Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ có cơ hội đạt một thỏa thuận lớn tại cuộc gặp sắp tới. Ảnh: Reuters |
Bất chấp những khác biệt sâu sắc về tính cách, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực sự có nhiều điểm tương đồng trên con đường xây dựng sự nghiệp. Đây có thể là cơ sở để hai nhà lãnh đạo đạt được những thỏa thuận lớn trong cuộc gặp đầu tiên sắp tới, theo South China Morning Post.
Tổng thống Trump sử dụng Twitter như một công cụ ngoại giao để sắp xếp lại trật tự thế giới, ở đó, Trung Quốc là một cực quan trọng. Các động thái khiêu khích từ Trump, bao gồm cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, những lời phát biểu không chính thức về việc xem xét lại lập trường của Mỹ đối với chính sách "Một Trung Quốc" hay loạt cáo buộc ông đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử nói Bắc Kinh thao túng tiền tệ, đều mang tính đối đầu.
Song sau đó, Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm mà theo lời ông miêu tả là "thân thiện" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trump nói chính quyền Mỹ sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc". Trung Quốc coi Đài Loan là một phần không thể tách rời và sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.
Viết trên tờ South China Morning Post, cây bút Victor Nee, giáo sư kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội thuộc Đại học Cornell, New York, cho rằng nếu gác vấn đề chính trị sang một bên, ông Trump và ông Tập có thể tương tác với nhau với tư cách "những nhà lãnh đạo mạnh mẽ".
Nhiều điểm chung
Theo giáo sư Nee, dù Trump có phong cách quản trị ồn ào, trái ngược với chiến lược ngoại giao thầm lặng mà Bắc Kinh theo đuổi, ông và Chủ tịch Trung Quốc vẫn có nhiều điểm chung.
Cả hai đều cổ xúy chủ nghĩa dân tộc, tìm cách phục hồi sự vĩ đại của đất nước. Ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử nêu ra câu khẩu hiệu "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Ông Tập lại chú trọng vào mục tiêu hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa". Tất cả đều nhằm khôi phục sức mạnh dân tộc chủ nghĩa ở mỗi nước.
Hai nhà lãnh đạo đều kế thừa những "vốn liếng" nhất định để làm bệ phóng cho sự nghiệp. Ông Trump gây dựng nguồn vốn tài chính khổng lồ từ nền móng đế chế kinh doanh bất động sản của cha. Ông Tập trong khi đó thừa kế kinh nghiệm chính trị từ cha mình là Tập Trọng Huân, một nhà lãnh đạo được kính trọng thuộc thế hệ cách mạng đầu tiên ở Trung Quốc.
Cả hai đều sử dụng những "tài sản" thừa hưởng để tiến thân trên con đường sự nghiệp. Trump xây dựng đế chế bất động sản và thương hiệu Trump trải rộng trên toàn cầu. Ông Tập chuyển hướng theo sự nghiệp chính trị sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Ban đầu, ông làm thư ký riêng cho một ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, rồi bất ngờ chuyển sang đảm nhận chức vụ phó bí thư huyện ủy Chính Định, tỉnh Hà Bắc. Từ đây, ông bắt đầu thăng tiến nhanh chóng từ lãnh đạo cấp tỉnh lên các nấc cao quyền lực trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc.
Tất nhiên, các điểm tương đồng về hoàn cảnh xuất thân cá nhân cũng đi liền với những nét khác biệt rõ ràng trong tính cách giữa họ, Nee nhận xét. Trump là người bốc đồng trong việc đáp trả các chỉ trích và thường xuyên tung ra những phát ngôn "bạo miệng", gây tranh cãi. Trái lại, ông Tập, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư hóa, là con người có nguyên tắc và rất chi tiết trong việc lên kế hoạch thực hiện các bước đi chính trị.
Thỏa thuận lớn
Theo giáo sư Victor Nee, ông Trump và ông Tập rõ ràng muốn hướng tới một thỏa thuận lớn cho mối quan hệ Mỹ - Trung bởi rốt cục, đây chính là những gì mà các nhà lãnh đạo kỳ vọng đạt đến khi mời đồi tác thăm nước mình.
Nee cho rằng dù những điểm chính của một thỏa thuận song phương như vậy vẫn chưa được thương lượng nhưng chắc chắn chúng sẽ liên quan đến các vấn đề lãnh thổ Đài Loan, thương mại song phương và an ninh quốc gia.
Nee đánh giá một thỏa thuận lớn giúp khôi phục mối quan hệ đang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gồm bốn yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là việc hai nước cam kết không gây chiến vì các vấn đề Biển Đông hay quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông. Thứ hai, Trump phải đạt được thỏa thuận thương mại song phương mà ông muốn từ Trung Quốc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần lấy lại động lực tăng trưởng nhờ những hiệp định thương mại tự do với các nước khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ ba, Mỹ cần cam kết không ủng hộ một Đài Loan độc lập. Cuối cùng, mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên phải được ngăn chặn bằng các biện pháp trừng phạt hiệu quả từ cả Trung Quốc và Mỹ. Điều này nhiều khả năng sẽ biến kế hoạch của Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc thành một ưu tiên cấp thấp.
Mỹ và Trung Quốc dù bị phân cách bởi một đại dương rộng lớn nhưng nền kinh tế giữa hai quốc gia này liên kết chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau bắt nguồn từ một loạt lợi ích chung. Đây chính là tiền đề cho triển vọng về một thỏa thuận lớn Mỹ - Trung, giáo sư Nee nhấn mạnh.
Hồng Vân
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn