Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thanh. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ |
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành trao đổi với VnExpress về hợp tác hai nước nhân dịp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sắp thăm Việt Nam hai ngày 2-3/9.
- Đánh giá của Đại sứ về sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam và Ấn Độ ?
- Có thể nói hai nước luôn sát cánh bên nhau trong bảo vệ và xây dựng đất nước, nhất là trong những giai đoạn hai nước gặp khó khăn. Mối quan hệ hữu nghị này được lãnh đạo và người dân hai bên vun đắp qua nhiều thế hệ. Từ năm 2007 Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trên cơ sở tương đồng về lợi ích chiến lược và tin cậy chính trị ở mức cao. Theo đó hai nước tập trung vào 5 lĩnh vực trụ cột là chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh; kinh tế; khoa học công nghệ và văn hóa - giáo dục.
Có thể nói Việt Nam luôn có vai trò quan trọng hàng đầu trong chính sách hướng Đông ra đời từ năm 1991 khi nước này bắt đầu cải cách mở cửa và chính sách Hành động hướng Đông hiện nay của Ấn Độ từ năm 2014, khi Thủ tướng Modi lên nắmquyền, nhằm đẩy nhanh hơn nữa sự hợp tác của Ấn Độ với ASEAN và các nước Đông Á khác.
- Hợp tác quốc phòng được thúc đẩy ra sao?
- Lĩnh vực này là một trong những trụ cột quan trọng nhất của quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Ấn, cũng là hợp tác đạt hiệu quả cao thời gian qua. Cùng với cơ chế Đối thoại quốc phòng thường niên, hai nước có nhiều trao đổi đoàn cấp cao và các quân binh chủng. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika vừa có chuyến thăm Việt Nam tháng 6 vừa qua.
Đáng chú ý, trong chuyến thăm Ấn Độ giữa năm ngoái của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi đó Phùng Quang Thanh, hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn hợp tác Quốc phòng song phương giai đoạn 2015 - 2020. Trên cơ sở này, Việt Nam và Ấn Độ hướng tới mục tiêu tăng trao đổi về đánh giá thách thức, đe dọa với an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực; hợp tác trong việc cung cấp, bảo dưỡng và phát triển các loại trang thiết bị quân sự; Ấn Độ hỗ trợ đào tạo và huấn luyện các sĩ quan thuộc các binh chủng khác nhau của Việt Nam. Hai bên cũng hợp tác trong các hoạt động đa phương và khu vực, kể cả trong khuôn khổ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Ấn Độ là nước có nhiều kinh nghiệm trong vận hành và duy tu sửa chữa những trang thiết bị hiện đại như tàu nổi, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, săn ngầm.Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ của Ấn Độ trong việc huấn luyện đào tạo cho các sĩ quan nhằm nâng cao năng lực quốc phòng cho Việt Nam.
- Một số hãng tin nước ngoài cho biết Ấn Độ cân nhắc việc bán cho Việt Nam tên lửa BrahMos. Xin Đại sứ cho biết tiến độ?
- Việt Nam sẽ cân nhắc mua các loại vũ khí cần thiết, nhằm tăng cường khả năng tự vệ của mình. Trong khi đó, Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại như tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, tên lửa, trong đó có BrahMos.
- Trọng tâm chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Modi lần này là gì?
- Ông Modi đến Việt Nam trong thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào 2017. Do đó, lãnh đạo hai nước sẽ tập trung đánh giá các kết quả hợp tác, xác định phương hướng và biện pháp nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới, sâu sắc và toàn diện hơn. Hai bên dự kiến ký các thỏa thuận mới về nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế và các lĩnh vực khác.
Đây là chuyến thăm Việt Nam của một thủ tướng Ấn Độ sau 15 năm, kể từ khi Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee thăm hồi 2001.
- Ông đánh giá thế nào về quan điểm của Ấn Độ sau khi Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines ?
- Ấn Độ đã ra tuyến bố, ghi nhận phán quyết của Tòa và ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là các quy định trong UNCLOS. Ấn Độ cũng nhấn mạnh các quốc gia cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực, thực hiện kiềm chế, không có hành động gây phức tạp và làm leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cá nhân tôi cho rằng đây là một tuyên bố tích cực. Mặc dù tuyên bố không đi sâu vào nội dung phán quyết nhằm giữ thể diện cho Trung Quốc nhưng đã thừa nhận thẩm quyền của Tòa, nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc của UNCLOS. Điều đó có nghĩa Ấn Độ gián tiếp ủng hộ phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
- Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác như thế nào trong giải quyết căng thẳng Biển Đông?
- Tôi cho rằng Việt Nam và Ấn Độ cần cùng các quốc gia khác lên án, chống lại những hành động đi ngược lại các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Hai nước cũng tích cực tham gia các hoạt động nhằm góp phần làm cho luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS được tôn trọng và tự do hàng hải, hàng không được đảm bảo.
Xem thêm: Tên lửa BrahMos - sát thủ diệt hạm Ấn Độ muốn bán cho Việt Nam
Việt AnhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn