Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Bloomberg
Ajit Doval từng bí mật hoạt động tình báo tại Pakistan trong vòng 7 năm, khai thác thông tin từ các phần tử nổi dậy tại khu vực Kashmir đầy bất ổn. Đã có lần, Doval tự cải trang thành người lái xe kéo để thâm nhập vào một nhóm phiến quân trong nhà thờ Sikh ở Ấn Độ. Giờ đây, nhiều người coi Ajit Doval là nhân vật quyền lực nhất Ấn Độ chỉ sau Thủ tướng Modi.
Thủ tướng Modi bổ nhiệm ông Ajit Doval vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, một vị trí có tầm ảnh hưởng lớn hơn Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Ngoại giao ở nước này. Ông Doval nắm trong tay quyền phụ trách đàm phán với Pakistan trong bối cảnh New Delhi và Pakistan có nhiều mâu thuẫn. Ông cũng gặp gỡ các nhà sản xuất vũ khí để thảo luận về các tiềm năng chiến lược, ứng phó với các cuộc tấn công quân sự.
Tầm ảnh hưởng chiến lược
Kể từ khi đảm nhiệm vai trò Cố vấn An ninh Quốc gia, ông Ajit Doval đã có nhiều đóng góp trong việc đưa ra những chính sách cứng rắn đối với các nước láng giềng.
“Mỗi chiến lược trong khu vực đều ảnh hưởng đến an ninh quốc gia theo cách riêng, không nước nào giống nước nào. Lịch sử của mỗi quốc gia gắn liền với lý lịch của cố vấn an ninh của quốc gia đó”, cựu giám đốc tình báo R. K. Sawhney cho biết.
Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval. (Ảnh: Blomberg)
Với dáng người thấp, ăn vận gọn gàng, ông Doval rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng và cũng rất ít trả lời phỏng vấn. Sáu người thân cận với Doval trong nhiều năm cho biết ông đang giám sát các vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất của Ấn Độ.
Không lâu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Narendra Modi đã cử ông Doval tới Afghanistan với tư cách đặc phái viên. Ông Doval cũng tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Bhutan.
Ông Doval cũng là đại diện đặc biệt phụ trách đàm phán giữa Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề tranh chấp biên giới. Nhiệm vụ này ngày càng khó khăn hơn khi Bắc Kinh lên kế hoạch đầu tư hàng triệu USD cho các hệ thống giao thông vận chuyển qua Kashmir, khu vực mà cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Doval đã tới Bangkok để tham dự cuộc họp bí mật với người đồng cấp Pakistan trong một nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
“James Bond” của Ấn Độ
Có nhiều nhận định cho rằng Ajit Doval là James Bond của Ấn Độ, với nhiều câu chuyện và giai thoại về ông Doval trong vai trò cố vấn an ninh quốc gia.
Năm 1988, ông Doval hoạt động tình báo tại Đền Vàng, Amritsar, phía Tây Bắc Ấn Độ. Ông đã đóng giả người kéo xe và thuyết phục các chiến binh đang chiếm giữ bên trong ngôi đền rằng ông là một nhà hoạt động Pakistan và đến giúp họ thành lập một quốc gia độc lập mang tên Khalistan.
Quân đội Ấn Độ đã hai lần tấn công ngôi đền thờ đạo Sikh này trong 4 năm, bao gồm một cuộc tấn công năm 1984 khiến hàng trăm binh sĩ và người hành hương thiệt mạng. Vụ việc này đã khiến người Sikh trên toàn thế giới phẫn nộ, dẫn tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Indira Gandhi - người đã ra lệnh thực hiện vụ tấn công năm 1984.
“Rất sáng tạo”
Một lần, cảnh sát ước tính chỉ có nhiều nhất 40 chiến binh bên trong Đền Vàng nhưng ông Doval cho rằng con số thực tế phải gấp 5 lần. Ông thuyết phục chính phủ thay đổi kế hoạch tấn công, cắt nguồn cung điện nước khi thời tiết vô cùng oi nóng. Sau 9 ngày, các chiến binh bên trong ngôi đền đã đầu hàng.
(Ảnh: Bloomberg)
“Nhìn chung, người Ấn Độ rất tuân thủ các nguyên tắc. Ông Doval thấy được điểm quan trọng nhất của các nguyên tắc và đó chính là điều khiến ông trở nên khác biệt. Ông ấy rất sáng tạo và có tư duy cấp tiến”, cựu binh Ấn Độ Karan Kharb cho biết.
Tầm ảnh hưởng của ông Doval đối với Thủ tướng Modi kéo theo nhiều chỉ trích từ phía các chính trị gia đối lập, đồng thời gây ra sự bất mãn trong chính quyền của ông Modi.
“Ấn Độ muốn biết ai là người đưa ra các chính sách đối ngoại: điệp viên Doval hay là các nhà ngoại giao? Đất nước này không an toàn khi các vấn đề ngoại giao nằm trong tay một điệp viên”, một lãnh đạo thuộc đảng Aam Aadmi viết trên trang cá nhân.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi ông Doval bãi nhiệm, đặc biệt là sau chuyến thăm của Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh đến Pakistan hồi tháng 8 vừa qua. Ông Doval đã rút khỏi đoàn tháp tùng vào phút cuối và không có lý do nào được đưa ra.
Lý lịch của ông Doval không xuất hiện trên bất cứ trang web nào của chính phủ. Bản lý lịch mà ông trình bày trong một bài giảng hồi tháng 8/2015 tại Mumbai tiết lộ ông sinh năm 1945 tại Garhwal, một vùng phía bắc Ấn mang tên Uttarakhand, và tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế của Đại học Agra vào năm 1967 trước khi gia nhập lực lượng an ninh.
Phẫu thuật thẩm mỹ
Năm 1972, ông Doval chuyển đến Cục Tình báo, nơi ông đã làm việc trong 30 năm, bao gồm cả thời gian làm việc tại khu vực Jammu và Kashmir đầy bất ổn ở phía Bắc Ấn Độ. Ông thành thạo tiếng Urdu, ngôn ngữ chính được sử dụng tại Pakistan. Năm 2014, ông Doval từng công khai đã sống tại Pakistan trong 7 năm, phẫu thuật thẩm mỹ để xóa dấu vết bấm lỗ tai - dấu hiệu chứng tỏ ông có nguồn gốc Hindu.
Cựu giám đốc cảnh sát ở Punjab, ông S.S. Virk, cho biết: “Tôi chưa thấy ai có thể đảm nhận nhiệm vụ mà ông Doval đang làm. Ông ấy là một cố vấn xuất sắc.”
Ông Ajit Dova hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2014. (Ảnh: Bloomberg)
Những người biết ông Doval miêu tả ông là một người ham học. Ông không ngừng tìm cách thuyết phục các nhà ngoại giao nước ngoài và các quan chức quốc phòng cấp cao, ủng hộ đảng Bharatiya Janata của ông Modi.
“Doval có tầm ảnh hưởng lớn hơn các cố vấn an ninh quốc gia tiền nhiệm, một phần vì uy tín và kinh nghiệm của ông trong các vấn đề tình báo và an ninh", Sameer Patil, người từng phục vụ trong Ban thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết.
Trong bài báo được đăng tải thời gian đó, ông Doval đã đưa ra nhiều ý kiến về chính sách đối ngoại quyết đoán cùng việc phát triển quân đội. Ông cảnh báo rằng sự phát triển của Trung Quốc là "không phải là một sự trỗi dậy đảm bảo hòa bình".
“Ấn Độ vẫn chưa phát huy tối đa tiềm lực. Chúng ta phải tăng sức mạnh của mình và có những bước tiến xứng đáng với tiềm năng”, ông Doval nhận định.
Nhật Minh
Theo Bloomberg
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn