Tuy nhiên, sự thay đổi chóng mặt trong khu vực thời gian gần đây dường như đang khiến chiến lược “xoay trục” sang châu Á của cường quốc số một thế giới bị nhấn chìm.
Tổng thống Obama đang đối mặt với nguy cơ thất bại trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á
Nếu như thế giới choáng váng với lời bình luận khiếm nhã gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với cá nhân Tổng thống Mỹ Barack Obama, thì lời bình luận vài ngày sau đó của ông Duterte mới thực sự làm tổn thương Nhà Trắng khi nhà lãnh đạo không có tài ăn nói này tuyên bố sẽ chấm dứt tập trận chung với Mỹ tại Biển Đông. Nhà lãnh đạo Philippines thậm chí còn tuyên bố rằng: “Trung Quốc giờ đây là cường quốc và họ có thế mạnh quân sự nổi trội trong khu vực”.
Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ đã hết sức nỗ lực thuyết phục các đồng minh châu Á rằng họ có đầy đủ khả năng và quyết tâm chính trị để duy trì vị thế lực lượng quân sự mạnh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu nhậm chức năm 2011, Tổng thống Obama đã khẳng định: “Mỹ là cường quốc tại Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ ở đây”. Kể từ sau tuyên bố đó, Mỹ đã điều chuyển nhiều lực lượng hải quân đến khu vực này và ông Obama tiến hành đều đặn các chuyến công du đến khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, sau khi lên làm Tổng thống Philippines, ông Duterte đã thẳng thừng thách thức suy nghĩ cho rằng nước Mỹ vẫn là bá chủ tại Thái Bình Dương. Nếu như những nhà lãnh đạo khác cũng chung quan điểm như vậy thì quyền lực của Mỹ sẽ bị mất dần và nhiều nước trong khu vực sẽ chuyển hướng chính sách sang phía Trung Quốc.
Mặc dù vậy, đánh giá của Tổng thống Duterte về cân bằng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc không hẳn là hoàn toàn đúng, bởi nếu chỉ xét về số lượng tàu sân bay, Mỹ hiện có hẳn 11 chiếc, trong khi Trung Quốc mới chỉ có 1 chiếc và sắp có chiếc thứ hai.
Dù vậy, chi phí quân sự của Trung Quốc đang tăng rất nhanh trong nhiều thập kỷ qua. Bắc Kinh cũng đầu tư rất nhiều vào các loại thiết bị như tàu ngầm, tên lửa đạn đạo, những thiết bị có khả năng đe dọa các tàu sân bay của Mỹ. Do vậy, ông Duterte đưa ra quan điểm nêu trên cũng không hẳn là hoàn toàn vô lý.
Trong năm qua, Trung Quốc ráo riết xây đảo nhân tạo trái phép nhằm củng cố cho yêu sách phi lý đối với gần 90% diện tích Biển Đông. Mặc dù không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý và quá tham lam của Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng không thể dừng được việc Trung Quốc khẳng định sức mạnh của họ.
Tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông đã được chính quyền Obama nhấn mạnh nhiều lần và người Mỹ từ lâu đã khăng khăng cho rằng vị trí của họ tại Biển Đông là giương cao ngọn cờ tuân thủ luật pháp quốc tế hơn là tham gia vào cuộc chiến tranh giành quyền lực với Trung Quốc.
Trong khi đó, Philippines được cho là dùng chiến lược lấy luật pháp làm nền tảng để đấu tranh và Manila đã giành được chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, thật khó cho Mỹ để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Philippines khi ông Duterte đã công khai bôi nhọ Tổng thống Obama và sau đó là tuyên bố ngưng tập trận chung với Mỹ.
Washington có những đối tác khác trong khu vực. Tuần trước, Nhật Bản tuyên bố sẽ tập trận chung với Mỹ tại Biển Đông. Nhưng sự hợp tác này khiến vấn đề hàng hải trở nên giống như là cuộc chiến tranh giành quyền lực với Trung Quốc hơn là thiên về yếu tố luật pháp quốc tế. Cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc tại Biển Đông càng chứng tỏ điều đó. Trong bối cảnh này, nhiều nước trong khối các nước Đông Nam Á bị lôi kéo chọn đứng về bên nào hơn là bị kẹt giữa hai phe hùng mạnh.
Chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á càng trở nên khó khăn hơn khi xét đến số phận mờ mịt của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại do Mỹ khởi xướng để kết nối 12 quốc gia trong khu vực, trong đó có Nhật Bản và Mỹ nhưng không có Trung Quốc. TPP được xem như là một cách để đối trọng với sự lấn lướt kinh tế gia tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng giá trị của chiến lược này về dài hạn là rất tuyệt vời. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Abe và ông Obama dường như không cứu vãn được TPP khi hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đều phản đối hiệp định thương mại này. Tổng thống Obama có thể cố gắng đưa TPP ra Quốc hội Mỹ trước khi ông rời nhiệm sở, song cơ hội để TPP được chấp nhận trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng tại Mỹ là không nhiều.
Nếu như Mỹ không thông qua được TPP, chắc chắn là nhiều đồng minh của Mỹ tại châu Á sẽ rất nản. Họ sẽ đối mặt với sự chỉ trích của Trung Quốc do đã ký vào sáng kiến này của Mỹ. Trong chuyến thăm gần đây đến Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã coi TPP là phép thử độ tin cậy và mục đích nghiêm túc của Mỹ tại châu Á.
Ông Lý Hiển Long cho rằng tác dụng của sáng kiến TPP vượt ra ngoài mục đích thương mại, đó là sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh của họ tại châu Á. Đáng tiếc là tư duy chiến lược dài hạn là điều không thể trong vòng xoáy chính trị Mỹ hiện nay. Hậu quả là Tổng thống Obama nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một tương lai buồn, kết thúc nhiệm kỳ với sáng kiến chính sách đối ngoại “xoay trục” sang châu Á bị nhấn chìm dưới vùng biển Thái Bình Dương.
Theo Hoàng Long
An ninh thủ đô
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn