Đội quân này được cho là chịu trách nhiệm chính trong hàng loạt vụ giết người mang mục đích chính trị trên khắp quốc gia này trong những năm qua và đã hỗ trợ Giáo sĩ Fethullah Gulen trong âm mưu đảo chính bất thành.
Từ những tối hậu thư dành cho Mỹ và EU
Hôm 11-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đưa ra một tối hậu thư với Mỹ, yêu cầu nước này nhanh chóng dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen sang Ankara vì cho rằng ông này đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng 7.
Ông Tayyip Erdogan cho rằng, chính phủ Mỹ phải lựa chọn giữa việc duy trì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống tị nạn ở bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho biết, tuyên bố này được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong bài phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ chính phủ bên ngoài dinh Tổng thống ở thủ đô Ankara.
Ông Tayyip Erdogan nói: “Sớm hay muộn thì Mỹ cũng sẽ phải lựa chọn: Thổ Nhĩ Kỳ hoặc FETO” (phong trào do Giáo sĩ Fethullah Gulen thành lập). Cũng theo lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thì chính quyền Ankara đã 2 lần gửi công văn đề nghị Mỹ dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen. Kèm theo 2 công văn này là 85 hộp đựng tài liệu liên quan đến những cáo buộc vi phạm pháp luật nhằm vào Giáo sĩ Fethullah Gulen.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng, giờ đây, đối với nước này, FETO cũng nguy hiểm như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chưa hết, ông Tayyip Erdogan còn bóng gió rằng Giáo sĩ Fethullah Gulen chỉ là “một con tốt” được “kẻ chủ mưu” hỗ trợ và rằng, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rất thất vọng vì “phương Tây quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của những kẻ có âm mưu đảo chính chứ không phải mối đe dọa nghiêm trọng đối với một quốc gia thành viên NATO”.
Chưa hết, đối với Liên minh Châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một thái độ khá lạnh lùng và xa cách. Hồi đầu tháng 8, Tổng thống Tayyip Erdogan đã ra tối hậu thư cho EU về vấn đề miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu không ông sẽ đóng sập cửa mọi liên hệ còn sót lại với EU.
Đồng thời, người đứng đầu chính quyền Ankara còn cho rằng, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ phải siết chặt an ninh và thực hiện các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn đảo chính thì EU đã không “đứng bên cạnh” mà ngược lại chỉ biết chỉ trích và gây sức ép với nước này.
Vì thế, ông Tayyip Erdogan rất “trân trọng và cảm kích” trước động thái mà Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số nguồn tin khác từ báo chí Thổ Nhĩ Kỳ thì cho rằng, giới chức Ankara bắt đầu tin nhiều hơn về việc nước này đang bị chính các đồng minh “đâm lén sau lưng” nhằm mục đích “đục nước béo cò”.
Một thành viên cấp cao khác trong chính phủ thậm chí còn đề nghị chính quyền mở một cuộc điều tra cẩn thận về liên quan giữa Giáo sĩ Fethullah Gulen với Mỹ, EU và NATO, nhất là việc giáo sĩ này từng là thành viên của đội quân bí mật Operation Gladio, đơn vị vốn tham gia vào nhiều cuộc đảo chính, gây bất ổn chính trị ở các nước châu Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong năm 1960, 1971 và những năm 1980, Operation Gladio được cho là có tham gia các cuộc đảo chính quân sự. Tổng thống Tayyip Erdogan cũng đã thề sẽ tiêu diệt tận gốc Operation Gladio ở nước này và nếu có thể, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự với một số thành viên của đơn vị này.
Đến những cáo buộc nhằm vào Operation Gladio
Vậy Operation Gladio là một tổ chức như thế nào mà lại bị Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cáo buộc liên quan đến âm mưu đảo chính bất thành? Theo nhiều nhà sử học, Operation Gladio được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và MI-6 của Anh thành lập sau Chiến tranh thế giới lần II với mục đích là chống lại hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên khắp các nước Tây Âu.
Một mạng lưới lưu trú đằng sau đội quân bí mật này đã câu kết với các tổ chức khủng bố cực đoan, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhằm tạo nên sự bất ổn tại các quốc gia này.
Trong những năm 1950, Mỹ bắt đầu đào tạo các thành viên cho mạng lưới này thông qua hình thức tự nguyện và các thành viên sẽ thu thập thông tin tình báo và tạo thành phong trào phản kháng ở trong nước của họ".
CIA trực tiếp tài trợ tài chính cho những nhóm này và hướng dẫn họ làm việc song song với các đơn vị tình báo quân đội Tây Âu dưới sự điều phối của một ủy ban của NATO.
Năm 1990, các nhà điều tra Italia và Bỉ bắt đầu nghiên cứu mối liên hệ giữa những đội quân bí mật này và sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố ở Tây Âu. Từ đây, những bí mật về Operation Gladio bắt đầu bị phanh phui với “phát súng” đầu tiên là tiết lộ do Thủ tướng Italia Giulio Andreotti đưa ra.
Theo đó, chi nhánh của đội quân bí mật này được thành lập tại Italia đầu những năm 1970 khi phong trào ủng hộ chủ nghĩa xã hội đang dâng cao.
Tại một cuộc họp giữa các thành viên cấp cao của Operation Gladio hồi năm 1972, người ta đã đưa ra một quyết định phải ngăn chặn bằng được sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và mở rộng hoạt động của đội quân này ra khắp các nước ở châu Âu.
Năm 2000, một báo cáo khác dài 300 trang liên quan đến hoạt động của Operation Gladio tại Italia được hé lộ cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 1/1969 đến tháng 12/1987 có đến 14.591 hành động bạo lực xuất phát từ động cơ chính trị do đội quân này thực hiện làm 491 người chết và hơn 1.100 người bị thương.
Báo cáo này cũng khẳng định, Anh có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ Mỹ xây dựng mạng lưới này ở châu Âu. Cơ quan tình báo của hai nước này còn phân công trách nhiệm liên quan đến Operation Gladio một cách rất rõ ràng. Người Anh lo các chiến dịch tại Pháp, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Na Uy, còn người Mỹ phụ trách Thụy Điển, Phần Lan và phần còn lại của châu Âu.
Sau này, hãng BBC trong một phóng sự về Operation Gladio cũng đã nhấn mạnh tới sự tàn bạo của những đạo quân bí mật này và tuyên bố: "Khi tấm màn che đã được kéo xuống, người ta mới thấy nó che phủ rất nhiều điều kinh tởm".
Ngoài ra, BBC còn phát hiện ra rằng những đạo quân bí mật trên còn tham gia các hoạt động can thiệp vào đời sống chính trị tại hầu hết các nước Tây Âu, mà chủ yếu nhằm vào những chính phủ cánh tả.
Theo Ngọc Khuê
Công an nhân dân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn