Theo trang tin News.com.au của Australia, con tàu trong diện nghi vấn là Dong Hai Jiu 101, một tàu tìm kiếm cứu hộ của Trung Quốc được đóng từ năm 2012 và bắt đầu tham gia tìm kiếm máy bay mất tích MH370 từ tháng 2 năm nay.
Khi chiến dịch tìm kiếm máy bay gặp nạn bắt đầu, Bộ trưởng Giao thông Liên bang Australia Darren Chester đã gửi lời cảm ơn tới chính phủ Trung Quốc vì đã đưa tàu Dong Hai Jiu 101 cùng tham gia chiến dịch.
Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh Australia nhận định rằng nhiều khả năng Dong Hai Jiu 101 là tàu do thám của Trung Quốc và Bắc Kinh đang lợi dụng việc tìm kiếm MH370 để thu thập thông tin tình báo giá trị về các hoạt động của hải quân Australia cũng như các nước đồng minh, theo The Australian.
“Theo kinh nghiệm tình báo của mình, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên nếu một tàu như Dong Hai Jiu 101 lại không được giao nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo”, cựu sĩ quan quân đội Australia Clive Williams nhận định.
Giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Australia Peter Jennings cho biết mặc dù Dong Hai Jiu 101 không được thiết kế để phục vụ cho mục đích thu thập thông tin tình báo nhưng tàu này có thể ghi chép lại hoạt động ra vào của các tàu chiến, tàu ngầm tại vùng biển Australia “một cách định kỳ”. Trong khi đó, chuyên gia Greg Barton từ Đại học Deakin cho rằng việc tàu Dong Hai Jiu 101 tiến hành các hoạt động do thám là “chuyện đương nhiên” và đây cũng là cơ hội để tàu Trung Quốc tích lũy thêm năng lực tình báo bằng tín hiệu như khả năng nắm bắt tín hiệu từ một khoảng cách bất kỳ, hoặc khả năng đặt các thiết bị nghe lén dưới nước để phát hiện sự di chuyển của tàu ngầm.
Trang tin The Week cho hay, trong khoảng thời gian 7 tháng hoạt động ở khu vực ngoài khơi Australia để dò tìm máy bay mất tích, tàu Dong Hai Jiu 101 chỉ tích cực tìm kiếm trong khoảng 17-30 ngày. Điều này làm dấy lên suy đoán về việc Dong Hai Jiu thực chất là một tàu do thám của Bắc Kinh.
Australia là nước dẫn đầu trong chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích cùng Malaysia và Trung Quốc. Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hôm 8/3/2014 trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, mang theo 239 người, chủ yếu mang quốc tịch Trung Quốc. Sau gần 2 năm, các cơ quan chức năng hiện vẫn chưa tìm thấy manh mối đáng kể về chiếc máy bay này.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn