Trong quá trình cuộc tranh cử tổng thống Mỹ diễn ra, hầu hết học giả và truyền thông các quốc gia châu Á đều kỳ vọng ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ đắc cử và tiếp tục duy trì chính sách xoay trục sang châu Á mà Tổng thống Barack Obama đang theo đuổi.
Giờ đây, khi chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng đã thuộc về đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump, một số nước vẫn không khỏi lo ngại các tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử vừa qua sẽ trở thành hiện thực, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế, thương mại và ngoại giao với Mỹ.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu trúng cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có giọng điệu ôn hoà hơn với “thế giới bên ngoài”.
Mặt khác, dù cho ông Trump có cố gắng bảo vệ việc làm, lợi ích của người Mỹ như đã cam kết thì giới doanh nhân châu Á, mà cụ thể ở đây là các nước ASEAN, vẫn sẽ tìm cách điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới.
Châu Á vẫn là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu mà Mỹ nên lưu tâm, bất kể dưới nhiệm kỳ tổng thống nào. (Nguồn: Getty)
Những lợi ích không nên đánh đổi
Trong bối cảnh cử tri các nước phương Tây đang ngày càng mất thiện cảm với toàn cầu hoá và tự do thương mại, còn cơ hội cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào ngõ cụt thì giới doanh nhân châu Á vẫn có thể trông chờ vào sự phát triển tự thân của khu vực. Điều này là không đáng ngạc nhiên vì thực tế có đến 90% tăng trưởng toàn cầu không đến từ các nước kinh tế phát triển.
Đặc biệt phải kể đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được hình thành cuối 2015 là một thị trường gồm 630 triệu dân, tổng GDP trên 2,6 nghìn tỷ USD (lớn thứ 7 thế giới) và một dân số trẻ, lao động năng suất (khoảng 2/3 có độ tuổi trung bình dưới 35).
Ngoài ra còn có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) quy tụ 16 nước châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Mỹ, mở ra triển vọng một không gian kinh tế với 31% tổng sản phẩm toàn cầu, thị trường 3,5 tỷ dân và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển phương Tây.
Giới doanh nhân ASEAN, nhất là ở các nước Philippines và Malaysia, đang tỏ ra hài lòng trước những bước đi mới đây của lãnh đạo các nước này nhằm xây dựng quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc, nhất là về kinh tế. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN.
Hiện nay, dù cho chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào ASEAN còn kém Mỹ, nhưng nếu Mỹ lựa chuyển hướng tập trung đầu tư vào trong nước thì chẳng mấy chốc Trung Quốc sẽ đuổi kịp. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á cũng còn nhiều cơ hội kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ… nên nếu nền kinh tế số một thế giới “lơ là” thì vai trò của Mỹ tại khu vực châu Á sẽ dần nhạt nhòa.
Với những cơ hội kinh doanh như vậy, giới doanh nghiệp Mỹ chắc chắn sẽ không muốn bị gạt sang một bên, trừ phi chính quyền Trump quyết tâm thực thi một chính sách hoàn toàn biệt lập.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Getty)
Tính toán chiến lược Mỹ - Trung
Một yếu tố then chốt là quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Trump. Nếu Tổng thống Trump theo đuổi chính sách cứng rắn về thương mại, quan hệ hai bên sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ không chỉ dừng ở phạm vi kinh tế mà còn có thể ảnh hưởng tới cả hợp tác trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả các vấn đề chính trị như vấn đề bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.
Trong bối cảnh Mỹ và Nga vẫn chưa có nhiều tiếng nói chung, việc Mỹ có mối quan hệ không tốt với thêm một trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không phải là điều có lợi.
Trước đây, trong quá trình tranh cử, ông Trump từng tuyên bố không muốn Mỹ can dự vào các khu vực xa xôi mà không có lợi ích rõ ràng và các quốc gia liên quan không chia sẻ trách nhiệm. Nếu ông Trump thực sự triển khai các tuyên bố này, ông sẽ hủy hoại các cam kết của Mỹ, xa rời bạn bè truyền thống, đồng thời vị trí của Mỹ trong cán cân quyền lực trên thế giới chắc chắn sẽ bị giảm sút.
Rõ ràng, dù không quan tâm đến chính sách xoay trục về châu Á, bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng sẽ phải điều chỉnh trước thực tế là khu vực này vừa là trung tâm kinh tế toàn cầu vừa là khởi nguồn của nhiều thách thức an ninh như một Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn hay một Triều Tiên với chương trình hạt nhân của mình.
Việc thực thi chính sách châu Á đúng đắn cần phải có sự đồng thuận của cả hai Đảng với một loạt các nhân tố nội bộ khác, cũng như quan hệ sâu sắc với các đồng minh và đối tác bên ngoài nước Mỹ. Ông Trump sẽ không thể bỏ qua những thực tế đó.
Mặc dù sẽ có sự xáo trộn ở châu Á dưới thời Tổng thống Trump nhưng châu Á không nên quá lo ngại vì bản thân nước Mỹ cũng cần tự điều chỉnh và tính toán lợi ích trong một thế giới đang biến đổi khôn lường.
Theo Hoài Minh/Bangkok Post
Thế giới và Việt Nam
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn