Nhật công bố video tố tàu Trung Quốc xâm nhập vùng tranh chấp ở Hoa Đông
Đoạn video được cho là quay trong khoảng từ ngày 5/8 đến 9/8 ghi lại 28 lần xâm phạm của tàu tuần duyên Trung Quốc và 72 lần của tàu cá Trung Quốc vào vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền ở Hoa Đông.
Các tàu này bao gồm cả tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống tàu cá ngang nhiên đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Trong đoạn video, tàu tuần tra Aguni của Nhật đã phát đi cảnh báo qua hệ thống radio đối với tàu cá Trung Quốc rằng: “Tàu của các anh đã đi vào vùng biển của chúng tôi (Nhật Bản). Hành động xâm nhập lãnh hải Nhật Bản có chủ ý bị nghiêm cấm. Hãy rời khu vực này ngay lập tức”.
Theo thông báo của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản, có khoảng 200 đến 300 tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển này từ ngày 5/8 đến 9/8. Trong đó có 18 tàu Trung Quốc được trang bị súng máy.
Thông báo cũng nhấn mạnh: “Những hành động như này của phía Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng và không thể tha thứ”.
Các hành động khiêu khích của Bắc Kinh diễn ra không lâu sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác “đường lưỡi bò” phi lí của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhật Bản là một trong những nước lên tiếng ủng hộ phán quyết và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết, tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp trên biển.
Trong một động thái được cho là nhằm đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở cả Biển Đông và Hoa Đông, Nhật Bản dự định triển khai vào năm 2023 một tên lửa tầm bắn khoảng 300km trên các đảo như Miyako thuộc tỉnh Okinawa. Tầm phóng của tên lửa này sẽ bao trùm chuỗi đảo tranh chấp.
Quan hệ Nhật - Trung từ lâu trở nên căng thẳng do vấn đề tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông. Trung Quốc từng rất nhiều lần ngang nhiên đưa các tàu tuần duyên vào khu vực này, đặc biệt trong những năm gần đây.
Năm 2013, Trung Quốc đã trắng trợn tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông để kiểm soát tất cả các máy bay ra vào khu vực. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố các máy bay khi vào đây phải thông báo về kế hoạch bay, "duy trì liên lạc radio hai chiều" và "phản ứng kịp thời và chính xác" trước các yêu cầu nhận dạng.
Quốc tế đã không công nhận ADIZ này của Trung Quốc vì cho rằng khu vực này bao trùm cả không phận của Nhật Bản và Hàn Quốc và gây căng thẳng cho an ninh và ổn định của khu vực.
Minh Phương
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn