Những nhân tố quyết định chiến thắng của ông Donald Trump
Theo kết quả kiểm phiếu được công bố, ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng Hòa đã giành chiến thắng với trên 270 phiếu đại cử tri, bỏ xa đối thủ là bà Hillary để trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ông đánh giá và bình luận gì về kết quả này?
Có thể nói, cuộc bầu cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ diễn ra trong năm 2016 là một cuộc bầu cử hết sức đặc biệt, có thể nói là “có một không hai” trong suốt 245 năm lịch sử Hoa Kỳ. Sự đặc biệt này chủ yếu xoay quanh 2 ứng viên của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Ông Donald Trump - một tỷ phú địa ốc New York chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ gì trong chính quyền Mỹ. Còn bà Hillary Clinton - được xem là người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng cử viên tổng thống của một chính đảng lớn ở Mỹ. Hai con người với những yếu tố đặc biệt và những cái “đầu tiên” đối đầu tạo nên những điều kỳ lạ trong một mùa bầu cử tổng thống.
Tuy nhiên, việc cử tri Mỹ dồn phiếu cho ông Trump, theo tôi cũng không phải là kết quả quá bất ngờ và khó dự đoán.
Hiện nay, dù đã thoát ra khỏi đáy cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2008 nhưng nước Mỹ vẫn chưa bước vào chu kỳ phát triển mới nên tâm lý nhiều người dân vẫn còn có cái nhìn bất an về tình hình kinh tế - xã hội. Ông Donal Trump dù không phải là một nhà chính trị chuyên nghiệp, nhưng ông ấy lại là một nhà kinh tế tài năng. Chính vì vậy người dân Mỹ hi vọng với những kinh nghiệm của mình, ông ấy có thể giải quyết được những vấn đề bức bách của nền kinh tế Mỹ như: công ăn việc làm, đời sống nhân dân và thu hẹp khoảng cách việc làm.
Vậy theo ông, những nhân tố nào quyết định đến chiến thắng của tỷ phú New York?
Ông Donal Trump có thể coi là một hiện tượng “kỳ lạ” trong lịch sử 58 cuộc bầu cử Mỹ. Một người là một doanh nhân thành đạt chưa bao giờ làm chính trị lại tham gia ứng cử và trở thành tổng thống. Việc cử tri Mỹ dồn phiếu cho ông Trump, gần giống với cuộc bầu cử cách đây 8 năm khi ông Obama được lựa chọn là người đứng đầu nhà Trắng. Thực tế, nước Mỹ vẫn còn có tồn tại những quan điểm bảo thủ về vấn đề chủng tộc. Cuộc bầu cử diễn ra năm 2008 được xem là một bước ngoặt khi người dân Mỹ đã vượt qua chính mình để bỏ phiếu cho ông Obama.
Đến cuộc bầu cử này, một lần nữa người Mỹ lại tự vượt qua chính mình. Ông Trump xuất hiện trong điều kiện xã hội Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng rất trầm trọng. Cử tri Mỹ nói riêng, người dân Mỹ nói chung dường như mất niềm tin vào giới lãnh đạo tinh hoa truyền thống. Trong điều kiện này, họ cần một người có tiếng nói dứt khoát, mạnh mẽ.
Cách nói của ông Donald Trump với thái độ quyết liệt “tôi sẽ khôi phục vị thế vĩ đại của nước Mỹ”, “tôi sẽ tập trung vào xây dựng phát triển nước Mỹ, nền sản xuất nước Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người dân”. Ông ấy nói đơn giản tuy không chặt chẽ, khoa trương nhưng có thể lại tạo ra sự tin tưởng, tác động trực tiếp đến người Mỹ. Có thể nói, trong bối cảnh lần này, người Mỹ cần thay đổi và muốn thay đổi. Thêm vào đó chính sự chia rẽ giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa và trong giới lãnh đạo tinh hoa… đã làm xuất hiện một “hiện tượng” Donal Trump.
Tân tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Ông Donald Trump từng tuyên bố, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ đưa nước Mỹ bước vào con đường “đột phá” với hàng loạt chính sách ngoạn mục, vô tiền khoáng hậu, cực kỳ khác biệt. Theo ông một trong những “đột phá” mà ông Trump có thể giải quyết và tạo ra cho nước Mỹ là gì?
Thực tế cần phải thấy rằng, nếu bà Hillary Clinton là một nhà chính trị chuyên nghiệp, từng trải khi bản thân bà đã từng là Ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ, đặc biệt, chồng bà là tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ, thì ông Donald Trump lại là một tỷ phú tài ba trên thương trường. Tuy chưa có kinh nghiệm về chính trị nhưng ông ấy có con mắt từng trải của một nhà làm kinh tế. Vì vậy, theo tôi ông Trump sẽ tập trung quan tâm, giải quyết đến những vấn đề về nội tại kinh tế, đời sống của nước Mỹ như: chính sách cho người nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động….
Tôi tin cũng như cử tri Mỹ tin rằng, chắc chắn ông ấy sẽ tập trung mọi cố gắng khôi phục, phát triển nền kinh tế Mỹ với những chính sách phục hưng kinh tế, chính sách ưu tiên lao động và đảm bảo việc làm cho người lao động Mỹ. Vì thế có thể ông ấy sẽ điều chỉnh và cân nhắc lại chính sách đối ngoại, điều chỉnh hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tôi nghĩ Donald Trump có thể giải quyết được những thách thức cũng như đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của cử tri Mỹ đối với các vấn đề mà nước này gặp phải .
Vậy còn những thách thức, khó khăn mà tân tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt và tập trung giải quyết trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay là gì, thưa ông?
Tổng thống thứ 45 của Mỹ chắc chắn sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn cả về đối nội, đối ngoại.
Thách thức thứ nhất là về mặt chính trị, nội bộ. Nước Mỹ vào thời điểm năm 2016 đang có xu thế chia rẽ chính trị trong nước đi kèm với mâu thuẫn đảng phái có chiều hướng gia tăng. Điều này dẫn đến một vết nứt hằn sâu trong xã hội Mỹ, chính vì thế thách thức mà ông Trump phải đối mặt giải quyết là hàn gắn vết thương, sự chia rẽ trong lòng xã hội này.
Về kinh tế, đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm nhất và đó cũng là phần việc mà người đứng đầu chính quyền mới phải tập trung giải quyết. Vốn là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, tuy nhiên tính từ năm 2008 đến nay kinh tế Mỹ đang ở thời kỳ giậm chân tại chỗ, với tăng trưởng trung bình 2%/năm.
Tuy đã thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008-2011 nhưng kinh tế Mỹ chưa bước vào giai đoạn mới. Nợ công là 2.000 tỷ USD như một quả cân đè nặng lên vai ông Donald Trump.
Về mặt đối ngoại, tân tổng thống mới cũng phải giải quyết hàng loạt việc của người tiền nhiệm để lại như: khủng hoảng Ukraine, cuộc xung đột bắt đầu bước vào năm thứ 6 ở Sirya, chương trình hạt nhân của Iran đặc biệt là vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên.
Rồi quan hệ với Nga, quan hệ đồng minh Châu Á - Thái Bình Dương… Hay ông Donald Trump sẽ phải nỗ lực bằng mọi cách đối phó với những biến động chính trị mới đây tại Hàn Quốc, tính chất “khó đoán định" của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, rồi đối mặt với một Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn.
Di sản của người tiền nhiềm để lại rất nặng nề, dù muốn hay không muốn thì ông Donald Trump vẫn phải cố gắng vượt qua.
Ông kỳ vọng và mong muốn gì về quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Quan hệ Việt - Mỹ được xây dựng năm nay bước sang năm thứ 21 rồi và đã thiết kế được mối quan hệ toàn diện. Tôi cho rằng, trong 21 năm vừa rồi Việt Nam - Hoa Kỳ đã thiết lập được một khuôn khổ ổn định, trên nguyên tắc là đối tác toàn diện. Cái quan trọng nhất là khuôn khổ này đã có thử thách lâu bền và nó đáp ứng, phục vụ lợi ích của cả Việt Nam và Hoa Kỳ nên cho dù là ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton là tổng thống thì cũng không ai thay đổi được khuôn khổ quan hệ hai nước. Chỉ có điều mỗi một tổng thống sẽ mang dấu ấn cá nhân của họ trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Ví dụ, có người thúc đẩy mạnh mẽ hơn lĩnh vực: an ninh quân sự, có người lại thúc đẩy mạnh mẽ hơn vấn đề kinh tế, khoa học, giáo dục kèm theo những vấn đề liên quan đến dân chủ, dân quyền. Nhưng chắc chắn về khuôn khổ quan hệ không thay đổi.
Tôi hy vọng dưới thời tân tổng thống Donald Trump, việc hợp tác, phát triển giữa hai nước sẽ được thúc đẩy và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, phương diện, đặc biệt là về kinh tế.
Hà Trang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn