Khi các cử tri đảng Cộng hòa trở về nhà sau khi đi bỏ phiếu sớm, cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở lên gay cấn hơn so với thời điểm họ ra khỏi nhà. “Cú sốc” mang tên FBI hồi tuần trước - khi giám đốc FIB tuyên bố có thể tái điều tra bê bối sử dụng email cá nhân vào công việc của bà Clinton - càng khiến cho chặng cuối cuộc đua thêm khó lường.
Những người ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang háo hức, trong khi phe Dân chủ lại xuống tinh thần. Kết quả khảo sát cho thấy cách biệt giữa hai ứng viên là rất mong manh. Vậy đâu sẽ là những dấu báo trước người chiến thắng trong ngày bầu cử?
Trên tờ Wall Street Journal, chuyên gia Karl Rove - người từng tham gia thành lập tổ chức vận động bầu cử có tên Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) American Crossroads - khẳng định không nên quá tin vào kết quả khảo sát cử tri sau bỏ phiếu.
Năm 2004, các kênh truyền hình Mỹ từng dự đoán ông John Kerry sẽ chiến thắng nhưng thực tế là ứng viên đảng Dân chủ này đã thất bại. Những gì khán giả được nghe, được thấy có thể không phải là kết quả cuối cùng bởi trong suốt buổi tối ngày bầu cử và sau đó, số liệu được khảo sát sẽ được điều chỉnh để phù hợp với diễn biến thực tế.
Nhưng có 2 nội dung cần theo dõi trong các khảo sát sau bỏ phiếu đó là số lượng cử tri da trắng bầu cho ông Trump và tỷ lệ ủng hộ bà Clinton từ những cử tri thiếu số và cử tri trẻ tuổi.
Chiến lược vận động tranh cử của ông Trump đòi hỏi ông phải có tỷ lệ ủng hộ từ các cử tri da trắng cao hơn tỷ lệ 59% mà cựu ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney từng giành được năm 2012. Bên cạnh đó, tỷ lệ người da trắng đi bỏ phiếu trên tổng số cử tri phải lớn hơn mức 72% của kỳ bầu cử trước.
Xưa nay các cử tri da trắng tốt nghiệp đại học thường bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa nhưng ông Trump lại đang gặp khó khăn trong thu hút đối tượng này. Câu hỏi được đặt ra lúc này đó là liệu ông có thể đạt tỷ lệ 51% người tốt nghiệp đại học bỏ phiếu ủng hộ mình như ông Romney từng có được?
Còn đối với bà Clinton chiến lược của bà là kêu gọi tái hình thành liên minh như Tổng thống Obama đã làm năm 2012. Năm đó, người Mỹ gốc Phi chiếm 13% tổng số cử tri đi bỏ phiếu và 93% trong số đó chọn ông Obama. Những người Mỹ gốc la tinh chiếm 10% lượng cử tri đi bầu và 71% số này bầu cho ông Obama. Những người trẻ tuổi chiếm 19% lượng cử tri đi bầu và 60% số đó ủng hộ vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Kết quả bỏ phiếu thực tế sẽ bắt đầu có vào khoảng 18 giờ ngày 8/11 (tức 5 giờ sáng 9/11 giờ Việt Nam) khi các điểm bỏ phiếu tại một phần của bang Indiana và Kentucky đóng cửa. Đến 19 giờ cùng ngày các điểm bỏ phiếu tại bang Florida (ngoại trừ khu vực Panhandle), bang Virginia, phía tây Indiana và Kentucky sẽ đóng cửa. Nửa giờ sau, kết quả tại North Carolina và Ohio cũng sẽ được công bố.
Những kết bỏ bỏ phiếu sớm này có thể đem đến các chỉ dấu quan trọng về diễn biến của cả kỳ bầu cử. So sánh kết quả có được với kết quả năm 2012 của mỗi đảng sẽ giúp người quan sát biết được tình hình. Mặc dù ông Trump có khả năng sẽ thắng tại Indiana và Kentucky, so sánh kết quả ông giành được so với ứng viên tiền nhiệm Romney sẽ cho thấy điều gì đang diễn ra trên toàn nước Mỹ.
Một dấu hiệu nữa cần quan sát đó là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu so với năm 2012, nhất là ở những khu vực tập trung đông người Mỹ gốc Phi, người gốc la tinh, cử tri trẻ tuổi và người gia trắng có học thức. Đây là chỉ báo đặc biệt quan trọng tại 4 bang không nghiêng hẳn theo đảng nào và sẽ có kết quả sớm nhất.
"Chiến trường" Florida
Hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump (Ảnh: BBC)
Mùa bầu cử năm nay, Florida là "chiến trường" quan trọng nhất. Những người Dân chủ đã luôn chiến thắng tại 18 bang và khu vực bầu cử Quận Columbia tại Washington trong 6 kỳ bầu cử gần nhất. Nếu bà Clinton giành được 242 đại cử tri từ các bang “sân nhà” này, bà sẽ chỉ cần thắng tại Florida, giành 29 đại cử tri và đắc cử tổng thống.
Trong khi đó ông Trump phải thắng tại Florida để nuôi hy vọng làm chủ Nhà Trắng. Kết quả từ những người đi bỏ phiếu sớm hoặc vắng mặt sẽ là chỉ dấu quan trọng. Do khu vực Panhandle, vốn rất trung thành với phe Cộng hòa, nằm trong múi giờ Trung tâm, nên kết quả chung của toàn bang Florida sẽ chỉ được công bố vào đêm muộn.
Bang Ohio, với 18 đại cử tri, sẽ là "chiến trường" then chốt thứ hai trong mùa bầu cử năm nay. Chưa từng có ứng viên Cộng hòa nào vào được Nhà Trắng mà không cần chiến thắng tại Ohio. Bang này có sự phân hóa giữa các thành phố lớn với các khu vực ngoại ô và nông thôn. Bà Clinton phải thắng tại hạt Cuyahoga (thủ phủ là thành phố Cleveland) với cách biệt ít nhất 160.000 phiếu phổ thông, đồng thời thắng lớn tại hạt Franklin (thành phố Columbus) và hạt Hamilton (thành phố Cincinnati)
Các bang quan trọng tiếp theo gồm có North Carolina và Virginia với tổng cộng 28 phiếu đại cử tri. Bà Clinton có thể chiến thắng chung cuộc nếu thắng trên các bang “sân nhà” cộng với hai bang này bất chấp ông Trump có thắng ở Florida và các bang khác.
Đến 20 giờ (giờ bờ Đông), các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa tại khu vực Panhandle (bang Florida), bang New Hampshire và Pennsylvania cũng như hầu hết bang Michigan. Một giờ sau đó kết quả cũng sẽ có tại Arizona, Colorado, New Mexico, Wisconsin và phần còn lại của khu vực Upper Peninsula thuộc Michigan. Chiến dịch của bà Clinton hiện muốn thắng ở Arizona. Ông Trump thì cần ít nhất một vài bang nữa để cán mốc 270 đại cử tri.
Đến 22 giờ, các điểm bỏ phiếu đóng cửa tại Nevada và Utah, trong đó Nevada là "chiến trường" cạnh tranh của hai đảng, trong khi bang còn lại cũng khá thú vị vì ác cảm giành cho Donald Trump. Các điểm bỏ phiếu tại Hawaii sẽ đóng cửa vào 23 giờ trong khi Alaska đến 1 giờ sáng hôm sau mới kết thúc ngày bầu cử. Cho đến khi đó cử tri Mỹ sẽ được biết kết quả của kỳ bầu cử lạ lùng nhất lịch sử.
Thanh Tùng
Theo WSJ
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn