Khu nhà 2 tầng của Trung tâm thương mại Ostuzeva 47 ở Voronezh có gần 1.000 quầy hàng kinh doanh dành cho không chỉ người Việt mà có cả người Nga. Tôi ghé thăm chợ vào một ngày trung tuần tháng 8, dưới cái nắng gay gắt khi nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 30 độ C. Đã 10 giờ trưa, chợ vẫn còn khá vắng, tuy nhiên đã thấy lác đác một số khách Nga đi dạo xem hàng, ướm thử, trả giá và một vài vị khách đã tay xách nách mang túi hàng…
Tôi nhẩn nha dạo bước quanh khu chợ, thỉnh thoảng dừng lại hỏi bà con xem chuyện làm ăn, sinh sống ra sao. Chị Phạm Thanh Vân, một tiểu thương buôn hàng đồ lót của phụ nữ, vốn là dân phố cổ Hà Nội sang đây làm ăn mấy chục năm nay, cho hay: “Nói chung năm nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên bà con tại Voronezh làm ăn cũng khó khăn vất vả, mặc dù bây giờ đang vào vụ đấy! Và cũng chỉ biết bảo ban nhau cố gắng làm ăn, may ra cuối năm có gỡ gạc được chút ít”. Cái mà chị Vân nói “đang vào vụ” tức là chuẩn bị cho năm học mới 2017, bố mẹ dẫn các cháu đi mua sắm áo quần, giày dép, balô, sách vở, giấy bút…
Còn anh Thái Văn Mai, quê Nghệ An, kinh doanh hàng phông, áo quần thể thao, túi xách thì giãi bày: “Tình hình an ninh tại Voronezh ổn định. Bà con ở đây rất tốt, nhưng hàng hóa thì kém, cửa hàng mở ra nhiều nên thu nhập đi xuống so với những năm trước”.
Tình hình khó khăn chung tại Nga
Đa số những tiểu thương khác khi được tôi hỏi tới đều có chung nhận xét như chị Vân và anh Mai đã tâm sự. Nếu như ở thời điểm vài năm trước giá đô la Mỹ ở mức 3200 rúp/100 USD thì bây giờ tăng lên tới 6.500rúp/100 USD, điều này khiến sức mua của người tiêu dùng Nga giảm hẳn, trong khi đồng lương của họ lại không xê dịch là bao. Người dân Nga buộc phải tiết kiệm không chỉ trong ăn uống mà sự mặc cũng vậy. Lẽ đương nhiên, những người làm nghề kinh doanh mặt hàng gia dụng như đa số bà con người Việt tại Nga phải chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt đó. Về nguồn hàng hóa thì bà con người Việt tại đây thường phải đi theo xe tuyến lên chợ Chim (Sadovo), chợ Liu (Trung tâm thương mại Mátxcơva) lấy về.
Do buôn bán kém, nên người dân đi làm thường cơm nắm cơm đùm lót dạ. “Có rủng rỉnh nữa đâu mà vào quán để ăn, dù chỉ là bát phở hương quê hay món nhậu đãi nhau như lúc xưa”, anh Trần Quang Thành, chủ một quán ăn nhỏ trong chợ buồn bã tâm sự. “Trong tình trạng chợ đuội (khó khăn - từ địa phương), kinh tế khó khăn thì bọn em làm cái quán nhỏ để tiện cho bà con, bước đầu bà con ủng hộ, lúc đầu họ có ra ăn uống nhưng bây giờ thì hạn chế và thỉnh thoảng mới gọi món mang đến phục vụ tận quầy”. Phần lớn thực phẩm mang tính đặc sản hương Việt là lấy từ chợ người Việt tại Mátxcơva về bán lại cho bà con kiếm chút tiền gọi là lấy công làm lãi.
Những tin vui trong cuộc sống của người Việt tại Voronezh
Ông Phạm Ngọc Trung, quê Nam Định, một cựu chiến binh Campuchia, từng tham gia Hợp tác lao động tại Volgagrad từ những năm 80, hiện là chủ tịch Hội người Việt Nam tại thành phố Voronezh và là người thành lập nên trung tâm thương mại Ostuzeva 47 trải lòng: “Trung tâm thương mại Ostuzeva 47 của chúng tôi thành lập cách đây 5 năm nhờ sự đóng góp của bà con. Tại đây số bà con người Việt chiếm tới 80 %. Trong khoảng thời gian 1 năm trở lại đây do khủng hoảng kinh tế Nga nên bà con làm ăn rất khó khăn, hàng hóa bán chậm, chi phí phải tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng. Vì thế, chúng tôi đã tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con vay vốn liếng nhất là những gia đình gặp khó khăn để qua cơn khủng hoảng nên hiện tại cũng tạm ổn. Trong hoạt động hướng về quê hương đất nước, chúng tôi đã gây quỹ ủng hộ như Góp đá xây dựng Trường Sa, Quỹ Vừ A Dính, Trái tim cho em, ủng hộ bão lụt…".
"Từ nay đến 22/12/2016, chúng tôi sẽ tiếp tục phát động phong trào vì biển đảo quê hương như chương trình làm hệ thống lọc nước ngọt tại các đảo do nhiều nơi đang thiếu nguồn nước này. Chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện cho bà con có nơi vui chơi giải trí nhất là vào những ngày lễ, Tết Việt. Nhất là chú trọng tới các lễ Trung thu cho các cháu, để các cháu nhớ tới cội nguồn khi đang ở tại nước sở tại. Bà con đã có mái nhà chung để sinh hoạt khi xa xứ, đó là Hội Người Việt Nam tại thành phố Voronezh. Một điểm nhấn quan trọng nữa không thể không nhắc tới, đó là lãnh đạo chính quyền thành phố Voronezh và nhân dân địa phương luôn quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho bà con chúng tôi làm ăn thuận lợi”, ông Trung nói thêm.
Theo lời anh Nguyễn Minh Tuấn, một nghiên cứu sinh, cũng là người làm “hoa tiêu” cho tôi, “những năm trước khi kinh tế Nga còn ổn định, bà con ta do thu nhập khá, nên một số cũng đã mua và tự xây dựng được khoảng vài chục ngôi nhà riêng. Nhưng đa phần bà con vẫn phải ở thuê chung cư của người địa phương. Bà con có nhà riêng tự chăn nuôi gà vịt và quan trọng là trồng được rau sạch để dùng và bán cho mọi người dùng làm thực phẩm hàng ngày, thậm chí có thể mang lên nhập cho hàng thực phẩm người Việt trên Mátxcơva. Trẻ em tại đây cũng độ trăm cháu, học hành khá giỏi. Ngoài ra, tại Voronezh này có một số trường đại học, nên các em sinh viên cũng thường qua lại sinh hoạt với bà con. Dịp hè, một số em còn tự đi làm kiếm thêm nguồn thu nhập. Phong trào thể thao như bóng đá ở đây rất mạnh, có khá nhiều các cầu thủ sinh viên góp mặt…”
Đó là những tín hiệu vui của bà con Việt Nam tại Nga bên cạnh những tin buồn về tình hình khó khăn trên thương trường. Mặc dù vậy, cộng đồng người Việt Nam tại Voronezh vẫn luôn giữ vững “tay chèo” để vượt qua cơn khủng hoảng chung của nền kinh tế nước Nga.
Võ Hoài Nam
Từ Mátxcơva
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn