Với số lượng người chết ngày càng tăng lên, những kẻ phạm tội đang run sợ trước chiến dịch truy quét tội phạm của Tổng thống Duterte. Cảnh sát Philippines ngày 22/8 cho biết số nghi phạm buôn lậu ma túy bị tiêu diệt ở nước này tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 1.800 người, chỉ 7 tuần sau khi Tổng thống Duterte tuyên thệ nhậm chức. Con số này có vẻ sẽ còn tiếp tục tăng, mặc dù ông Duterte nói rằng ông cảm thấy bị “phiền muộn và mất ăn mất ngủ” khi chứng kiến điều này.
Điều đáng nói là không chỉ những nhân viên an ninh, những người được giao nhiệm vụ trấn áp tội phạm, mới có quyền được bắn chết nghi phạm mà còn có cả những “thần chết” giấu mình, những người dân có súng trong tay nhưng không thuộc về bất kỳ đơn vị an ninh nào, rình rập trong bóng tối, cưỡi xe mô tô và tiêu diệt “con mồi”. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte công khai khuyến khích người dân hỗ trợ ông trong cuộc chiến chống lại tội phạm. Ông cũng cho phép công dân Philippines được quyền sử dụng súng để bắn chết nghi phạm ma túy trong trường hợp những kẻ phạm tội có hành vi chống trả hoặc tấn công những người xung quanh.
Trên các chương trình truyền hình, báo chí và Internet, hình ảnh những thi thể đẫm máu nằm trên nền đất, máu chảy bê bết trên vỉa hè khiến người xem không khỏi choáng váng.
Nỗi sợ hãi bủa vây
Chiến thuật đánh đòn tâm lý của ông Duterte dường như đã phát huy tác dụng khi có hơn 600.000 nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy ra đầu hàng cảnh sát và chính quyền địa phương trong vài tuần qua. Sau khi tự thú, hầu hết trong số này đều được nhắc nhở và khuyên bảo thay đổi cách sống, sau đó được thả tự do về nhà.
Eric Lagumay, 37 tuổi, đến từ quận Bungad thuộc thành phố Quezon, là một trong số những người được tha bổng sau khi tự giác ra đầu thú. Giờ đây nhiều người giống như Lagumay cảm thấy háo hức sau khi thức dậy vào mỗi buổi sáng khi được tham gia vào những lớp học thể dục có tên gọi Zumba do chính phủ tài trợ.
“Zumba rất tuyệt. Mồ hôi đổ ra và bạn sẽ không còn giữ những thói quen xấu nữa. Bạn thậm chí trông còn khỏe khoắn ra nữa”, Lagumay chia sẻ sau khi tham gia lớp học đầu tiên tại một sân bóng rổ của thành phố. Lagumay cho biết thêm mỗi ngày anh ra quét đường 10 lần để giữ cho đầu óc tỉnh táo và không còn vương vấn đến ma túy nữa.
Gần đây, chiến dịch bài trừ ma túy của Tổng thống Duterte đã chuyển hướng sang những mục tiêu cao hơn, đó là những đối tượng làm việc trong bộ máy chính quyền. Tháng trước, ông Duterte đã cáo buộc 5 tướng cảnh sát về hành vi bao che cho các băng nhóm tội phạm buôn bán ma túy. Một vài tuần sau đó, ông đã công khai danh tính của hơn 150 tướng quân đội, thẩm phán, thị trưởng, nghị sĩ và các quan chức địa phương có dính líu tới việc buôn bán loại chất cấm này. Ông đã ra tối hậu thư, yêu cầu những người này phải ra tự thú, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bắn chết. Ông đã yêu cầu các nhân viên cảnh sát nằm trong danh sách tình nghi nộp đơn từ chức và thu hồi giấy phép sử dụng súng của những người này.
Tổng thống đã thắng trong cuộc chiến chống ma túy?
“Đường phố Philippines bây giờ đã yên tĩnh hơn”, Francisco Luena, điều tra viên cấp cao của Sở cảnh sát thành phố Quezon, chia sẻ với Straitstimes sau khi dẫn đầu nhóm 100 cảnh sát đi lùng sục khắp ngõ ngách trong thành phố. Nhiệm vụ của họ là truy tìm những nghi phạm ma túy, những đối tượng lang thang cơ nhỡ và những trẻ vị thành niên vi phạm giờ giới nghiêm.
“Những đứa trẻ vị thành niên trước kia thường đi lang thang trên các tuyến phố vào lúc đêm muộn, uống rượu, hút thuốc, hút cần sa. Bây giờ chúng phải về nhà trước 10 giờ”, ông Luena cho biết.
Ông Ramon Pranada, Trưởng bộ phận kế hoạch và tác chiến thuộc Sở cảnh sát thành phố Quezon, cho biết đối với những đối tượng buôn bán trái phép ma túy, việc trao đổi loại chất cấm này hiện tại trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, tỷ lệ tội phạm nói chung cũng giảm rõ rệt.
“Nếu một đất nước có ít người nghiện ngập hơn, thì số người trộm cắp để nuôi thói quen (sử dụng ma túy) cũng vì thế mà giảm đi”, ông Manuel Co, một trưởng thôn tại Philippines, cho biết.
Ngoài triển khai chiến dịch truy quét ở thủ đô Manila, lực lượng cảnh sát cũng đang lên kế hoạch xóa sổ các băng nhóm tội phạm ở các địa phương khác trên cả nước. Khi những đối tượng môi giới buôn bán ma túy bị bắt, chúng bị mắc kẹt giữa một bên là mệnh lệnh của các ông chủ rằng không được phép tiết lộ thông tin các băng đảng đứng đằng sau, và một bên là mệnh lệnh của cảnh sát rằng phải khai báo thành khẩn. Antonio Yarra, cảnh sát trưởng tỉnh Quezon, cho biết nhiều vụ sát hại đã xảy ra theo mệnh lệnh của các ông trùm nhằm bịt đầu mối của cảnh sát.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Philippines Martin Andanar cho biết số tội phạm trên cả nước đã giảm xuống còn 50.817 đối tượng, so với 56.339 đối tượng vào cùng kỳ năm ngoái.
Ranh giới đúng - sai
Mặc dù chiến dịch truy quét tội phạm ở Philippines đã phát huy tác dụng và đạt được những kết quả rõ rệt nhưng những nhà ủng hộ nhân quyền lại cho rằng việc giết hại đang vượt quá tầm kiểm soát.
Thượng nghị sĩ Leila de Lima, cựu lãnh đạo ủy ban nhân quyền Philippines, cho rằng việc bắn chết nghi phạm không qua xét xử đã dẫn tới nỗi sợ hãi và hoàn toàn vô nhân đạo.
“Chúng ta không thể phát động một cuộc chiến chống ma túy đẫm máu như vậy. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới việc giết hại nhiều hơn, và bây giờ bao gồm cả các nạn nhân vô tội”, bà Lima nói.
Trong khi đó, Lagumay, một người trong cuộc từng dính líu tới nạn buôn bán ma túy ở Philippines cho rằng cảnh sát chỉ đang tiêu diệt những con “tốt thí’ nhỏ bé mà thôi, còn những “ông lớn” đã cao chạy xa bay rồi.
Mặc dù vậy, những nhà hoạt động nhân quyền cũng chỉ chiếm thiểu số. Tổng thống Duterte đã từng tuyên bố rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ là nhiệm kỳ “nhuốm máu”.
Ông Duterte đang đi đúng theo con đường cứng rắn mà ông đã vạch ra ngay từ những ngày còn là ứng viên tổng thống. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cứ 10 người Philippines thì có tới 9 người ủng hộ cách tiếp cận này của ông Duterte.
Những người ủng hộ ông tin rằng ông đã làm cho đất nước an toàn hơn và họ sẵn sàng bỏ qua những vụ giết hại vì điều đó.
“Tôi đã từng trải qua cảm giác khi một tên cướp bị nghiện ma túy chĩa súng vào mặt tôi. Nếu tôi không đưa điện thoại cho chúng, tôi có lẽ đã không còn sống đến tận bây giờ”, luật sư Marilyn Binay chia sẻ trên Facebook.
Binay nói rằng cô ước rằng trái tim cô sẽ rỉ máu khi nhìn thấy những kẻ phạm tội bị giết, nhưng những ký ức từng trải qua trong quá khứ đã khiến cô ủng hộ đường lối của Tổng thống Duterte.
Theo Jennilyn Olayres, 26 tuổi, người phụ nữ xuất hiện trong bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Philippines khi cô ôm xác chồng mình trên đường phố, vật vã khóc lóc giữa vòng vây của những người đứng xem xung quanh, cuộc chiến chống tội phạm của Tổng thống Duterte có thể khiến nhiều người sợ hãi nhưng nó không tiêu diệt tận gốc mối đe dọa thực sự.
Chồng của Olayres bị một đối tượng lái xe mô tô không rõ danh tính ám sát ngay trên đường phố vào đêm ngày 23/7 do bị nghi là tội phạm ma túy. Cô quả quyết rằng chồng mình chỉ là một người dân bình thường và không hề liên quan gì tới buôn bán ma túy, nhưng cuối cùng vẫn bị bắn chết.
“Tôi không cần xã hội thương cảm. Tôi không cần Tổng thống chú ý đến chúng tôi. Tôi biết ông ấy không thích chúng tôi. Nhưng tôi hy vọng ông ấy xử đúng người đúng tội”, Olayres nói.
“Ma túy, chứ không phải con người”, người phụ nữ Philippines nhấn mạnh.
Thành Đạt
Theo Straitstimes
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn