Và tại New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ với gần 19 triệu dân, lực lượng cảnh sát đang phải gồng mình để đảm bảo sự an toàn, tính mạng cho người dân, giữ gìn trật tự xã hội.
Trong một loạt phóng sự mới về an ninh được thực hiện trên khắp các thành phố lớn ở Mỹ sau khi xảy ra vụ sát hại cảnh sát dã man ở thành phố Dallas, phóng viên hãng CBS đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về mức độ an ninh cũng như công việc của lực lượng cảnh sát New York, nơi luôn được coi là mục tiêu hàng đầu của khủng bố.
Theo đó, cảm giác "nghẹt thở" vì an ninh sẽ có ngay sau khi bạn vừa đặt chân xuống sân bay. Phóng viên hãng CBS kể rằng, đối với hành khách xuống sân bay, việc kiểm tra có vẻ nhẹ nhàng hơn, nhưng đối với hành khách lên chuyến bay xuất phát từ New York thì họ phải trải qua rất nhiều thủ tục an ninh rườm rà như cởi giày, không mang theo chất lỏng…
Mỗi một tòa nhà thương mại ở New York đều có một đội ngũ an ninh chuyên nghiệp riêng biệt. Đó là chưa kể đến một lực lượng cảnh sát hùng hậu với con số lên tới 50.000 người, nhiều hơn 1,5 lần so với số nhân viên của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Cảnh sát trưởng của thành phố Bill Bratton cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhiều lần đưa ra các thông điệp khác nhau, đe dọa rằng New York là mục tiêu tấn công hàng đầu của chúng vì đây là thủ đô tài chính, thủ đô giải trí và thủ đô tin tức của thế giới.
Do đó, lực lượng cảnh sát New York luôn phải thay đổi chiến lược đối phó với những đối tượng tấn công có vũ trang hay những kẻ khủng bố. Đặc biệt, sau biến cố kinh hoàng 11-9-2001, lực lượng cảnh sát New York đã có thêm một đơn vị mới chuyên phòng chống khủng bố.
Trên trang web của mình, lực lượng cảnh sát New York đã giới thiệu rằng, đơn vị chống khủng bố được Cao ủy cảnh sát Ray Kelly thành lập năm 2002 và nắm quyền chỉ huy trực tiếp. Đây là một đơn vị tinh nhuệ và sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới. Đơn vị này có nhiệm vụ tuần tra liên tục trên không, trên mặt đất và trên biển tại thành phố đông dân nhất nước Mỹ. Các sĩ quan cảnh sát trong đơn vị đều được trang bị vũ khí hạng nặng như binh sĩ trong quân đội.
Trả lời phỏng vấn hãng CBS, ông Ray Kelly cho biết, hiện tại, đơn vị chống khủng bố New York được chia thành nhiều đội khác nhau. Đứng đầu là đội Hercules với trụ sở đặt ở tầng 14, cao ốc 1 Police Plaza trong khu vực Manhattan. Ông Ray Kelly là người chỉ đạo chung còn cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Cohen là người điều hành trực tiếp.
Người dân ở New York thường gọi Hercules là đội siêu cảnh sát vì các thành viên trong đội được tuyển chọn từ những cảnh sát viên tài ba nhất của toàn thành phố. Các thành viên của Hercules được trang bị súng tiểu liên tấn công, súng ngắn, mặc áo chống đạn Kevlar, đầu đội nón sắt đứng gác ở các điểm trọng yếu, các đại sứ quán, các nhà ga, bến cảng, cầu phà…
Cho đến nay, đội Hercules đã được lực lượng cảnh sát trang bị 80 xe tuần tra, mỗi quận của New York có ít nhất 1 chiếc. Họ cũng có 7 trực thăng tuần tra trên không trong đó 6 chiếc có sơn logo của lực lượng cảnh sát New York và 1 chiếc không sơn để hoạt động bí mật, được gắn cả hệ thống camera có thể đọc được biển số xe cách đó 600m. Ngoài ra, trong biên chế của Hercules còn có 24 tàu tuần tra trên sông.
Bên cạnh Hercules còn có đội phản ứng then chốt. Đội này được thành lập vào năm 2014 và ban đầu chỉ có 125 thành viên nhưng nay đã được tăng lên thành 600 người. Họ sử dụng xe chuyên dụng để tuần tra, hiện diện tại các địa điểm then chốt dựa trên giả định có mối đe dọa thực sự. Nếu có việc gì khẩn cấp thì đội phản ứng then chốt sẽ phối hợp chặt chẽ với Hercules để lên kế hoạch đối phó. Trong các chiến dịch truy quét khủng bố, hai đội này cũng luôn sát cánh bên nhau để thực hiện nhiệm vụ.
Một điểm đáng chú ý các hoạt động của Hercules hay đội phản ứng then chốt đều phụ thuộc rất lớn với nhánh do thám, văn phòng chống khủng bố và đội TOMS. Cả 3 đội này đều thuộc lực lượng cảnh sát. Nếu Hercules và đội phản ứng then chốt là cánh tay hoạt động thì nhánh do thám, văn phòng chống khủng bố và đội TOMS chính là bộ não chuyên phân tích tình hình và giám sát mọi nỗ lực phòng chống khủng bố tấn công.
Ông Ray Kelly cho biết, các thành viên của nhánh do thám, văn phòng chống khủng bố và đội TOMS có thể nói được 60 thứ tiếng. Họ là những sĩ quan tình báo của cảnh sát New York được triển khai trên khắp thế giới. Họ có mặt tại Lyon (Pháp), nơi đặt trụ sở Interpol, Paris, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, Tel Aviv ở Israel, London ở Anh, Montreal và Toronto ở Canada, Singapore, Philippines, Malaysia, Amman, Jordon… Họ có mặt ở những nơi này để thu thập thông tin tình báo và nghe lén để giúp bảo vệ New York hiệu quả hơn.
Mỗi buổi sáng, ông Ray Kelly đều nhận được báo cáo thông tin tình báo về tình hình khủng bố ở nước ngoài rồi từ đó lệnh cho các đơn vị phân tích các kỹ thuật đánh bom, tấn công của khủng bố để có biện pháp phòng vệ kịp thời cho New York.
Cuối cùng, sẽ là thiếu sót khi đề cập tới lực lượng chống khủng bố của cảnh sát New York mà không nhắc đến Trung tâm Phòng chống khủng bố (CTC) trực chiến 24h/24h. Trung tâm này nằm trong căn nhà một tầng xây bằng gạch đỏ ở khu phố công nghiệp thuộc Brooklyn, cách Manhattan vài dặm. Nhiệm vụ của các thành viên trong trung tâm này là thu thập thông tin về các mối đe dọa tiềm tàng.
Các chuyên gia phân tích được lệnh nghiên cứu mọi thứ, từ Hồi giáo cực đoan, khủng bố, quân sự đến việc phân tích chi tiết các kỹ thuật chế tạo bom và những cuộc tấn công khủng bố.
Tại trung tâm này, tại phòng chỉ huy, các sĩ quan chỉ huy và cảnh sát đang làm nhiệm vụ có thể cập nhật trực tiếp trên bản đồ số tình hình tội phạm, các diễn biến liên quan đến an ninh trật tự đang diễn ra tại một khu vực nào đó trong thành phố…
Bên cạnh đó là các phòng thí nghiệm, phòng phân tích khủng bố, phòng tình báo toàn cầu, phòng công nghệ cao…
Theo Chu Nguyễn
Cảnh sát toàn cầu
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn