chủ lập hiến với quyền lực hạn chế, đa phần người dân Thái Lan hết mực tôn kính ông và coi ông tựa như một "vị thánh sống".
Về mặt chính thức, quốc vương Thái Lan không dính dáng đến chính trị nhưng ông Bhumibol đã nhiều lần can thiệp vào những lúc đất nước rơi vào tình trạng căng thẳng. Quốc vương Bhumibol có công lớn khi đưa ra những giải pháp phi bạo lực cho một số cuộc khủng hoảng chính trị.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng Quốc vương đã ủng hộ những cuộc đảo chính quân sự và đôi khi không lên tiếng chỉ trích những vụ lạm dụng nhân quyền.
Các dự án hoàng gia
Quốc vương Bhumibol Adulyadej kế vị vào ngày 9/6/1946, sau khi cố vương Ananda Mahidol - anh trai của ông, qua đời trong một tai nạn súng bắn tại Hoàng cung ở Bangkok.
Quốc vương Bhumibol sinh ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ, nơi thân phụ của ông đang theo học. Ông sau đó đi học ở Thụy Sĩ. Ông trở về Thái Lan tiếp quản ngai vàng khi ông Ananda Mahidol qua đời và chính thức làm lễ đăng quang vào tháng 5/1950.
Quyền lực của hoàng tộc Thái Lan suy giảm sau khi Thái Lan xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1932 và quyết định thoái vị của quốc vương Prajadhipok - chú của ông Bhumibol, vào năm 1935.
Thời trẻ, nhà vua có nhiều đam mê bao gồm nhiếp ảnh, chơi và sáng tác nhạc cho saxophone, vẽ tranh và viết lách. Thậm chí ông còn có bằng sáng chế cho việc phát triển kỹ thuật gây mưa nhân tạo.
Quốc vương biểu diễn chơi nhạc cụVào những năm trị vì đầu tiên, Quốc vương Bhumibol bị một loạt lãnh đạo quân đội lấn át. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các hoàng tử cũng như những tướng lĩnh quân đội có thiện cảm, ông đã tái gây dựng hình ảnh uy quyền của hoàng tộc. Ông không quản ngại đến thăm các vùng canh tác ở các tỉnh xa xôi. Ông cũng khuyến khích và giám sát nhiều dự án như nhà máy sữa thanh trùng, đập tưới ruộng lúa, nhà máy tái chế thân cây mía và lục bình thành nhiên liệu, và rất nhiều dự án hoàng gia khác về phát triển nông nghiệp.
Thái Lan dưới sự trị vì của ông chuyển mình từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành nền kinh tế công nghiệp và thương mại hiện đại với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Năm 2006, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã trao cho ông giải thưởng Thành tựu suốt đời về phát triển con người đầu tiên của Liên Hợp Quốc.
Can thiệp chính trường
Quốc vương Bhumibol lần đầu tiên can thiệp công khai để kiểm soát nền chính trị hỗn loạn ở Thái Lan vào năm 1973, khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bangkok bị binh sĩ bắn và được cho phép trú ẩn ở Hoàng cung, một động thái dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền tướng quân đội Thanom Kittikachorn, thủ tướng Thái Lan vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, ba năm sau, ông không ngăn chặn được cuộc đàn áp của lực lượng dân quân nhằm vào các sinh viên cánh tả.
Năm 1981, Quốc vương Bhumibol chống lại một nhóm sĩ quan quân đội tiến hành đảo chính nhằm lật đổ Thủ tướng Prem Tinsulanond - người bạn thân thiết của nhà vua. Cuộc đảo chính thất bại khi các đơn vị quân đội trung thành với Quốc vương kiểm soát được Bangkok.
Năm 1992, Quốc vương Bhumibol một lần nữa đứng ra can thiệp khi hàng chục người bị bắn trong cuộc biểu tình phản đối tướng Suchinda Kraprayoon - thủ lĩnh cuộc đảo chính vào tháng 2/1991, lên làm thủ tướng Thái Lan. Quốc vương Bhumibol đã triệu tập tướng Kraprayoon và thủ lĩnh cuộc biểu tình là tướng về hưu Chamlong Srimuang đến hội kiến. Đài truyền hình đã ghi lại hình ảnh cả hai ông này phủ phục trước Quốc vương Bhumibol để nghe những lời khiển trách. Sau đó, một nền dân chủ dựa trên bầu cử được phục hồi và một hiến pháp mới được ban hành.
Trong cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, Quốc vương Bhumibol thường xuyên được thỉnh cầu can thiệp nhưng ông nhất quyết cho rằng điều này không hợp lý. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông vẫn được coi là yếu tố then chốt dẫn đến việc các tòa án nhanh chóng hủy bỏ kết quả tổng tuyển cử vào tháng 4/2006 với phần thắng giành cho ông Thaksin Shinawatra. Không rõ Quốc vương có đóng vai trò gì trong cuộc đảo chính phế truất ông Shinawatra năm 2006 hay không, nhưng các cố vấn của nhà vua khẳng định rằng ông không được thông báo trước về cuộc đảo chính.
Theo BBC, trong những năm gần đây, các nhóm biểu tình ủng hộ hoàng gia liên tục dựa vào danh tiếng và hình ảnh Quốc vương Bhumibol nhằm lật đổ các chính phủ thân Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, Quốc vương Bhumibol vẫn giữ im lặng. Tháng 5/2014, Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự. Ba tháng sau đó, Quốc vương Bhumibol chính thức chấp nhận ông Prayuth Chan-ocha làm tân thủ tướng.
"Lịch sử Thái Lan đôi lúc chứng kiến những bất đồng", Quốc vương từng nói, "nhưng nhìn chung, sự thống nhất luôn thắng thế".
Hồng VânNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn