Theo Channel NewsAsia, cậu bé Mohamad Thaqif Amin đã qua đời vào thứ tư vừa qua do các biến chứng từ vết thương, được cho là gây ra bởi nhân viên của nhà trường Johor mà cậu đang theo học.
Trước đó, Thaqif đã chịu nhiều đau đớn khi phải cắt đi hai chân vào tuần trước do bị nhiễm trùng và hoại tử. Đôi chân của cậu bé bị chấn thương gây chảy máu, khiến vi trùng sinh sôi và phá hủy hoàn toàn các tế bào, các bác sĩ cho rằng nếu không cắt bỏ, nó sẽ lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể.
Cậu bé Mohamad Thaqif Amin (11 tuổi) phải trải qua cái chết đau đớn do bạo lực học đường .
Đôi chân bị chấn thương của cậu cũng từ các vụ đánh đập trong trường mà ra. Sau khi bị cắt bỏ đôi chân, Thaqif chìm vào cơn hôn mê sâu vì quá đau đớn. Tưởng rằng sự việc sẽ ngừng lại ở đó, ngờ đâu các bác sĩ phát hiện cánh tay trái của cậu cũng phải được cắt bỏ, trong khi cánh tay phải đang chuyển sang màu đen do nhiễm trùng.
Khi bệnh viện tiến hành trao đổi với gia đình, thì vai trái của cậu xuất hiện nhiều cục máu đông, cả cơ thể bầm tím. Gia đình hoảng sợ nên yêu cầu tiến hành phẫu thuật ngay, tuy nhiên ca phẫu thuật đã không bao giờ được tiến hành do nhịp tim của cậu bắt đầu bất bình thường và đã chết không lâu sau đó.
Mẹ của Thaqif Amin đau khổ thức trắng bên con trong những đêm cuối cùng.
Sự việc thương tâm này gây chấn động khắp đất nước. Mẹ của Thaqif trước đó đã tố cáo nhà trường vì hành vi đánh đập con trai mình bằng ống nước cứng. Nhà trường đã tiến hành xem xét vụ việc, người gây ra vụ đánh đập đã bị bắt tạm giam.
Qua điều tra ban đầu của sở cảnh sát, nghi phạm tạm giam là một cựu tù nhân, trước đây từ bị bắt và ở tù với tội danh trộm cướp vặt. Làn sóng phẫn nộ trong dư luận tăng cao, khiến cảnh sát phải tiến hành điều tra sự việc nhanh chóng.
Cha của Thaqif hy vọng mọi người cầu nguyện cho con trai ông, và mong muốn sự việc được nhiều người biết đến, để gây sức ép và đòi lại công lý cho cậu bé xấu số. Ông hy vọng luật pháp sẽ nghiêm minh trừng trị người có tội.
Nghi phạm của vụ án hiện đã bị tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra.
Vụ việc này là một giọt nước tràn ly trong bối cảnh nạn bạo lực học đường ở Malaysia có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Quan điểm kỷ luật học sinh bằng roi vọt và bạo lực vẫn còn tồn tại trong phần lớn giáo viên, họ xem việc đó là điều bình thường.
Đại diện của Unicef tại Malaysia cho biết: “Việc phạt các em bằng bạo lực vẫn còn được thực hiện ở nhiều nơi trên đất nước này, các giáo viên xem đó là hành vi không sai trái, khiến nhiều người trong số họ có các kiểu kỷ luật quá nghiêm khắc và mạnh tay, không may dẫn đến hậu quả khôn lường”.
Kỷ luật trẻ bằng trừng phạt thân thể là một điều bị cấm trên tất cả các nước Châu Âu. Ở Đông Nam Á, có đảo quốc Singapore hiện cũng là điểm nóng về vấn đề này. Nhiều phụ huynh cho rằng ranh giới giữa kỷ luật và lạm dụng trẻ rất mỏng manh, hy vọng chính phủ sẽ có những điều luật cụ thể cho hành vi này.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn