Ông Kim Jong-un kêu gọi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 27/4 đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và nhiều người đã ngay lập tức chú ý tới chất giọng “đa văn hóa” đặc biệt của ông Kim Jong-un. Người xem trên toàn thế giới có thể nhận ra điểm khác biệt trong giọng nói của nhà lãnh đạo Triều Tiên khi ông trò chuyện cùng Tổng thống Moon Jae-in và phát biểu trực tiếp trước báo giới, trong đó có nhiều đoạn được phát trực tiếp trên Internet.
Theo SCMP, nhiều người dân Hàn Quốc bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe giọng nói không hoàn toàn “thuần” Triều Tiên, mà mang âm hưởng Thụy Sĩ, của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
“Thật ngạc nhiên khi nghe ngữ điệu Triều Tiên trong giọng nói bình thường của ông Kim Jong-un. Nghe giống như có một chút giọng Thổ Nhĩ Kỳ trong ngữ điệu Triều Tiên của ông ấy”, người dùng mạng xã hội Minjeong Ko viết trên Twitter.
“Giọng ông ấy nghe trưởng thành và vừa phải, giống giọng nói của một người đàn ông lớn tuổi hơn. Mọi người đều nghĩ giọng nói của ông ấy sẽ giống một cậu bé, nhưng ông ấy nói rất hay, đặc biệt khi ông ấy nói đùa về việc mang món mì lạnh từ Triều Tiên tới Hàn Quốc. Chúng tôi đều rất ngạc nhiên”, Wonjin Yoon, một người dân Hàn Quốc, nhận xét về giọng nói của ông Kim Jong-un.
Từ năm 15 tuổi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo học tiếng Đức khi còn là học sinh của một trường nội trú ở gần Bern, Thụy Sĩ - nơi ông sống và học tập với tên gọi “Pak-un”. Đây có thể là lý do giải thích cho giọng nói đặc biệt của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Lãnh đạo hiểu ý nhau
Mặc dù Triều Tiên nói rằng Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người dân quốc gia láng giềng nói, song cả hai nước đều hạn chế sử dụng thông dịch viên tại các cuộc gặp cấp cao. Tương tự hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây vào các năm 2000 và 2007 khi cha của ông Kim Jong-un gặp các cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, cuộc gặp mới nhất giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un cũng không có sự xuất hiện của người thông dịch.
Tuy nhiên, ngôn ngữ giữa hai miền Triều Tiên ngày càng có nhiều khác biệt. Hàn Quốc ngày càng đồng hóa nhiều từ tiếng Anh và từ nước ngoài, trong khi Triều Tiên cũng sử dụng nhiều từ mượn từ tiếng Nga và phát triển từ vựng riêng của Triều Tiên.
“Hai phái đoàn của hai nước nhiều khả năng không sử dụng nhiều từ mượn tiếng Anh trong cuộc gặp của họ vì đây là cuộc gặp rất nghi thức. Tuy nhiên các quan chức cấp cao tháp tùng ông Kim Jong-un có thể từng trải qua quá trình đào tạo hoặc tiếp xúc với tiếng Anh rồi. Do đây là cuộc gặp đầu tiên, nên hai bên dành thêm thời gian để tìm hiểu lẫn nhau, và không đi quá sâu vào những vấn đề liên quan tới từ vựng chuyên môn, vốn có thể gây khó hiểu cho cả hai bên”, Jenna Gibson, giám đốc truyền thông tại Viện Kinh tế Hàn Quốc, nhận định.
Nếu người gặp mặt Tổng thống Moon Jae-in hôm nay là cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, vấn đề ngôn ngữ có thể sẽ trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một người trẻ tuổi trong ban lãnh đạo Triều Tiên và từng có thời gian đi du học, do vậy ông có thể quen thuộc hơn với các từ mượn cũng như ngữ điệu của tiếng nước ngoài.
Khi tham dự một loạt sự kiện diễn ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in dường như không gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu ý của nhau. Hai nhà lãnh đạo đã trò chuyện riêng khá lâu trước khi dắt tay nhau bước qua ranh giới quân sự tại khu phi quân sự liên Triều. Cả hai cũng được nhìn thấy cùng nhau tản bộ và trò chuyện trên cây cầu gỗ trước khi ngồi uống trà mà không cần tới sự trợ giúp của thông dịch viên. Ông Kim Jong-un thậm chí còn có những câu nói đùa khiến các quan chức dự hội nghị thượng đỉnh phải bật cười.
Khác biệt ngôn ngữ
Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều uống trà và trò chuyện cùng nhau (Ảnh: Reuters)
Sau 7 thập niên chia cắt do chiến tranh, sự khác biệt sâu sắc về ngôn ngữ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc xuất hiện khi Triều Tiên trở thành một quốc gia khép kín, trong khi Hàn Quốc vươn mình phát triển nhanh chóng thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Tốc độ phát triển kéo theo quá trình giao lưu văn hóa, và ngôn ngữ của người Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện những từ “đi mượn” từ tiếng Anh - Mỹ.
Mặc dù cùng sử dụng ngôn ngữ chung trên bán đảo Triều Tiên, song sự khác biệt về tiếng địa phương từ lâu đã trở thành rào cản cho những người Triều Tiên đào tẩu muốn hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc. Nhiều người Triều Tiên đào tẩu nói rằng giọng nói của họ, với vốn từ vựng và lối diễn đạt thông dụng khác biệt, khiến họ trở nên lạc lõng với những người Hàn Quốc. Một số người đã phải học nói theo tiếng Seoul hoặc Gyeonggi chuẩn mực để thích nghi với cuộc sống tại Hàn Quốc.
“Những vấn đề lớn nhất trong giao tiếp giữa người Triều Tiên và người Hàn Quốc là các từ mượn tiếng Anh và cách diễn đạt thông dụng, đặc biệt là các từ lóng trên Internet thường liên quan tới tiếng Anh hoặc các thứ tiếng khác, hoặc là các từ viết tắt của những cụm từ tiếng Hàn dài hơn”, chuyên gia Gibson cho biết.
“Đối với người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, một trong những vấn đề khó nhất là từ mượn tiếng Anh. Người Hàn Quốc sử dụng tiếng Anh - Hàn khá thường xuyên, đặc biệt là những từ liên quan tới công nghệ như “máy tính” hay “Internet”. Trong khi đó tại Triều Tiên, ngay cả những người được tiếp xúc với những thứ trên, họ cũng chỉ sử dụng tiếng Triều Tiên bản địa hoặc trong một số trường hợp sử dụng từ mượn của tiếng Nga”, chuyên gia Gibson cho biết thêm.
Thành Đạt
Theo SCMP
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn