Cô bé Yunika 7 tuổi đang là Kumari ở Nepal. Ảnh: News |
Theo ABC News, Kumari có nghĩa là "cô gái chưa kết hôn" hoặc "trinh nữ" trong tiếng Nepal. Họ được coi là nữ thần sống, nhận sự thờ phụng và kính trọng của mọi người dân theo đạo Hindu và đạo Phật.
Lịch sử tuyển chọn Kumari đã tồn tại hàng trăm năm và có quy định khắt khe. Người được chọn phải là bé gái có độ tuổi từ 2 đến 4. Ngày sinh tháng đẻ của cô bé theo chiêm tinh học, sẽ phải hỗ trợ cho nhà vua Nepal.
Ngoài ra, ngoại hình của Kumari cũng có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, như "lông mi dày rậm như lông mi bò", "giọng nói thanh như tiếng vịt", "đùi như đùi nai". Các cô bé cũng phải vượt qua những bài kiểm tra bí mật về sự can đảm và khả năng giữ bình tĩnh.
Yunika không được phép chạm chân xuống đất trong suốt thời gian làm Kumari. Ảnh: News |
Những nữ thần trẻ em này phải sống cùng bố mẹ trong Ngôi nhà của Kumari ở thủ đô Kathmandu. Họ sẽ nghỉ việc để ở nhà, dành toàn thời gian chăm sóc Kumari và chỉ được phép rời khỏi nhà để tham dự các lễ tế. Trong lễ tế, Kumari sẽ được tô vẽ mặt, mặc trang phục nữ thần và ban phước lành cho người dân.
Nữ thần không được phép chạm chân xuống đất, kể cả ở trong nhà. Nữ thần sẽ ngồi trên kiệu, được bố mẹ bế hoặc cõng suốt thời gian làm Kumari.
Đối với Yunika, công việc này là một vinh dự, cũng là một tổn thất, vì em không thể có một tuổi thơ bình thường. Cô bé chỉ được phép chơi cùng bạn bè trong nhà, chứ không được phép chơi những trò ngoài trời.
"Khi con gái tôi được chọn làm Kumari, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc", Ramesh Bajracharya, bố của Yunika, nói. "Bởi vì Kumari được tôn thờ và coi như một vị thần sống ở Nepal".
Quãng thời gian được thờ phụng của mỗi Kumari không dài. Vai trò của họ kết thúc khi cô gái đến tuổi dậy thì, và một Kumari mới thay thế. Các cựu Kumari cũng gặp những khó khăn nhất định sau khi "nghỉ hưu".
Kumari chỉ được phép rời nhà mỗi dịp tế lễ. Ảnh: News |
"Khi còn là Kumari, tôi không được phép đi bộ ngoài đường. Vì thế, sau khi hết vai trò Kumari, tôi cảm thấy không quen mỗi lần phải đi bộ ra đường", Rashmila Shakya, một cựu Kumari, 32 tuổi, nói.
Một khó khăn khác mà các cựu nữ thần phải đối mặt là sự mê tín dị đoan. Người Nepal cho rằng, Kumari là người cao số và ai lấy họ sẽ bị chết trẻ.
"Nếu Kumari lấy chồng, anh ta sẽ chết trẻ. Đây là mê tín dị đoan", Shakya cho biết. Cô làm Kumari trong 8 năm, từ 4 tuổi tới 12 tuổi. "Tất cả các cựu Kumari đều lấy chồng. Bản thân tôi vừa kết hôn được 6 tháng".
Một số nhà hoạt động ở Nepal đã chỉ trích truyền thống Kumari, gọi đó là cưỡng bức trẻ em lao động. Tuy nhiên năm 2008, Tòa án Tối cao Nepal đã bác bỏ đơn yêu cầu chấm dứt truyền thống này, với lý do đây là truyền thống văn hóa của đất nước.
Vào tháng 4/2015, một trận động đất 7,8 độ richter làm rung chuyển Nepal, khiến 8.000 người thiệt mạng, nhiều làng mạc bị phá hủy, các di tích lịch sử nổi tiếng sụp đổ.
Sau thảm họa, người Nepal càng tin tưởng hơn vào Kumari. Số người hành hương tới gặp Kumari để nhờ nữ thần ban phước lành tăng vọt. Trong lễ tế cầu mưa tổ chức năm nay ở Nepal, hàng nghìn người đã tới bày tỏ lòng tôn kính với cô bé 7 tuổi Yunaki, trong đó có cả thủ tướng Nepal.
Tất cả các cựu Kumari đều cho rằng, cuộc sống làm nữ thần có vẻ siêu thực và kỳ lạ, nhưng thời gian làm nữ thần đã ban cho họ đặc ân được tôn trọng suốt đời, cũng như khoản lương hưu trọn đời từ chính phủ Nepal.
Đối với Shakya, vinh dự lớn nhất của người được tuyển chọn làm Kumari là tiếp tục duy trì truyền thống tổ tiên, một nhiệm vụ thiêng liêng.
"Điều tuyệt vời nhất khi được làm Kumari đó là giúp bảo vệ truyền thống dân tộc", Shakya nói.
Xem thêm: Nepal bắt 11 người giết bé trai 10 tuổi để hiến tế
Hồng HạnhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn