Ưu thế trên không của Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng nhờ quá trình hiện đại hóa các chiến đấu cơ, vận tải cơ, máy bay tàng hình, tên lửa và phương tiện phóng. Trong một bài viết mới đây trên Defence Aviation, chuyên gia quân sự Larkin Dsouza liệt kê 4 vũ khí đáng gờm mà không quân nước này đang sở hữu và phát triển.
Tên lửa siêu thanh Wu-14/DF-ZF
Tên lửa siêu thanh Wu-14 . Ảnh: Defence Aviation |
DF-ZF hay Wu-14 là phương tiện phóng tên lửa siêu thanh đang được Trung Quốc thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận đã nhiều lần phóng thử Wu-14 nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, nhưng nhiều người cho rằng đây là một phần trong kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự nước này.
Wu-14 được cho là có tốc độ Mach 5 – Mach 10 (tương đương 6.173- 12.359 km/h), có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc tiến hành các nhiệm vụ tấn công chính xác bằng vũ khí thông thường đủ sức xuyên thủng lưới phòng không đa tầng của một cụm tàu sân bay chiến đấu đối phương.
Đây là một vũ khí gần như không thể đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường sử dụng các thiết bị cảm biến và hệ thống radar mặt đất lẫn trên biển để bám bắt mục tiêu, bởi Wu-14 có thể chuyển hướng khi bay. Điểm yếu duy nhất của vũ khí này là không được trang bị hệ thống xử lý hiệu suất cao, khiến nó bị hạn chế đáng kể về tính năng theo thiết kế.
Theo giới phân tích, Wu-14 là một vũ khí chủ yếu để phòng thủ chứ không phải tấn công dù có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân. Đây sẽ là công cụ răn đe các nước trong khu vực của Trung Quốc, và có lẽ chỉ có các vũ khí laser năng lượng cao mới đủ sức đối phó với nó.
Tiêm kích tàng hình J-20
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20. Ảnh: Defence Aviation |
Thành Đô J-20 là tiêm kích tàng hình hai động cơ thế hệ 5 đang trong giai đoạn phát triển nguyên mẫu và dự kiến vận hành năm 2018. Nhiều khả năng J-20 sẽ là một hệ thống tấn công tầm xa ở trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các báo cáo cho thấy đây là một tiêm kích chiếm ưu thế trên không, chú trọng vào khả năng tàng hình phía trước, tốc độ cao, phạm vi hoạt động rộng và linh hoạt.
J-20 đã trải qua các cuộc thử nghiệm tốc độ cao bên ngoài Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô. Tiêm kích này cũng nhiều lần bay thử tầm thấp và có một vòm radar được thiết kế lại, dường như để lắp radar mảng pha điện tử chủ động (AESA).
Nguyên mẫu J-20 có một cửa hút mới và lớp sơn tàng hình, bộ ổn định thẳng đứng được thiết kế lại, cùng hệ thống ngắm mục tiêu quang điện tử. Máy bay này cũng có một số cải tiến đáng chú ý để giảm trọng lượng, sự phức tạp và độ phản xạ sóng radar.
J-20 sử dụng động cơ AL-31 của Nga hoặc động cơ phản lực nội địa WS-10. Trung Quốc lên kế hoạch thiết kế động cơ WS-15 có lực đẩy tới 18-19 tấn, giúp máy bay hành trình siêu thanh không cần sử dụng buồng đốt phụ.
Khoang vũ khí chính của J-20 có thể chứa các tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm xa trong khi hai khoang vũ khí phụ nhỏ hơn ở sau cửa hút chứa các tên lửa không đối không tầm ngắn.
Tên lửa hành trình CJ-10
Tên lửa hành trình CJ-10. Ảnh: Defence Aviation |
CJ-10 (phương Tây định danh DH-10) là tên lửa hành trình tấn công mặt đất thế hệ hai của Trung Quốc có vận tốc siêu thanh với tầm bắn trên 1.500 km, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và thông thường nặng 500 kg.
Vũ khí này sử dụng hệ dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh, khả năng xử lý ăn khớp địa hình và thiết bị xử lý đối chiếu khu vực trên bản đồ ở giai đoạn cuối khiến nó rất khó bị hệ thống phòng thủ đối phương gây nhiễu hoặc đánh lừa. Tên lửa này có thể được phóng từ tàu chiến hoặc bệ phóng di động trên mặt đất.
Biến thể diệt hạm cận âm của tên lửa này có tầm bắn 800 km và có thể được triển khai trên oanh tạc cơ H-6K và tiêm kích bom JH-7B hoặc phóng đi từ ống phóng thẳng đứng trên khu trục hạm Type 055.
Tên lửa CJ-10 có khả năng bay tầm thấp để tăng khả năng tàng hình trước radar phòng không cũng như cập nhật đường bay để thay đổi mục tiêu tấn công ở giai đoạn giữa hành trình.
Với trọng lượng khoảng 1-1,5 tấn, CJ-10 nhẹ hơn so với tên lửa đạn đạo và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, đầu đạn sức công phá lớn hoặc đạn thứ cấp để tấn công đội hình tiêm kích trên đường băng hoặc các cụm xe tăng địch. Khả năng linh hoạt, trọng tải lớn, tầm bắn xa khiến CJ-10 trở thành một trong những vũ khí chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc.
Oanh tạc cơ tàng hình Tây An H-8
Hình ảnh mô phỏng oanh tạc cơ tàng hình Tây An H-8 của Trung Quốc. Ảnh: Military |
Tây An H-8 được cho là phiên bản tiếp theo của oanh tạc cơ dần lạc hậu H-6. Các nguyên mẫu ban đầu của nó là phiên bản mở rộng của oanh tạc cơ H-6 với 4 động cơ dưới cánh, một radar tấn công mới ở mũi và tích hợp tính năng tấn công các mục tiêu trên biển.
Oanh tạc cơ này có khả năng vọt lên nhanh hơn 40% so với H-6 và tầm hoạt động lên tới 8.000 km, bán kính tác chiến 5.000 km. H-8 có thể mang nhiều loại bom đủ kích cỡ từ 100 kg đến 9 tấn với tổng trọng tải 18 tấn. Máy bay này cũng có thể được trang bị vũ khí hạt nhân và các tên lửa tấn công mặt đất và diệt hạm. Ngoài ra, đuôi máy bay được gắn pháo 23 mm.
Phi hành đoàn trên H-8 gồm 6 người với hai phi công, hoa tiêu và nhân viên ném bom ở phía trước, còn nhân viên tác chiến điện tử và pháo thủ ngồi ở khoang phía đuôi. Hệ thống điện tử của H-8 được cho là sao chép từ hệ thống điện tử trên oanh tạc cơ B-52 của Mỹ.
H-8 sử dụng 4 động cơ phản lực Rolls-Royce Sprey MK 512-5W từng được Trung Quốc mua để thay thế cho máy ban dân sự Hawker Siddeley Trident 2E.
Duy SơnNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn