Đồng thời, nhà Clinton cũng là những người tiên phong trong kỹ thuật gây quỹ tranh cử làm thay đổi diện mạo chính trị hiện đại, từ đó mở ra cơ hội cho vợ chồng Clinton trở thành cặp vợ chồng đầu tiên làm chủ nhân Nhà Trắng.
Vừa thu hút, vừa khích lệ “cạnh tranh lành mạnh”
Theo một phóng sự điều tra của tờ Washington Post, ông Bill Clinton bắt đầu hoạt động gây quỹ của mình vào năm 1974, với khoản tiền gây quỹ đầu tiên là 178.000 USD trong cuộc vận động tranh cử vào quốc hội. Sau 42 năm, số tiền gây quỹ trong một mùa của nhà Clinton đã tăng lên gấp nghìn lần, với việc bà Hillary năm nay thu được 110 triệu USD.
Một tổng kết sơ bộ của Washington Post cho biết vợ chồng Clinton đến nay đã huy động được tổng cộng 3 tỉ USD từ 336.000 cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn và chính phủ nước ngoài. Số tiền tài trợ này được rót vào hoạt động tranh cử hoặc từ thiện, nhân đạo.
Phần lớn số tiền tài trợ này, khoảng 2 tỉ USD, được chuyển vào quỹ hoạt động của tổ chức Clinton Foundation, còn lại khoảng 1 tỉ USD chi cho các hoạt động chính trị và chi phí pháp lý. Một phần trong số tiền này cũng được vợ chồng Clinton trích ra hỗ trợ cho Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và các “siêu ủy ban hành động chính trị” (PAC).
Hoạt động gây quỹ của vợ chồng Clinton được đánh giá vô tiền khoáng hậu, không ai có thể sánh bằng. Ngay cả gia đình Bush danh giá, từ năm 1988 đến 2015, 3 thế hệ hoạt động chính trị - từ ông George H.W. Bush cho đến George W. Bush và mới đây nhất là Jeb Bush - cũng chỉ huy động được tổng cộng 2,4 tỉ USD.
Danh sách những nhà tài trợ lớn của nhà Clinton khá dài, bao gồm những nhân vật nổi tiếng như Steven Spielberg, George Soros... Nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cho nhà Clinton là Haim Saban và vợ là Cheryl. Cặp vợ chồng này đã tài trợ 39 lần với số tiền 2,4 triệu USD cho các cuộc tranh cử của nhà Clinton từ năm 1992, và 10 triệu USD cho tổ chức Clinton Foundation.
Vợ chồng Clinton có những kỹ thuật thu hút các nhà tài trợ lớn và giữ được họ bằng phương pháp “cạnh tranh lành mạnh” - lôi kéo các nhóm quyền lực đối trọng nhau để họ cạnh tranh nhau cùng tài trợ. Nước cờ táo bạo của nhà Clinton là xâm nhập mạnh vào Wall Street, thu được hàng chục triệu USD từ các cá nhân quản lý, nhân viên các công ty tài chính, có những người tài trợ đến hàng triệu USD.
Tuy nhiên, việc tạo mối quan hệ với các nhà tài trợ ở Wall Street đi ngược lại chủ trương cánh tả khiến cho quan hệ của vợ chồng Clinton với lực lượng cánh tả trở nên căng thẳng. Với việc kết thân với giới nhà giàu Wall Street, bà Hillary Clinton đã đi ngược lại các nỗ lực trước đây của mình là đại diện cho giới trung lưu và chống lại ảnh hưởng của các nhà tài trợ lớn.
Kỹ thuật thu hút các nhóm cạnh tranh nêu trên bắt nguồn từ những ngày đầu vận động tranh cử của nhà Clinton. Sau cuộc đua vào quốc hội bất thành của ông Bill Clinton năm 1974, vợ chồng Clinton chuyển sang các mối quan tâm về tài chính, kết thân với các lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp ở bang Arkansas. Đó là cách vận động mà họ áp dụng xuyên suốt sự nghiệp chính trị của mình.
Họ lôi kéo các nhóm đối nghịch nhau cùng tài trợ như: các lãnh đạo công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư và các công ty công nghệ lớn, các nhà tài phiệt công nghiệp và các nhà hoạt động tự do. Và họ cũng nhanh chóng nắm bắt những nguồn tài trợ mới: những kiều dân Cuba ở Florida, các cộng đồng người gốc Hoa ở New York và các nhân vật giàu có khắp thế giới.
Họ sử dụng những hình thức gây quỹ mới, tìm nhiều cách để bơm tiền tài trợ của doanh nghiệp vào chính trị thông qua các tổ chức phi lợi nhuận ở Arkansas và các tài khoản của đảng Dân chủ. Ông Bill Clinton dùng uy tín và trí thông minh của mình để “bắt lấy” người ủng hộ, còn bà Hillary thì vận dụng sự quan tâm cá nhân để thu hút, như gửi thư viết tay (không đánh máy) để chúc mừng trong những dịp như đính hôn, sinh em bé... hoặc gửi tặng sách thơ để an ủi, chia buồn những người vừa mất người thân. Những cử chỉ nhỏ ấy đã giúp bà Hillary giành được sự ủng hộ suốt đời của họ.
Hơn hết, vợ chồng Clinton rất giỏi trong việc lợi dụng quyền lực và danh tiếng của mình làm đòn bẩy. Theo lời khuyên của Terry McAuliffe, một chuyên gia tài chính của đảng Dân chủ và hiện là Thống đốc bang Virginia, nhà Clinton gia tăng các cuộc gặp riêng tư với các nhà tài trợ lớn. Khi đương chức, Tổng thống Bill Clinton từng tổ chức các cuộc hội họp thâu đêm với giới doanh nghiệp lớn ở Phòng Lincoln.
Còn sau khi rời khỏi Nhà Trắng, ông Clinton tiếp tục tổ chức các cuộc hội họp khắp toàn cầu để gây quỹ cho tổ chức Clinton Foundation của ông. Và năm nay, những người ủng hộ nhà Clinton đã hăng hái tổ chức các cuộc hội họp tại nhà riêng để họ có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với bà Hillary, đồng thời giúp bà gây quỹ. Và nguồn lực tài trợ đã trở thành thứ vũ khí lợi hại của vợ chồng Clinton trong các cuộc đua, khiến các đối thủ bị lép vế, chùn bước.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, “vũ khí nguồn lực” đó đã phát huy sức mạnh, khiến ngay cả Phó Tổng thống Joe Biden cũng e ngại, không dám ra đối đầu với bà Hillary. Và đối thủ chính của bà trong cuộc đua sơ bộ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã phải chấp nhận thất bại toàn diện, vừa thua về lá phiếu cử tri, vừa thua cả số tiền gây quỹ - ít hơn bà đến 35 triệu USD.
Khi bước vào cuộc đua lần thứ hai vào Nhà Trắng, bà Hillary Clinton gây quỹ trong một môi trường rất khác so với lần trước (thất bại trước ông Barack Obama). Kể từ chiến dịch tranh cử năm 2008, Tòa án Tối cao đã có phán quyết tạo sự dễ dàng hơn cho các cá nhân giàu có, các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn sử dụng khoản tiền lớn vào hoạt động chính trị. Và bà Hillary áp dụng ngay các kỹ thuật mới để gây quỹ.
Tháng 9-2015, ban vận động của bà đã thành lập một ủy ban gây quỹ liên kết với Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và 32 ủy ban cấp tiểu bang có thể nhận tiền quyên góp lên đến 356.000 mỗi năm từ một cá nhân. Và bà Hillary là ứng cử viên đầu tiên áp dụng chiến thuật gây quỹ này.
Bánh ít đi, bánh quy lại
Sau khi được đảng Dân chủ chính thức đề cử làm ứng cử viên tổng thống, bà Hillary Clinton đang có cơ hội lập một kỷ lục mới: đó là huy động số tiền 1 tỉ USD, bằng số tiền mà cả hai vợ chồng huy động trong hàng chục năm trước đây.
Để đạt được số tiền này, bà Hillary phải dựa vào sự hỗ trợ của những người tài trợ lâu năm của nhà Clinton. Đó là những người sẵn sàng móc hầu bao chi ra những khoản tiền lớn, lên đến hàng chục triệu USD mỗi người. Ngoài những người này, bà Clinton còn nhận được sự ủng hộ bất ngờ từ những người mới lần đầu đóng góp tài chính cho bà, nhưng họ lại là những người đóng góp nhiều nhất.
Trong số những nhà tài trợ lớn cho nhà Clinton phải kể đến Sam M. Walton, ông chủ chuỗi siêu thị Wal-Mart. Tháng 11-1991, Walton đã gửi một bức thư kêu gọi tất cả giám đốc siêu thị trong chuỗi của mình quyên góp tiền ủng hộ Thống đốc bang Arkansas tranh cử tổng thống.
Walton vốn là một người theo đảng Cộng hòa, có quan điểm bảo thủ và chống công đoàn. Trong khi Bill Clinton lại tranh cử trên cơ sở ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức công đoàn, công nhân, nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của Walton mặc dù ông này tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho đối thủ của Clinton bên đảng Cộng hòa.
Mối quan hệ giữa vợ chồng Clinton với Walton là một minh chứng cho việc họ đã giành được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp ở bang Arkansas như thế nào, và điều đó khiến cho những người ủng hộ họ trong các tổ chức công đoàn bất bình.
Walton lần đầu biết đến bà Hillary vào năm 1983, khi bà được ông Clinton bổ nhiệm làm chủ tịch một ủy ban tiêu chuẩn giáo dục bang Arkansas. Ủy ban của bà đã đưa ra một loạt đề xuất cải cách lớn, trong đó có việc bắt buộc giáo viên phải qua kiểm tra sát hạch năng lực, và điều này đụng chạm quyền lợi giáo viên, khiến giới công đoàn ngành giáo dục bất mãn.
Nhưng ngược lại, giới lãnh đạo doanh nghiệp ở bang Arkansas thì hoan nghênh sáng kiến này, vì họ hy vọng việc chấn hưng hệ thống trường học sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Walton dẫn đầu một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp ở Arkansas - gọi là “Good Suits Club” - giúp bà Hillary triển khai chương trình này.
Bà Clinton và nhóm chủ doanh nghiệp đã sử dụng một chiến thuật chính trị mới thời đó để xây dựng sự ủng hộ cho sáng kiến của mình, đó là tài trợ cho hai tổ chức phi lợi nhuận để các tổ chức này thay mặt họ tuyên truyền về sự cần thiết phải làm một cuộc cải cách trong hệ thống giáo dục. Việc đó đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các tổ chức công đoàn ngành giáo dục.
Tháng 11-1983, một lãnh đạo Hiệp hội Giáo dục Arkansas tên là Peggy Nabors đã gửi một lá thư cho giáo viên toàn bang cáo buộc sáng kiến của bà Hillary “đã gây tổn hại vô cùng cho nghề dạy học”. Thế là bà Hillary gặp phải sự phản đối dữ dội của giới giáo viên khi bà đi khắp bang để giới thiệu chương trình cải cách của mình.
Tuy vậy, rốt cuộc sáng kiến cải cách của bà cũng được chấp nhận. Kết quả là, tiền được đổ nhiều hơn vào hệ thống trường học công lập, dẫn đến toàn hệ thống giáo dục bang Arkansas được cải thiện rõ rệt. Kết quả này khiến ông Nabors từ chỗ chống đối quyết liệt quay sang ủng hộ hết mình trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992 của ông Bill Clinton.
Ngày nay, hai tổ chức công đoàn lớn của ngành giáo dục quốc gia là một trong số những tổ chức ủng hộ nhà Clinton mạnh nhất. Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEA) đóng góp 1,3 triệu USD và Liên đoàn Giáo viên Mỹ (AFT) đóng góp 756.000 USD. Tháng 7-2015, AFT là tổ chức công đoàn đầu tiên lên tiếng ủng hộ bà Hillary Clinton.
Vào thời điểm vợ chồng Clinton rời khỏi bang Arkansas để đến Washington, họ đã xây dựng được những mối quan hệ vững chắc với cơ cấu quyền lực của bang. Bà Hillary lúc đó là luật sư của Công ty luật Rose, một đại diện tiêu biểu cho các tổ chức quyền lực ở Little Rock. Bà kết thân với những nhà tài phiệt bang Arkansas khi đó là những nhà tài trợ lớn đầu tiên cho ông Clinton. Thời điểm đó, họ là những người đã viết những tấm chi phiếu 1.000 USD cho ông Clinton.
Ngoài ra, vợ chồng Clinton còn xây dựng nhiều mối quan hệ rộng khắp trong các giới, từ ông chủ một nhà hàng nhỏ cho đến diễn viên điện ảnh ở Hollywood. Matt Gorman, một nhân viên tài chính của đảng Dân chủ, kể rằng các quan hệ của vợ chồng Clinton nhiều không sao kể hết.
Số danh thiếp mà ông Clinton nhận được từ các mối quan hệ đó được lưu giữ trong một thùng các-tông lớn, được phân chia thành 50 túi nhỏ hơn, mỗi túi là một bang ngoài bang Arkansas. Khi trao danh thiếp cho ông Clinton, những người đó thường nói một câu: “Hãy gọi cho tôi nếu ông ra tranh cử tổng thống nhé”.
Những mối quan hệ tài trợ chính trị luôn đi kèm lợi ích, theo kiểu “có qua, có lại”, và điều đó nhiều khi cũng gây ra điều tiếng, thậm chí bê bối chính trị. Trong năm cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Clinton đã ký một loạt quyết định ân xá “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trong đó báo chí Mỹ làm ầm ĩ đối với quyết định ân xá nhà tài phiệt lưu vong Marc Rich.
Báo chí khi đó đã điều tra được rằng, trước đó vợ của Marc Rich, bà Denise, đã mang đến tài trợ cho Thư viện Tổng thống Clinton ở Little Rock số tiền 450.000 USD. Mặc dù quyết định ân xá vẫn không thay đổi, nhưng vụ việc đã làm cho ông Clinton gặp rắc rối một thời gian.
Theo An Châu (tổng hợp)
An ninh thế giới
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn