Chiến sự bùng phát dữ dội ở
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở ở Anh) cho biết, giao tranh ác liệt bùng nổ giữa quân đội Syria và các phe nổi dậy ở thành phố Aleppo, sau khi Nga và Syria tuyên bố không gia hạn lệnh tạm ngừng bắn kéo dài 3 ngày (từ 20 đến 22/10) do họ đưa ra.
Theo đó, các đợt không kích nhắm vào quận Sheikh Saeed, còn các cuộc pháo kích và giao tranh ác liệt đã diễn ra tại quận Salaheddin và Al-Mashhad do phe nổi dậy kiểm soát ở Aleppo, ngay sau khi lệnh ngừng bắn của Nga kết thúc, tiếp tục kéo dài sang cả ngày 23/10.
Được biết, Moscow đã tạm ngừng không kích vào Aleppo trước khi lệnh tạm ngừng bắn nhân đạo có hiệu lực trong 8 giờ (từ 8-16 giờ, theo giờ địa phương) ngày 20/10 để thực hiện công tác viện trợ nhân đạo và sơ tán người dân, nhưng sau đó kéo dài lệnh này đến ngày 22/10.
Trên 2.000 thường dân bị thương kể từ khi quân đội Syria gần đây tiến hành các đợt tấn công nhằm tái chiếm các quận phía đông ở Aleppo, nơi nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy kể từ năm 2012. Đến nay, có gần 500 người thiệt mạng trong những đợt giao tranh ở Aleppo.
Giám đốc SOHR là ông Rami Abdel Rahman nói rằng, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) muốn tranh thủ lệnh tạm ngừng bắn để sơ tán người dân bị thương và tiến hành công tác viện trợ nhân đạo, nhưng nhiều thường dân bị thương vẫn chưa thể rời khỏi Aleppo.
Quân đội Syria đã tạm lui ở một vài điểm và mở 8 hành lang để tiến hành sơ tán, song có rất ít người qua được khu vực này. Truyền thông nhà nước Syria và chính quyền Nga cáo buộc phe nổi dậy ở phía đông Aleppo chặn đường sơ tán và dùng thường dân làm “lá chắn sống”.
Các tổ chức nhân quyền ước tính có khoảng 275.000 dân thường bị mắc kẹt tại phía Đông Aleppo, trong đó có 100.000 trẻ em. Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Moscow cân nhắc kéo dài lệnh tạm ngừng bắn cho đến tối 24/10, nhưng Nga chưa phản hồi thì chiến sự đã bùng lên.
Hiện liên quân Nga-Syria đang khép chặt vòng vây, chuẩn bị mở chiến dịch quyết định tái chiếm thành phố Aleppo từ tay phiến quân al-Nusra (mới đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham) và các nhóm liên kết với chúng, sau khi lệnh ngừng bắn 3 ngày hết hiệu lực.
Phiến quân Syria cũng sống chết chống cự không chịu rút quân, đầu hàng theo kêu gọi của lực lượng không quân Nga; trong khi Mỹ cũng tìm mọi cách trì hoãn cuộc tiến công của quân đội Syria, đồng thời cung cấp một lượng lớn vũ khí để phiến quân tăng cường khả năng phòng thủ.
Ankara điều máy bay liên tiếp không kích vào vị trí của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF, nòng cốt là người Kurd) ở phía bắc Aleppo, đồng thời 20 xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến quân để nghi binh che dấu cuộc tấn công của các nhóm cực đoan ở làng Tall Rifaat, nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần 20km.
Trong khi đó, người Kurd cũng đang sống chết bám trụ ở phía tây sông Euphrates, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ điều động tới hàng trung đoàn xe tăng - thiết giáp mở chiến dịch Lá chắn Euphrates, nhằm đánh bật họ về phía đông con sông này.
Bất chấp thực tế là Raqqa mới là thành trì chính, là thủ đô không chính thức của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, Aleppo đã trở thành là điểm nóng thực sự ở Syria, là trọng điểm giành giật của 4 nước Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và 2 bên là lực lượng người Kurd và các nhóm phiến quân Syria.
Vì sao Aleppo lại trở thành chiến trường chính ở Syria, là trọng điểm giành giật của nhiều nước và các bên khác nhau ở Syria? Trong kỳ này chúng ta sẽ tìm hiểu về vị trí, vai trò của Aleppo trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.
Người Kurd: Hy vọng nối thông 3 khu tự trị
Vào tháng 3/2016, người Kurd ở Syria đã tuyên bố về việc thành lập chính thể liên bang. Theo đó, ba khu tự trị của người Kurd ở miền Bắc Syria (gồm Cizire Canton, hay còn gọi là Jazira Canton thuộc tỉnh al-Hasakah, 2 khu tự trị còn lại là Afrin Canton và Kobane Canton đều thuộc tỉnh Aleppo), sẽ được hợp nhất và đặt tên là Liên bang miền Bắc Syria.
Trong bối cảnh đó, cuộc đàm phán tại Geneva kéo dài gần 12 giờ đồng hồ giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry vào cuối tháng 8 vừa qua đã khiến tình hình ở Syria thay đổi rất nhanh chóng và ngày càng trở nên phức tạp.
Việc Mỹ tuyên bố không ủng hộ người Kurd trong vấn đề đòi độc lập và tôn trọng quy chế một nước Syria thống nhất, đồng thời hạn chế hợp tác, về bản chất là không để họ lập quốc gia riêng hoặc chí ít là đòi tự trị trên một lãnh địa rộng lớn mà họ có thể chiếm cứ.
Còn Nga khẳng định rằng, người Kurd phải được đưa vào quá trình đàm phán và trở thành một phe đối lập ở Syria.
Việc trở thành một tổ chức chính trị đối lập có nghĩa là người Kurd sẽ phải chấp thuận tiến trình hòa giải chính trị trên cơ sở luật pháp quốc tế, do Liên Hiệp quốc làm chủ, do đó, hy vọng đòi độc lập hoặc chí ít là kết nối 3 khu tự trị của họ rất khó thành hiện thực.
Việc cả Nga và Mỹ hiện đang cố gắng “lấy lòng” Thổ Nhĩ Kỳ khiến người Kurd không còn sự hậu thuẫn chắc chắn về tương lai. Với việc đã củng cố vững chắc khu tự trị ở al-Hasakah, người Kurd hy vọng sẽ nhanh chóng nối thông với 2 khu tự trị còn lại ở Aleppo hoặc chí ít cũng tiến gần tới đó.
Do đó, trước khi một thỏa thuận chính thức đạt được ở Geneva hoặc cục diện ở Syria xoay chuyển theo một hướng khác (Syria giải phóng Aleppo), người Kurd đã tiến đánh một số cứ điểm IS và al-Nusra ở Aleppo với hy vọng giành được càng nhiều đất càng tốt, nhằm củng cố lãnh địa.
Tuy nhiên, tham vọng của họ đã bị chặn lại bởi Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ: Thiết lập “hành lang biên giới” trong đất Syria
Trước hành động của người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức triển khai chiến dịch Lá chắn Euphrates ở Syria từ ngày 24/8. Chính quyền Erdogan tuyên bố rằng, mục tiêu của các hoạt động này là nhằm mục đích xóa sổ các nhóm khủng bố trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và “duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ rõ, thực sự là Ankara chỉ muốn diệt mầm họa là lực lượng dân quân người Kurd ở Syria (YPG) mà họ coi là đồng minh với đảng Công nhân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (PKK), bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Việc nước này can thiệp quân sự vào Syria và cương quyết đòi loại bỏ ông Assad cũng xuất phát từ nguyên nhân vị Tổng thống Syria luôn coi người Kurd là “đồng minh”, để yên cho họ sinh sống ở các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara từ lâu đã muốn ngăn chặn việc người Kurd hình thành một nhà nước độc lập hay là các khu tự trị giáp biên giới nước mình ở cả Syria lẫn Iraq. Do đó, họ luôn đưa ra một điều kiện khá ngang ngược là xây dựng một vùng đệm an ninh “không người Kurd” chạy dọc biên giới trong lãnh thổ Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từng tuyên bố, khu vực an ninh ở Syria mà họ dự định tạo lập sẽ ăn sâu vào lãnh thổ Syria khoảng 8km, chạy dọc tuyến biên giới phía Bắc nước này, với tổng diện tích vào khoảng 5.000 km vuông.
Yêu cầu thiết lập một “hành lang an toàn biên giới” là kim chỉ nam xuyên suốt các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Nhưng Ankara không thể đánh bật người Kurd ở al-Hasakah bởi Mỹ đã thiết lập các căn cứ vững chắc ở đó. Bởi vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết ngăn chặn người Kurd ở Aleppo.
Do đó, khi người Kurd vượt sông Euphrates sang phía Đông, kết nối 2 khu tự trị của họ ở Aleppo thì Ankara đã lập tức mở chiến dịch Lá chắn Euphrates nhằm dồn họ trở về bờ tây sông Euphrates, không cho phép chiếm thêm một vùng đất nào ở Aleppo.
Tuy nhiên, những toan tính của Ankara và người Kurd cũng không hề đơn giản như vậy, mà nó còn liên quan đến đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là kẻ chống lưng cho người Kurd là Mỹ. Những rắc rối ở Aleppo sẽ tiếp tục được tìm hiểu trong kỳ sau với sự hiện diện của Nga và Mỹ.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn