Mẫu tiêm kích F-20 của Mỹ. Ảnh: Aviations militaires |
F-20 Tigershark (Cá mập hổ) là mẫu máy bay tiêm kích được hãng Northrop Grumman bắt đầu chế tạo vào năm 1975 bằng kinh phí riêng, nhằm chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu đang nở rộ vào giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, theo Aviations militaires.
F-20 được phát triển trên cơ sở mẫu tiêm kích F-5E Tiger II được Mỹ sản xuất hàng loạt và cung cấp cho các quốc gia đồng minh kể từ sau Thế chiến II, nhưng được cải tiến đáng kể về động cơ và hệ thống tác chiến điện tử, đem lại khả năng tác chiến mạnh mẽ hơn phiên bản gốc.
So với F-5E, mẫu F-20 nhanh hơn, có khả năng không chiến ngoài tầm nhìn hiệu quả, không kích các mục tiêu mặt đất bằng hệ thống vũ khí chính xác cao.
F-20 có chiều dài 14,4 m, sải cánh 8,53 m, cao 4,2 m, trọng lượng rỗng 5,96 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 7 tấn, vận tốc tối đa đạt Mach 2 (68m/s), trần bay cao nhất 16 km.
Về vũ khí, F-20 được gắn 5 giá treo trên cánh và thân, có khả năng mang 3,6 tấn bom, tên lửa, rocket. Vũ khí đối không của máy bay gồm nhiều tên lửa AIM-9, AIM-7 Sparrow, hai pháo tự động M39 20mm với cơ số đạn 280 viên.
Khi tấn công mục tiêu mặt đất, F-20 sử dụng tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, hai ống phóng rocket CRV-7 hoặc LAU-10 với 4 rocket 127 mm và các loại bom thường Mk80, bom chùm CBU.
Một điểm mạnh khác của F-20 so với những đối thủ cạnh tranh là khả năng đối phó nhanh với các tình huống khẩn cấp. Trong một đợt diễn tập thử nghiệm vào năm 1980, F-20 chỉ mất 2 phút 30 giây để đạt độ cao 12 km, sẵn sàng đối đầu với các mối đe dọa xâm nhập không phận.
F-20 có bay chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/8/1982. Tuy nhiên đây dường như là thời điểm không thích hợp cho sự ra mắt và quảng bá hình ảnh của mẫu tiêm kích mới này vì Tổng thống Ronald Reagan đã quyết định nới lỏng những hạn chế cung cấp mẫu tiêm kích F-16 Fighting Falcon nổi tiếng cho các nước đồng minh.
Đến năm 1986, Bộ Quốc phòng Mỹ không đặt hàng F-20 mà lại sử dụng F-16 để trang bị cho lực lượng không quân Vệ binh Quốc gia. Quyết định này tác động đáng kể đến những quốc gia đang xem xét, lựa chọn mua tiêm kích Mỹ.
Sau 6 năm không bán được chiếc nào, đến năm 1988, hãng Northrop chính thức cho ngừng chương trình F-20 trị giá hơn 1,2 tỷ USD.
Chiếc F-20 cuối cùng đang được trưng bày tại trung tâm Khoa học California. Hai phiên bản thử nghiệm còn lại gặp tai nạn trong các đợt bay quảng bá, đều do lỗi của phi công.
F-20 trình diễn khả năng ném bom, bắn tên lửa
Xem thêm: 'Đại bàng vàng' Su-47, tiêm kích cánh ngược đầu tiên của Nga
Nguyễn HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn