Không có phe “ôn hòa”
Tạp chí Foreign Policy của Mỹ mới đây có bài viết đánh giá về mối quan hệ Mỹ-Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria. Theo đó, sự gián đoạn của thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo và quyết định sau đó của Mỹ ngừng đối thoại với Nga về Syria đã dẫn tới một loạt những cáo buộc lẫn nhau được che đậy một cách vụng về giữa Moskva và Washington.
Nó cũng kích động làn sóng suy đoán về tiềm năng của một cuộc xung đột vũ trang công khai giữa hai cường quốc.
Đại diện Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov thậm chí đã cảnh báo Mỹ rằng an ninh của các căn cứ Nga tại Syria được đảm bảo từ trên không. Nga khẳng định rằng họ đã gửi hệ thống tên lửa phòng không S-300 tới căn cứ hải quân của mình ở cảng Tartus của Syria.
Theo tạp chí Mỹ, diễn biến này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tính đến cả việc các cuộc đàm phán thỏa thuận ngừng bắn đã diễn ra với nhịp độ nhanh chóng.
Việc tìm ra một giải pháp ngoại giao trước khi diễn ra các cuộc bầu cử Mỹ là nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhằm để lại một di sản ít nhiều quan trọng về chính sách đối ngoại hoặc nhằm đẩy trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra sang cho Nga.
Báo Mỹ thừa nhận một thực tế rằng Nga đang có vai trò quyết định tại Syria khi đã “cứu” quân đội Syria vào mùa Thu năm 2015. Không có sự hỗ trợ từ trên không của Nga, bất kỳ cuộc tấn công nào do các lực lượng của chính phủ Syria tiến hành cũng sẽ chẳng đi đến đâu.
Như vậy, Nga đang nắm trong tay quyền chủ động và có khả năng hoàn thành phần thỏa thuận của mình. Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội của mình dừng tất cả các chuyến bay, thì mệnh lệnh của ông sẽ được thực thi.
Nhưng Washington rõ ràng có vấn đề với phần thỏa thuận của mình khi không đủ khả năng tác động tới các lực lượng còn lại.
Tạp chí Mỹ thừa nhận không bao giờ có cái gọi là phe đối lập “ôn hòa”. Hy vọng duy nhất của Mỹ là đạt được sự hiểu biết nào đó với người Kurd, nhưng chẳng có ai trong số họ ở Aleppo. Có những người Hồi giáo với mức độ cấp tiến khác nhau, nhưng họ có các nhà tài trợ và bảo trợ khác nhau.
Theo quân đội Nga, Lầu Năm Góc đang cản trở hoặc công khai phá hoại các nỗ lực nào đạt được thỏa hiệp thậm chí trong những vấn đề như trao đổi thông tin về các cuộc không kích.
Nếu Nga và Mỹ không thể tìm thấy nền tảng chung trong tình huống này, thì việc thảo luận một chương trình nghị sự nghiêm túc hơn như thành lập các trung tâm điều phối chung là không khả thi.
Những nhân tố này, cũng như các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào bất kỳ mục tiêu nào trong khu vực, kể cả nhằm vào quân đội Syria, đã dẫn tới sự thất bại của thỏa thuận ngừng bắn.
Mỹ đang hoang mang?
Theo Foreign Policy, vòng đối đầu Nga-Mỹ mới sau khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ không có gì đáng ngạc nhiên và cả hai bên đều muốn đẩy trách nhiệm cho đối tác.
Tổng thống Mỹ Obama thì buồn bực với việc không thể rời đi một cách lịch sự và Điện Kremlin rõ ràng mệt mỏi với thủ đoạn và mưu đồ của Mỹ. Không bên nào muốn trông có vẻ yếu ớt trong tình huống này, vì vậy các bên buộc tội lẫn nhau.
Tờ tạp chí Mỹ cảnh báo rằng cuộc chiến Syria dù có kéo dài thêm 6 tháng hay lâu hơn nữa thì tình hình cũng không có gì thay đổi.
Trong khi Chính phủ Syria tin rằng những bước tiến về quân sự cuối cùng sẽ đảm bảo cho các lập trường mạnh mẽ hơn tại bàn đàm phán, thì lực lượng đối lập vẫn nắm giữ thành trì Aleppo và hy vọng vào sự sụp đổ của chế độ.
Mùa Xuân năm 2017 trông sẽ chẳng khác gì nhiều so với tình hình hiện tại. Trong khi phe đối lập có khả năng vẫn bị chia rẽ và không thể đàm phán, nó sẽ nhận được sự hỗ trợ của Mỹ về súng và tài trợ (đây là “Kế hoạch B” của Mỹ thường được thảo luận tại Moskva).
Nhưng Foreign Policy lại cho rằng tình hình như vậy không phải là một thảm họa vì trên thực tế Nga vẫn muốn hợp tác với Mỹ và phương Tây. Một cuộc đối đầu quân sự ở Syria không nằm trong lợi ích của Moskva hay Washington.
Bất chấp tất cả mọi tranh chấp với phương Tây xung quanh vấn đề Crimea và Ukraine, Điện Kremlin trên thực tế muốn khôi phục quan hệ với phương Tây và chiến dịch Syria một phần nhằm đạt được mục đích này.
Đối với Washington, đó chính là cái cớ để sử dụng “mối đe dọa Nga” nhằm hù dọa các nghị sĩ với mục đích tăng cường chi tiêu quân sự và những thứ khác – bắt đầu một cuộc xung đột công khai với một cường quốc hạt nhân.
Bên cạnh đó, thất bại hiện nay của thỏa thuận ngừng bắn không phải là thất bại đầu tiên. Nhiều thỏa thuận và đàm phán hòa bình đã bị gián đoạn trong năm 2016.
Trong 6 tháng tới, Tổng thống Mỹ sẽ làm quen với công việc ở Nhà Trắng, thành lập một đội cố vấn và cuối cùng có khả năng tập trung vào các vấn đề chính sách đối ngoại. Nếu tình hình thuận lợi, người ta có thể mong đợi một sự phục hồi các nỗ lực của Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng, bao gồm các cuộc đàm phán với Nga.
Không có giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng Syria – không bên nào có đủ sức mạnh để chiến thắng.
Nga sẽ không rời Syria vì đã dành quá nhiều năng lượng và các nguồn lực cho chiến dịch này. Không có chiến thắng hoặc một thỏa thuận hòa bình thì việc các lực lượng Nga rời Syria sẽ bị thế giới coi là sự thừa nhận thất bại, và điều đó sẽ làm giảm giá trị tất cả mọi thành tựu đạt được trong năm trước đó.
Việc đẩy quân đội Nga ra khỏi Syria, tương tự như cách họ bị đẩy ra khỏi Afghanistan vào những năm 1980 là không thể. Điện Kremlin đã rút ra được bài học lớn. Nga tiếp tục bày tỏ sự sẵn sàng đạt được một thỏa hiệp và đưa ra nhượng bộ nếu lợi ích của họ và của các đồng minh được tính đến.
Theo Foreign Policy, Moskva và Washington sẽ phải quay trở lại bàn đàm phán trong khoảng 6 tháng tới và đưa ra những sự nhượng bộ lẫn nhau cần thiết. Khi đó họ sẽ phải thuyết phục các đối tác của mình ở Syria và trong khu vực ủng hộ kế hoạch hòa bình với đòn bẩy là cuộc chiến chung chống IS.
Theo Thành Minh
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn