Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫy tay chào tại một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Khi những hình ảnh đầu tiên về vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun, Syria, được chiếu trong Phòng Tình huống ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) trình một số phương án cụ thể để trừng phạt chính quyền Syria bởi Mỹ cho rằng không ai khác ngoài Syria gây ra thảm kịch, khiến hơn 80 dân thường thiệt mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford lập tức thực thi chỉ thị trên. Sau nhiều cuộc họp với các thành viên chủ chốt NSC, ông Trump ra lệnh cho hải quân Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân Syria.
Đánh giá lại chính sách Triều Tiên
Cùng lúc, NSC cũng đưa những ý kiến cuối cùng vào bản đánh giá chính sách đối với Triều Tiên, một dự án được thực hiện suốt nhiều tháng qua, theo National Interest.
Khác với các cuộc thảo luận chớp nhoáng liên quan đến vụ tấn công hóa học ở Syria, ông Trump dành cho đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia nhiều thời gian với mức độ linh động cao hơn để đánh giá lại chính sách Triều Tiên.
Wall Street Journal hồi tháng 3 đưa tin Phó cố vấn An ninh Quốc gia K.T. McFarland đã chỉ đạo các trợ lý "thêm vào cả những phương án được miêu tả là phi chính thống", từ việc đưa vũ khí hạt nhân trở lại Hàn Quốc nhằm thị uy sức mạnh kết hợp răn đe cho đến ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các tư lệnh cấp cao dưới quyền.
"Chúng ta trải qua 20 năm áp dụng các biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế nhưng không thể ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên", một quan chức tình báo Mỹ có tham gia quá trình đánh giá lại chính sách Triều Tiên nói với kênh truyền hình NBC News.
Phát ngôn trên ngầm truyền đi thông điệp từ chính quyền Trump rằng Washington đã xử lý vấn đề Triều Tiên quá lâu nhưng không đạt kết quả nên cần thay đổi nền tảng chính sách bằng cách tìm những phương án thay thế, cây bút Daniel R. DePetris từNational Interest nhận định.
Phương án ám sát lãnh đạo bị cấm
Hôm 5/5 Triều Tiên cáo buộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và cơ quan tình báo Hàn Quốc đã cử một nhóm xâm nhập Triều Tiên để ám sát nhà lãnh đạo Kim bằng một chất hóa sinh.
Từng có giai đoạn phương án ám sát một lãnh đạo nước ngoài được Mỹ nghiêm túc cân nhắc. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các lãnh đạo nước ngoài không ủng hộ những chính sách Mỹ đề ra hay hợp tác với Liên Xô luôn là mục tiêu cần loại bỏ của Mỹ.
Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh đã lùi xa hơn 25 năm. Phương án ám sát các quan chức chính trị nước ngoài nhằm giải quyết vấn đề giờ đây nhìn chung không được khuyến khích và chấp nhận. Thực tế, kể từ thời tổng thống Gerald Ford, Mỹ luôn tìm cách tránh xa các kế hoạch có thể dẫn tới suy nghĩ rằng họ là bên tham gia hoặc liên quan hay đồng lõa trong một vụ ám sát.
Sắc lệnh hành pháp của tổng thống Ford về vấn đề trên khá rõ ràng: "Không nhân viên chính phủ Mỹ nào được phép tham gia hoặc có ý định tham gia âm mưu ám sát chính trị".
Sau đó, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã mở rộng lệnh cấm ám sát chính trị trong sắc lệnh hành pháp số 12333 với nội dung nhấn mạnh "không cho phép bất kỳ ai đang làm việc hay hành động thay mặt chính phủ Mỹ tham gia hoặc âm mưu tham gia ám sát".
Việc thực thi một kế hoạch dẫn đến hành động ám sát Kim Jong-un và xóa sổ bộ máy lãnh đạo Triều Tiên sẽ đi ngược lại chính sách Mỹ đã tồn tại bấy lâu nay. Tuy nhiên, chính sách hoàn toàn có thể thay đổi và các sắc lệnh hành pháp hay chỉ thị từ tổng thống cũng có thể được sửa chữa hoặc viết lại. Không có luật nào cấm tổng thống Mỹ ra lệnh ám sát một lãnh đạo nước ngoài.
Trả giá đắt nếu thất bại
Nếu Tổng thống Mỹ Trump sẵn sàng sửa đổi các sắc lệnh hành pháp hiện tại, chính quyền của ông, về mặt giả định, có thể ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không bị xử phạt theo các quy định trong bộ luật hình sự.
Vấn đề đặt ra là liệu ám sát Kim Jong-un hoặc những tướng lĩnh phụ trách chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa đạn đạo hay chỉ huy các cơ quan tình báo, đơn vị quân sự Triều Tiên có phải một lựa chọn tốt hay không.
Chính quyền Mỹ thường có xu hướng tin rằng nếu loại bỏ được người đứng đầu trong một chế độ thù địch, tất cả những quan chức còn lại trong chế độ đó sẽ khiếp sợ và thay đổi cách hành xử, theo bình luận viên Daniel R. DePetris.
Mỹ từng hành động dựa vào niềm tin ấy. Vài ngày trước khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Iraq hồi năm 2003, Washington đã nã tên lửa hành trình vào các cơ quan đầu não ở Baghdad nhằm tiêu diệt tổng thống Iraq Saddam Hussein cùng bộ máy lãnh đạo chính trị cấp cao với hy vọng không kích động một cuộc chiến tranh.
Song nếu Hussein thiệt mạng, khả năng chính quyền của ông đầu hàng quân đồng minh ngay ngày hôm sau hoặc tiếp tục chiến đấu đều có xác suất xảy ra ngang nhau, chuyên gia đánh giá.
Nhưng Triều Tiên là câu chuyện khác hoàn toàn với Iraq vào năm 2003. Ông Kim Jong-un đang kiểm soát vững chắc quyền lực ở Triều Tiên và sẵn sàng loại bỏ bất cứ mối đe dọa nào dù nhỏ nhất.
Không giống Iraq, quốc gia có lực lượng quân đội thiếu nhuệ khí, đã yếu đi vì cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và bị áp đặt các lệnh trừng phạt suốt một thập kỷ sau đó, Triều Tiên là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân cùng dàn tên lửa đạn đạo có khả năng san phẳng thủ đô Seoul, Hàn Quốc, trong chớp mắt cũng như đe dọa các mục tiêu Mỹ trong khu vực. Việc ám sát Kim Jong-un với niềm tin rằng Triều Tiên sẽ thay đổi sau 7 thập kỷ sẽ phải trả giá đắt nếu giả thiết trên sai lầm, DePetris nhận xét.
Theo DePetris, việc ám sát một nguyên thủ quốc gia được xem như hành động chiến tranh và không ai đoán chính xác được Triều Tiên sẽ làm gì để đáp trả.
Cây bút từ National Interest kết luận thế giới có thể hy vọng tất cả những cuộc thảo luận về khả năng ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ là nước cờ chính trị Mỹ thực hiện nhằm hối thúc Trung Quốc hợp tác hóa giải mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên tung video tấn công giả định vào Nhà TrắngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn